Tinh thần doanh nhân tiếp tục tỏa sáng

Nguyễn An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một thực tế, Mỹ, Anh và các nước có số đông người dân đã được tiêm vaccine không phải đóng cửa nền kinh tế.

Các giải thể thao ở Mỹ đã mở cửa cho hàng chục ngàn người đến xem, người đã tiêm vaccine không phải mang khẩu trang. Châu Âu đã tuyên bố tháng 6/2021 sẽ tiến hành giải Euro 2020 trong điều kiện mở cửa đón khán giả. Các chuyên gia y tế đã khẳng định chỉ có vaccine mới giúp các quốc gia tránh khỏi được thảm họa đại dịch đang diễn biến hết sức trên phạm vi toàn cầu.
Chỉ có vaccine mới cứu được nền kinh tế đang đóng băng, chúng ta cần vaccine trong chống dịch như cần vũ khí trong chiến tranh, cần khẩn cấp nhập vaccine, sớm ngày nào tốt ngày đó.
 Hòa Phát hỗ trợ 50 tỷ đồng để mua vaccine phòng Covid-19.
Nhận thức được điều đó, Chính phủ đã sớm ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, trong đó, quy định nguồn kinh phí thực hiện bao gồm: Nguồn ngân sách bảo đảm theo phân cấp; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác; nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả.

Theo tính toán của Bộ Y tế, chúng ta có khoảng 75/96 triệu người thuộc diện cần tiêm vaccine. Dự kiến mua 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19 với tổng nhu cầu kinh phí ước khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, kinh phí mua khoảng 21.000 tỷ đồng; kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng.

Về nguồn kinh phí để mua vaccine, ngân sách T.Ư dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, bảo đảm cho các đối tượng do T.Ư quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn; ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các DN, tổ chức khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, khi dịch kéo dài thì nhu cầu vaccine hàng năm tăng cao, kinh phí mua vacccine lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân. Trong bối cảnh đó, việc thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 được coi là giải pháp rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho Nhân dân.

Việc sớm nhập được nguồn hàng vaccine phòng Covid-19 là hết sức cần thiết để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát để Việt Nam không bị rơi vào tình trạng phong tỏa như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Hiện nay, nguồn cung không đủ cầu, nên rất cần phải có sớm được nguồn kinh phí để chủ động đàm phán. Bộ trưởng Bộ Y tế đã có rất nhiều cuộc tiếp và làm việc với Trưởng đại diện của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như WHO, UNICEF, UNFPA; Đại sứ các nước Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc, Ấn Độ; Tham tán công sứ Nga về các vấn đề liên quan đến vaccine phòng Covid-19 tại Việt Nam.

Ý thức được điều đó, nhiều tập đoàn, DN mặc dù đang phải chật vật đối phó với dịch Covid-19 để duy trì sản xuất nhưng vẫn sẵn sàng tham gia đóng góp vào Quỹ vaccine. Có thể kể đến đầu tiên là Vingroup, từ năm 2020 đến nay đã hỗ trợ không chỉ máy thở mà còn mẫu test xét nghiệm Covid-19. Và trong đợt này cũng trao ủng hộ số tiền tương đương 4 triệu liều vaccine (dự kiến khoảng 1.800 tỷ đồng), đồng thời đang xúc tiến để mua công nghệ sản xuất vaccine. T&T Group đã ủng hộ 1 triệu liều vaccine, trước đó Ngân hàng SHB đã đóng góp 15 tỷ đồng cho quỹ phòng chống Covid-19. Tập đoàn Hòa Phát cũng đã đóng góp 50 tỷ đồng, VietinBank 25 tỷ đồng, BIDV 25 tỷ đồng, Tập đoàn An Phát Holdings 20 tỷ đồng, Tập đoàn Phenikaa 20 tỷ đồng, Ecopark 1 triệu USD, Agribank 25 tỷ đồng, TPBank 10 tỷ đồng, Tập đoàn Tân Long nhà tài trợ SLNA tặng 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh 1000 tấn gạo cùng 5 tỷ đồng cho công tác chống dịch Covid-19...

Hơn bao giờ hết, đây là lúc các DN, các doanh nhân, tỉ phú... thể hiện tinh thần vì cộng đồng, vì xã hội. Việc chung tay đóng góp cho Quỹ Vaccine vì một xã hội an toàn, chính là cách bảo vệ DN của mình, bảo vệ sự nghiệp sản xuất, kinh doanh và người lao động của mình, vì chính những người đồng bào thân yêu của mình. Cho đi là để nhận về.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần