Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổ chức lễ hội còn nặng tính hành chính

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 17/5, Bộ VHTT&DL đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý, tổ chức Lễ hội Xuân Quý Tỵ. Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên: Bên cạnh những mặt tích cực, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở một số địa phương còn mang nặng tính hành chính, dịch vụ hàng quán lộn xộn, bán hàng chộp giật, hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng chật chội so với lượng khác

Tổ chức lễ hội còn nặng tính hành chính - Ảnh 1 
 
Dù đã có nhiều cố gắng nhưng lễ hội đền Trần (Nam Định) 2013 vẫn diễn ra tình trạng chen lấn, xô đẩy.

Báo cáo của Bộ VHTT&DL đánh giá về công tác tổ chức, quản lý lễ hội năm 2013 khẳng định, mùa lễ hội năm nay đã được tổ chức nền nếp, ổn định, tạo không khí lành mạnh, phấn khởi cuốn hút du khách. Các loại hình dịch vụ phục vụ cho khách hành hương đã được cải tiến và nâng cao chất lượng, xây dựng tốt nếp sống văn hoá trong ứng xử giữa người dân sở tại với du khách hành hương về dự lễ hội. 

Một số lễ hội lớn thu hút đông du khách như Lễ hội Chùa Hương, Yên Tử, Đền Hùng, Đền Trần (Nam Định), Núi Bà Đen… Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL cho biết, nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, các ban quản lý ở các địa phương trong việc quản lý di tích, lễ hội đã cao hơn rất nhiều, ý thức của người dân khi tham gia lễ hội cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. "Bây giờ quy định là cấm đốt đồ mã nơi công cộng, nhưng tại hội nghị này chúng tôi khẳng định như Thanh tra Bộ kiểm tra không bắt gặp đốt đồ mã nơi công cộng. Nhưng đưa đồ mã vào di tích vào lễ hội và đưa vào cúng lễ trong khu di tích là có. Trong luật chỉ quy định là cấm đốt đồ mã trong khu di tích", ông Phúc khẳng định.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực trong mùa Lễ hội xuân 2013, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh, ý nghĩa tốt đẹp của các lễ hội. Vẫn còn hiện tượng dâng đồ lễ bằng thức ăn chín, đặt hòm công đức không phù hợp hoặc đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, cố tình đưa đồ mã vào đốt trong khu vực di tích, cùng với đó là nhiều hiện tượng tiêu cực khác. Điển hình là tại Lễ hội đền Trần (Nam Định) vào đêm 14 tháng Giêng với cảnh tượng chen lấn, xô đẩy kinh hoàng, đạp đổ hàng rào bảo vệ để giành giật, tranh cướp đồ lễ trên ban thờ, ném tiền lẻ lên kiệu rước… Lễ hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Đồng Bằng, Tiên La (Thái Bình), đền Mẫu (Hưng Yên), chùa Bồ Đà, Thổ Hà (Bắc Giang), chùa Non núi Thần Linh (Quảng Bình)… vẫn còn tình trạng chèo kéo khách, còn các trò chơi mang tính cờ bạc trá hình, khấn thuê, bày bán sách tử vi, xem bói, rút thẻ, nâng giá dịch vụ…

Về những vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, PGS.TS Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật Việt Nam cho rằng: "Đối với các lễ hội đang có hiện tượng mở rộng phạm vi như vậy, cần phải đưa tư duy công nghệ về tổ chức sự kiện vào tổ chức lễ hội truyền thống. Việc này thực ra chúng ta đang làm nhưng vẫn mang tính tự phát".

"Thông qua lễ hội chúng ta đã quảng bá nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam, thu hút du lịch. Lễ hội đã bổ sung nguồn lực vật chất và tinh thần cho xã hội. Tuy nhiên, việc quản lý lễ hội vẫn còn nhiều lúng túng, chưa quản lý được chặt chẽ. Ý thức của người dân trong lễ hội còn hạn chế, ảnh hưởng tới không gian và môi trường của lễ hội. Nhìn nhận một cách thẳng thắn những mặt được, chưa được để định hướng cho công tác quản lý và tổ chức lễ hội ngày càng tốt hơn", đó là mong muốn của Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên.