Ngày 17/4/2014, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TPHCM đã có kết luận 2 mẫu chất bột màu trắng ngà mà Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh - Cục Hải quan TPHCM gửi trưng cầu giám định là tiền chất Pseudoephedrine dùng sản xuất ma túy đá. Đây là 2 mẫu được lấy từ lô hàng chuyển phát nhanh xuất khẩu đi Úc vào ngày 15/4 vừa qua.
Theo Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh - Cục Hải quan TPHCM, người gửi lô hàng là một cá nhân ngụ tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Theo khai báo, lô hàng quà biếu gồm có 1 bịch khô mực, 2 bịch điều sấy, 1 hộp trà hòa tan Cúc & Hòe, 1 hộp trà hòa tan hiệu Actiso & La Hán Quả, trọng lượng 2,9kg.
Thấy có nhiều điểm nghi vấn nên cơ quan Hải quan đã kiểm tra thực tế lô hàng. Qua thử nhanh bằng thuốc thử, chất bột màu trắng ngà trong 2 mẫu trà hòa tan phản ứng dương tính với thuốc thử. Ngay sau đó, 2 mẫu vật này đã được chuyển đến giám định tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TPHCM.
Lô tiền chất ma túy được cất giấu tinh vi trong hộp trà
|
Đến chiều 17/4, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TPHCM đã có kết luận chính thức 2 mẫu chất bột màu trắng ngà mà Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh - Cục Hải quan TPHCM gửi trưng cầu giám định là tiền chất Pseudoephedrine dùng sản xuất ma túy đá.
Giấu gần 2 kg ma túy trong hộp nhang qua cửa sân bay
Ngày 5/10, Phòng Kỹ thuật hình sự (PC54) Công an TP HCM đã có kết quả gửi Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) xác định chất bột do hải quan sân bay gửi qua để giám định chính là ma túy.
Trước đó, vào ngày 29/9, một nữ du khách quốc tịch Thái Lan nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong hành lý nữ hành khách có hộp nhang làm quà biếu. Thấy nghi ngờ nên nhân viên hải quan kiểm tra nhanh, mẫu bột phản ứng dương tính với ma túy nên cơ quan này lập biên bản và gửi mẫu cho Phòng PC54 Công an TP HCM giám định.
Kết quả giám định chất chứa trong hộp nhang là ma túy với tổng trọng lượng 1,73 kg, ước tính trên 10 tỉ đồng. Qua xác minh ban đầu, số ma túy giấu trong hộp nhang đã đi qua 4 nước trước khi đến Việt Nam.
Ép ma túy vào truyện tranh
Ngày 27/9, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết, đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Triwenning Puji Astuli (quốc tịch Indonesia) về hành vi Vận chuyển trái phép chất ma túy.
Trước đó, vào khoảng 13h30 ngày 12/9, Đội CSĐT Tội phạm về Ma túy (Công an quận Hoàn Kiếm) phối hợp với Công an phường Hàng Bông kiểm tra hành chính đối với Triwenning Puji Astuli tại Khách sạn Royal Palace.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cô gái này có 6 cuốn truyện tranh, bên trong có chứa 4,929 kg heroin.
Tại cơ quan điều tra, Triwenning Puji Astuli khai được một người da đen gốc Phi tên là Staenly thuê vận chuyển hàng vào Việt Nam. Việc giao dịch, liên lạc giữa các đối tượng đều thông qua điện thoại và Internet.
Ngày 28/8/2014, Triwenning Puji Astuli đi máy bay từ Indonesia sang Malaysia gặp hai người đàn ông da đen (chưa rõ danh tính) nhận một valy màu đỏ chứa quần áo và 6 quyển truyện tranh. Theo thỏa thuận, chúng thuê Triwenning Puji Astuli đưa chiếc va ly này vào Việt Nam để giao lại cho một nam thanh niên người Việt. Đến ngày 30/8, Triwening Puji Astuti đi máy bay từ Malaysia đáp xuống sân bay Nội Bài của Việt Nam.
Vận chuyển hàng vào Việt Nam trót lọt nhưng trong khoảng thời gian từ ngày 31/8 đến ngày 12/9 vẫn không có người đến nhận hàng. Khi Triwenning Puji Astuli đang lưu trú tại Khách sạn Royal Palace thì bị công an bắt giữ.
Các đối tượng ép ma túy vào bìa truyện tranh
|
Mở rộng điều tra, Công an quận Hoàn Kiếm phát hiện, trước đó Triwenning Puji Astuli đã 3 lần vận chuyển hàng cho Staenly đến Trung Quốc. Mỗi chuyến vận chuyển Triwenning Puji Astuli đi từ 5-7 ngày.
Mọi chi phí từ vé máy bay đến phòng nghỉ tại khách sạn đều được Staenly sắp xếp và chi trả. Tính tổng chi phí cho mỗi chuyến hàng vận chuyển của Triwening Puji Astuti lên tới hơn 2000 USD, chưa kể các chi phí khác phát sinh. Mỗi chuyến hàng Triwenning Puji Astuli nhận thù lao 250 USD tại Indonesia .
Triwenning Puji Astuli khai nhận, mỗi khi đi đến nước nào thì Staenly đều giao cho Triwenning Puji Astuli một sim mã vùng điện thoại nước đó để tiện giao dịch. Toàn bộ hành động của Triwenning Puji Astuli đều phải theo chỉ đạo của Staenly.
Thay lời kết
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an) cho biết nhiều nhóm người nước ngoài (gốc Phi, Việt kiều ở các nước như Australia, Canada, Mỹ, Trung Quốc…) và cả người Việt Nam đã lợi dụng những kẽ hở trong kiểm soát hàng không của Việt Nam và một số nước để vận chuyển ma túy trên các chuyến bay quốc tế và nội địa.
Theo kiến nghị của cơ quan điều tra, tại các sân bay, cần trang bị và đưa vào sử dụng các phương tiện hiện đại nhằm kiểm tra, phát hiện ma túy như máy soi phát hiện ma túy trong hành lý, máy chụp X quang phát hiện ma túy cất giấu trong cơ thể, máy ngửi ion ma túy…
Cơ quan điều tra cũng đề nghị cho sử dụng máy chụp cơ thể đặt tại các sân bay, mà trước hết đặt tại các sân bay lớn có nhiều tuyến bay quốc tế như: Tân Sơn Nhất, Nội Bài; tạo điều kiện trong việc kết nối mạng giữa các hãng hàng không với cơ quan Hải quan theo quy định của Chính phủ để thuận tiện cho công tác thu thập, phân tích xử lý thông tin về những người nghi vấn...