Nhóm người biểu tình phản đối lệnh cấm có mặt tại sân bay quốc tế John F. Kennedy. |
Lệnh trục xuất này thực hiện theo sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump ban hành ngày 27/1, cấm người dân 7 nước Hồi giáo Syria, Iran, Iraq, Sudan, Yemen, Somalia, Libya nhập cảnh vào Mỹ trong 4 tháng.
Giới truyền thông dẫn lời người phát ngôn Bộ Nội vụ Mỹ cho biết, lệnh cấm này ảnh hưởng cả đến những người gốc 7 nước này đã có thẻ xanh, có tư cách thường trú nhân ở Mỹ.
Theo một số quan chức Mỹ, bộ phận người dân 7 nước Hồi giáo đã có thẻ xanh ở Mỹ nếu muốn ra khỏi Mỹ cần phải làm việc với lãnh sự quán Mỹ để chắc chắn mình có thể quay lại Mỹ được không. Đến ngày 28/1 đã có hàng chục người bị tạm giữ tại các sân bay vì biểu tình phản đối sắc lệnh cấm người 7 nước Hồi giáo vào Mỹ.
Trong diễn biến liên quan, người biểu tình tập trung tại các sân bay khắp nước Mỹ ngày 28/1 (giờ địa phương) để phản đối chính sách nhập cư của Tổng thống Donald Trump. Các cuộc biểu tình dự kiến sẽ kéo dài sang tới ngày 29/1. Đây là cuối tuần thứ 2 các cuộc biểu tình diễn ra tại Mỹ phản đối các chính sách của Tổng thống Trump. Cuối tuần trước, hơn 1 triệu người đã tham gia một cuộc tuần hành của phụ nữ. Một nhóm đông các người biểu tình đã tập trung tại sân bay quốc tế John Kennedy để phản đối việc tạm giữ 2 người Iraq, những người đã được thả ra sau đó.
Nhiều quan chức TP New York đã thể hiện sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình. Trong khi đó, một nhóm các nhà hoạt động cộng đồng và luật sư đã tập trung tại sân bay quốc tế O’Hare tại TP Chicago. Ngoài ra, hàng nghìn viện sỹ tại Mỹ đang kêu gọi Tổng thống Trump cân nhắc lại sắc lệnh hành pháp cấm người dân từ 7 nước Hồi giáo tới Mỹ trong vòng 90 ngày và tạm thời dừng việc tiếp nhận người nhập cư vào Mỹ.
Tới cuối ngày 28/1, hơn 4.000 viện sỹ, bao gồm nhiều người đã từng đạt giải Nobel, đã ký một bức thư mở được lưu hành trong giới viện sỹ và gửi tới ông Trump. Bức thư cho rằng sắc lệnh hành pháp mang tính chất phân biệt và có hại đối với lợi ích quốc gia của Mỹ.