Tuy nhiên, không chỉ động lực niêm yết cổ phiếu đang bị những vụ "lình sình" như thâu tóm doanh nghiệp (DN) giá rẻ, cổ đông lớn không đồng thuận với ban lãnh đạo… DN có ý định niêm yết còn băn khoăn về thông điệp tái cấu trúc 2 sở giao dịch đã đưa ra nhưng đến nay vẫn chưa rõ hình hài. Khoảng cách còn khá xa Ngày 20/7, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 58 về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Nội dung được giới DN quan tâm nhất trong Nghị định này là chuẩn niêm yết đã được nâng lên, đồng nghĩa với việc loại bớt hàng hóa kém chất lượng như lâu nay dư luận vẫn phản ánh. Cụ thể, tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), những điều kiện mới được đưa ra so với quy định cũ là công ty cổ phần phải có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 120 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán; Có ít nhất 2 năm hoạt động dưới hình thức công ty CP tính đến thời điểm đăng ký niêm yết ngoại trừ DNNN cổ phần hóa gắn với niêm yết; tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm gần nhất tối thiểu là 5% và hoạt động kinh doanh của 2 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm... Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng đưa ra quy định chặt chẽ hơn như: DN là công ty CP có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 30 tỷ đồng trở lên; có ít nhất 1 năm hoạt động dưới hình thức công ty CP; ROE năm liền trước năm đăng ký niêm yết tối thiểu là 5%; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm, không có lỗ lũy kế tính đến thời điểm đăng ký niêm yết; tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 100 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ… Nếu áp những quy định này với thực tế trên trên 2 sàn giao dịch hiện nay, số lượng DN niêm yết chưa đáp ứng được yêu cầu trên khá nhiều. Đơn cử tại HNX có 88 DN trên tổng số 397 DN. Tại HOSE còn 87 trên 303 DN chưa đáp ứng được. Vẫn tiếp tục…nghe ngóng Lâu nay, dư luận vẫn nói nhiều về tình trạng thượng vàng hạ cám trên 2 sàn giao dịch. Tại HNX có những DN vốn điều lệ 10 tỷ đồng, quy mô quá nhỏ, hoạt động èo uột, ngay đến cổ đông cũng không nắm được DN có nguồn thu từ đâu, hoạt động có gì mới. Thông tin công bố thì "được chăng hay chớ", nhà đầu tư (NĐT) khó theo dõi. Có những DN như Hacinco, mỗi phiên giao dịch lèo tèo vài lô, có nhiều phiên không có giao dịch nhưng vẫn không thể hủy niêm yết được CP này do họ vẫn chưa phạm quy định "12 tháng không có giao dịch". Cũng chính vì chất lượng hàng hóa lộn xộn như vậy nên tình trạng thao túng giá, làm giá vẫn diễn ra khá phổ biến trên thị trường. Hậu quả của những đợt thị trường điều chỉnh là NĐT nhỏ lẻ chán nản vì thua lỗ nặng, rời bỏ thị trường. Theo nghị định mới, các DN đã niêm yết trước thời điểm 15/9/2012 không đáp ứng được điều kiện theo quy định của Nghị định này được tiếp tục niêm yết và không phải chuyển sàn theo điều kiện niêm yết mới. Điều này có nghĩa, những lộn xộn trên 2 chợ chưa được sắp xếp chấn chỉnh lại. Nó cũng không khác gì một hội chợ toàn hàng Việt Nam chất lượng cao lại mọc thêm hàng chục gian hàng gia công khiến cho người mua không còn tin hàng hóa trong đó có cùng phẩm cấp hay không. Bên cạnh đó, thị trường còn nhận được thông điệp hai Sở giao dịch sẽ sáp nhập thành một, khi ấy các quy định về niêm yết sẽ có sự xáo trộn, nhiều DN e ngại một sự sắp xếp mới sẽ diễn ra. Do vậy, tâm lý cầm chừng, chờ thông tin đang diễn ra phổ biến trong cộng đồng DN. Với những diễn biến trên, ngay cả thời điểm Nghị định mới có hiệu lực, Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sẽ khó có diện mạo mới và bứt phá về sức hấp dẫn với NĐT.