Tổ chức cho học sinh đi ngoại khóa, trải nghiệm: Không thể khoán trắng cho công ty du lịch

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để có hoạt động đi tham quan, ngoại khóa giáo dục truyền thống, trải nghiệm đảm bảo an toàn, các nhà trường cần lên kế hoạch chi tiết, lường trước được những vấn đề có thể xảy ra đối với học sinh (HS).

Khu du lịch sinh thái Đảo Ngọc Xanh (tỉnh Phú Thọ) nơi xảy ra tai nạn thương tâm khiến một học sinh trường THPT Đông Anh (Hà Nội) tử vong. Ảnh: Hoabinhtourist.com
Phụ huynh cân nhắc trước khi quyết định
Vụ 2 toa tàu lượn siêu tốc ở Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ) văng ra khỏi đường ray, rơi xuống mặt đất từ độ cao 2,5m khiến 1 HS tử vong, 2 HS bị thương, đã trôi qua 5 ngày nhưng đến nay nhiều người nghĩ lại không khỏi rùng mình. Mặc dù Hiệu trưởng trường THPT Đông Anh (huyện Đông Anh, Hà Nội) Phan Thị Hiền đã lên tiếng nhận trách nhiệm nhưng mọi người cho là chưa đủ. Bởi lúc tai nạn xảy ra, những HS tham gia trò chơi tàu lượn siêu tốc được các bạn đến ứng cứu nhưng không thấy giáo viên. Theo lời kể của HS Ng.L.Ph tham gia tàu lượn siêu tốc bị tai nạn, lúc đầu nhóm các bạn định ngồi toa ghế đầu nhưng do thanh chắn bảo vệ bị hỏng, một số toa khác thì hỏng đai bảo vệ không đóng được cửa nên buộc lòng ngồi xuống toa cuối. Trên nhiều diễn đàn, các phụ huynh cho rằng, trong trường hợp tàu lượn siêu tốc không đảm bảo an toàn thì Ban giám hiệu nhà trường và giáo viên không nên cho HS tham gia trò chơi mạo hiểm này.

Nhiều phụ huynh quả quyết, sau này sẽ cân nhắc trước khi quyết định có nên cho con tham gia hoạt động tham quan, ngoại khóa do nhà trường tổ chức. Anh Nguyễn Quang Anh - phụ huynh có con học tại một trường THCS thuộc quận Thanh Xuân chia sẻ, cách đây mấy ngày, anh đã quyết định không cho con tham gia dã ngoại ở hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) do nhà trường tổ chức. “Tôi cảm thấy chuyến đi này không thực sự an toàn về cảm quan. Tại nơi này thường có những trò chơi mạo hiểm hoặc những trò chơi diễn ra trên mặt nước, tiềm ẩn nguy cơ các con bị ngã xuống hồ. Trong khi số lượng HS đi đông, giáo viên khó lòng kiểm soát được hết”.

Vẫn có nhà trường khoán cho hướng dẫn viên du lịch

Hiện nay, hoạt động tham quan, ngoại khóa, trải nghiệm được các nhà trường tổ chức mỗi năm từ 1 – 2 lần đối với từng khối lớp. Để bớt phần việc cho giáo viên đi theo quản lý HS, đã có những trường ký hợp đồng với công ty du lịch có hướng dẫn viên đi theo hoạt náo trên xe, hướng dẫn ở điểm đến và hỗ trợ quản lý HS. “Khi nhà trường lựa chọn công ty du lịch để tổ chức chương trình ngoại khóa cho HS, phải phụ thuộc vào chương trình và hoạt động của đối tác. Các công ty lữ hành chủ yếu quan tâm đến vui chơi giải trí cho khách hàng, không có kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục” – TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục nhận định.

Em Tr.T.D – HS lớp 10 một trường THPT ở Hà Nội vừa tham gia chương trình ngoại khóa giáo dục truyền thống chia sẻ: Hôm trước, nhà trường tổ chức cho HS đi đến thăm đền thờ Chu Văn An (Hải Dương) và đi nghỉ ở khu du lịch Hạ Long. Vì hôm đó đền thờ Chu Văn An quá đông, HS phải xếp hàng mất nhiều thời gian nên chỉ vào dâng hương, đi tham quan quanh khu này được một chút, sau đó vội vã lên xe di chuyển đến một địa điểm ở khu du lịch Hạ Long tham quan. “Vì đi theo lịch trình của công ty du lịch nên chúng em không được tìm hiểu sâu về thầy Chu Văn An, trong khi đó hướng dẫn viên đi cùng lại không giới thiệu gì”- em Tr.T.D cho hay.
Học sinh trường THPT Đông Mỹ, huyện Thanh Trì trong một buổi đi ngoại khóa, trải nghiệm. Ảnh: Oanh Trần
Quay trở lại vụ việc xảy ra ở Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, là chuyên gia về bảo vệ trẻ em cũng như là phụ huynh có con đang học trường phổ thông, bà Nguyễn Phương Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững cho rằng, cần phải xem xét lại quy trình giám sát, đảm bảo an toàn cho HS. Những chuyến đi dã ngoại cần phải được tổ chức chặt chẽ, quy củ hơn, phân công và quy nhiệm vụ đối với từng giáo viên đi theo giám sát HS. “Chúng ta không chỉ yêu cầu giáo viên chịu trách nhiệm về quy trình thực hiện đưa HS đi tham quan, dã ngoại mà phải xây dựng và phát triển văn hóa trong nhà trường là vì lợi ích tốt nhất của HS. Đồng thời, nâng cao tinh thần của giáo viên về đảm bảo an toàn cho trẻ, phát hiện những rủi ro có thể xảy ra đối với các em. Nhà trường không chỉ dựa vào việc khu vui chơi có giấy phép hoạt động hay không, nếu cảm thấy trò chơi này không an toàn với HS thì không cho các em tham gia” – bà Nguyễn Phương Linh nêu quan điểm.

Yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu

Để có những chuyến đi tham quan, dã ngoại giáo dục truyền thống thực sự có ý nghĩa, hiện nay, không ít trường phổ thông đã quán triệt quan điểm đảm bảo an toàn (trên đường đi, trong quá trình hoạt động, trở về nhà) cho HS được đặt lên hàng đầu. Trước khi quyết định tổ chức một chuyến đi, các trường cử người đi tiền trạm, sau đó về xây dựng kế hoạch tổ chức có những hoạt động gì để nhiều HS được tham gia.

Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa) Hà Xuân Nhâm cho hay: Theo chương trình giáo dục tổng thể, mỗi năm nhà trường tổ chức cho HS đi trải nghiệm 2 lần. Vừa mới đây, trường tổ chức cho HS khối 12 đi trải nghiệm từ Hà Nội đến Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, trên đường đoàn trở về có thăm quê ngoại Bác Hồ. Chuyến đi này, HS được trải nghiệm kiến thức của các môn học Lịch sử, Văn học, Giáo dục công dân... khi trở về các em báo cáo sản phẩm. Như thế, các em được rèn kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, làm việc độc lập, phân tích, tổng hợp các vấn đề. “Dù tổ chức trải nghiệm ở trong hay bên ngoài nhà trường, chúng tôi đều xây dựng kế hoạch chi tiết, chuẩn bị kỹ lưỡng để hạn chế tối đa tai nạn không đáng có xảy ra” – ông Hà Xuân Nhâm cho hay.

Lãnh đạo các trường THPT khác cũng quán triệt không cho HS tham gia những trò chơi mạo hiểm hoặc có nguy cơ không an toàn. Giáo viên là người đi làm nhiệm vụ quản lý chứ không phải đi tham quan nên phải bám sát HS trong từng hoạt động, lúc ăn và ngủ cùng HS. “Mới đây, chúng tôi chọn điểm du lịch Bản Lác, Mai Châu (Hòa Bình) cho HS đi dã ngoại bởi nơi đây không có hồ, không trò chơi mạo hiểm. Ở đây, HS đi thăm nhà sàn, người dân tộc Thái dệt thổ cẩm. Một chương trình văn nghệ buổi tối do chính các em xây dựng và tham gia đã tạo ra sự gắn kết...” – Hiệu trưởng trường THPT Đông Mỹ (huyện Thanh Trì) Hoàng Văn Phú cho hay.

Nhiều năm tổ chức cho HS đi ngoại khóa học tập truyền thống, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) chia sẻ kinh nghiệm: Thứ nhất, hoạt động phải có chủ đề mang ý nghĩa giáo dục. Thứ hai, có nội dung hoạt động thu hút sự tham gia của tối đa HS. Không thuê công ty du lịch hướng dẫn (chỉ thuê xe ô tô), nhà trường tự xây dựng kế hoạch chi tiết. Và yếu tố quan trọng nhất chính là đảm bảo an toàn cho HS.

Để hạn chế rủi ro trong các chuyến đi ngoại khóa, các trường nên lựa chọn các địa điểm tham quan không quá xa, địa hình bằng phẳng, đi lại thuận tiện, không nên đưa học sinh đến các khu vực tiềm ẩn nguy hiểm. Trước khi đưa học sinh đi ngoại khóa, các trường cần lên phương án bảo đảm an toàn giao thông, tổ chức sơ cứu, cấp cứu, mua bảo hiểm đầy đủ cho học sinh. Các thầy cô cần điểm danh thường xuyên tránh tình trạng học sinh bị bỏ lại, bị lạc hay gặp sự cố. Các trường nên lựa chọn những công ty tổ chức uy tín, có đầy đủ trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, có hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động tập thể và có kỹ năng cứu hộ, quản lý học sinh. 

Giám đốc Sun Smile travel Dương Thanh Hằng

Lê Nam ghi

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần