Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tính tiền taxi theo quãng đường biết trước sẽ loại bỏ “chặt chém”

Theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Tài xế taxi chặt chém du khách nước ngoài, người ngoại tỉnh không biết đường là câu chuyện không mới, tuy nhiên nó vẫn còn nguyên tính thời sự.

Thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra những vụ taxi “chặt chém” du khách nước ngoài. Cụ thể, ngày 13/9, chị Lu Juan (quốc tịch Trung Quốc) đón taxi ở TP Nha Trang đi quãng đường hơn 3 km, đồng hồ tính tiền của xe báo số tiền 62.000 đồng nhưng tài xế taxi đòi hơn 7 triệu đồng. Sau khi lấy được 6 triệu đồng, lái xe taxi mới buông tha cho du khách.
Khi khách đã biết trước số tiền phải thanh toán thì dù lái xe có đi lòng vòng thì số tiền cũng không thay đổi. Ảnh minh hoạ
Ngay sau vụ việc ở Nha Trang, ngày 15/9, hai vợ chồng du khách quốc tịch Hà Lan đã phản ánh trên mạng xã hội về việc họ đi taxi tại Hà Nội với quãng đường 10 km nhưng bị tài xế đòi 780.000 đồng. Đây chỉ là hai trong số rất nhiều những vụ việc taxi “chặt chém” du khách.
Ngoài phương thức ép giá “thẳng” như hai vụ việc trên thì không ít các tài xế taxi còn chở khách lòng vòng để tăng thêm tiền cước, đồng hồ tính cước phí không chính xác. Những phương thức này tài xế taxi không chỉ thực hiện với khách nước ngoài mà cả với những người dân ngoại tỉnh không thông thạo đường trong các thành phố.
Anh Nguyễn Văn Vương ở Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy không chỉ khách nước ngoài mà kể cả khách Việt Nam khi lên taxi mà không biết đường hoặc không mặc cả nhiều khi vẫn bị chặt chém. Tôi có lần đi từ bến xe Mỹ Đình về Nguyễn Khánh Toàn mà taxi đi hết 100.000 đồng.”
Việc ép giá, kinh doanh kiểu chộp giật, lừa đảo khách du lịch khiến cho hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trở nên thiếu thiện cảm trong con mắt của du khách nước ngoài. Những lái xe taxi “chặt chém” khách chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh nhưng khiến các hãng taxi bị mang tiếng.
Anh Trần Văn Hùng, tài xế một hãng xe taxi ở Hà Nội cho rằng cần có biện pháp xử lý nghiêm những vi phạm này không để ảnh hưởng tới hàng chục nghìn lái xe đang làm ăn chân chính.
Lãnh đạo một hãng xe taxi thừa nhận rất khó quản lý các tài xế trong việc thu tiền của khách. Các hãng taxi chỉ có biện pháp là giáo dục ý thức của các lái xe. Tại Hà Nội có 20.000 xe taxi của các hãng và hơn 5.000 taxi ngoại tỉnh hoạt động chưa có công cụ giám sát những giao dịch giữa lái xe và khách hàng, các hãng taxi chỉ xử lý được các tài xế ép giá khách thông qua những phản ánh của khách hàng.
Theo ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, những trường hợp “chặt chém” hành khách đều được các hãng taxi trong Hiệp hội xử lý nghiêm. Tuy nhiên, bên cạnh những xe của các hãng taxi ở Hà Nội vẫn có một lượng lớn xe taxi ngoại tỉnh, trường hợp hai du khách người Hà Lan bị ép giá khi đi taxi là một ví dụ, chiếc xe taxi đó được đăng ký tại Vĩnh Phúc nhưng lại hoạt động ở Hà Nội, đây là một trong những bất cập trong quản lý taxi trên địa bàn các thành phố lớn. Về cơ bản để xử lý hiện tượng ép giá khách hàng trục lợi, Hiệp hội Taxi Hà Nội đã đề xuất thực hiện phương thức thanh toán tính tiền theo quãng đường biết trước.
“Chúng tôi sẽ đề nghị với Chính phủ cho các hãng taxi được thực hiện đồng thời hai phương thức tính tiền. Thứ nhất là tính tiền trên đồng hồ và thứ hai là được tính theo quãng đường biết trước. Ví dụ khi khách hàng đi từ điểm A đến B thì người ta đã biết trước số tiền bỏ ra, khi khách đã biết trước số tiền phải thanh toán thì dù lái xe có đi lòng vòng thì số tiền cũng không thay đổi. Như vậy lái xe không thể trục lợi thu tiền của khách cao hơn so với quãng đường đúng để đi” - ông Đỗ Quốc Bình cho biết:
Bên cạnh sự quản lý của các hãng taxi, hiện đang có 3 lực lượng có thể xử lý việc ép giá hành khách của lái xe taxi là: công an, thanh tra giao thông và thanh tra du lịch. Với các hiện tượng chèn ép khách đều có thể phản ánh qua đường dây nóng của các đơn vị qua đó loại bỏ những cá nhân với kiểu kinh doanh chộp giật.