Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổ hợp tên lửa hiện đại S-500 sắp được biên chế cho Quân đội Nga

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/4, hãng thông tấn TASS dẫn lời lãnh đạo Lực lượng Phòng không-vũ trụ Nga, Victor Gumenny đăng tải, tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-500 Prometheus sẽ sớm được chuyển giao và tích hợp vào hệ thống phòng không liên bang.

Ông V. Gumenny cho biết, quá trình phát triển tổ hợp S-500 đã hoàn tất.

Liên quan tới S-500, trong tháng 3/2016, Tổ hợp Almaz-Antey, nơi phát triển S-500, đã mở nhà máy mới chuyên sản xuất vũ khí phòng không. Đây là một phần trong kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng của Almaz-Antey chuẩn bị cho quá trình sản xuất hàng loạt S-500.  

 
Hình ảnh mô phỏng xe phóng trong cơ cấu tổ hợp tên lửa phòng không S-500.
Hình ảnh mô phỏng xe phóng trong cơ cấu tổ hợp tên lửa phòng không S-500.
Nga bắt đầu phác thảo ý tưởng thiết kế S-500 từ giai đoạn 2002-2003 với sự tham gia của các tổ hợp thiết kế Camogerdet và Vlastelin. Tới năm 2010, Tổ hợp thiết kế Almaz-Antey chính thức nhận nhiệm vụ phát triển S-500. Yêu cầu kỹ-chiến thuật chính đối với S-500 là khả năng ngăn chặn các dòng tên lửa tầm trung, tầm xa và liên lục địa của đối phương ở pha phóng giữa và cuối của quỹ đạo bay. Ngoài ra, S-500 cũng phải có khả năng ngăn chặn các dòng tên lửa hành trình, phương tiện bay siêu thanh có tốc độ đạt tới Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh).

Để giải quyết nhiệm vụ trên, S-500 được trang bị hệ thống ra-đa mảng định pha chủ động băng tần X có khả năng phát hiện các mục tiêu có áp dụng công nghệ tàng hình. Tầm kiểm soát của hệ thống ra-đa đạt 850km, khóa và dẫn bắn tên lửa tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 600km. S-500 trong tương lai sẽ là một phần trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga.

Sau khi được tiếp nhận, S-500 sẽ được tích hợp với hệ thống phòng thủ tên lửa đang bảo vệ thủ đô Moscow A-135 Amur.

Trước khi S-500 ra mắt, hồi tháng 6/2014, Nga đã phóng thử thành công đạn tên lửa phòng không tầm siêu xa có khả năng trang bị trên S-500.