KTĐT - Theo BBC, họ bị buộc tội ngộ sát 109 người trên máy bay và 4 người ở dưới mặt đất. Tất cả các nghi can đều bác bỏ cáo trạng.
Toà án Pháp bắt đầu xét xử những người liên quan đến vụ phi cơ chở khách siêu thanh Concorde rơi làm chết 113 người hồi tháng 7/2000.
Chiếc phi cơ này cất cánh khi đang bốc lửa từ sân bay Charles de Gaulle ở Paris và rơi xuống ngay sau đó, làm 113 người thiệt mạng. Một báo cáo chính thức cho hay máy bay đã đâm phải một mảnh kim loại rơi từ một chiếc phi cơ của hãng Continental Airlines, Mỹ, cất cánh trước đó.
Quan tòa Dominique Andreassier bắt đầu phiên xét xử bằng việc đọc tên những người đã thiệt mạng trong thảm kịch này. Sau đó, ông đọc các cáo trạng chống lại hãng hàng không Mỹ Continental Airlines, hai nhân viên kỹ thuật của họ, hai cựu kỹ sư của hãng Concorde và một cựu nhân viên hàng không dân dụng Pháp.
Theo BBC, họ bị buộc tội ngộ sát 109 người trên máy bay và 4 người ở dưới mặt đất. Tất cả các nghi can đều bác bỏ cáo trạng. Phiên tòa diễn ra ở thành phố Pontoise, phía tây Paris, dự kiến kéo dài 4 tháng và tiêu tốn hơn 4,2 triệu USD.
Trong các phiên xử, tòa án sẽ nghe lời khai từ một loạt nhân chứng, chuyên gia và sẽ xem xét 90 tập tài liệu về vụ án cùng 534 bằng chứng. Tòa án cũng sẽ xem xét những giải thích trái ngược nhau về việc tại sao chiếc phi cơ Concorde định bay tới New York gặp nạn ngay sau khi cất cánh ngày 25/7/2000.
Các nhà điều tra và chuyên gia kỹ thuật cho biết máy bay gặp nạn vì khi ở trên đường băng nó đâm phải một mảnh titanium rơi từ chiếc phi cơ Continental Airlines, khiến lốp bốc cháy. Ngoài ra, một quan chức hàng không Pháp và kỹ sư của Concorde cũng bị buộc tội vì không sửa chữa trục trặc trên chiếc phi cơ siêu thanh.
Hãng Continental Airlines bác bỏ trách nhiệm. John Taylor - kỹ sư của Continental Airlines - người đã lắp mảnh kim loại cho chiếc DC-10 và Stanley Ford, quan chức bảo dưỡng phi cơ, cũng bác bỏ cáo buộc này. Luật sư của hãng Continental cho biết họ có thể chứng minh chiếc Concorde bốc cháy trước khi nó đâm phải mảnh titanium dài 43 cm.
Các cáo buộc ngộ sát có thể dẫn tới mức án là 5 năm trong tù và một mức phạt là 104.000 USD.
Chiếc Conconrde rơi xuống thị trấn Gonesse và lao vào một khách sạn. Phần lớn hành khách là người Đức trên đường tới New York để tham gia một chuyến hành trình trên du thuyền tới Caribbe. 9 thành viên phi hành đoàn của Pháp và 4 công nhân khách sạn cũng thiệt mạng.
Toàn bộ đội máy bay Concorde ngừng hoạt động trong một năm rưỡi. Tháng 11/2001, những chiếc phi cơ này lại được bay lần nữa với bình xăng được làm kiên cố hơn, trong khi cuộc điều tra tai nạn vẫn tiếp tục.
Chỉ một số người thân của nạn nhân có mặt tại phiên xử hôm qua. Phần lớn trong số họ đã nhận tiền bồi thường từ Air France để không kiện hãng.
Thảm họa này là tai nạn máy bay duy nhất mà phi cơ siêu thanh Concorde gặp phải, nhưng cũng đặt dấu chấm hết cho giấc mơ bay siêu thanh. Hai hãng hàng không Air France và British Airways đã cho phi đội Concorde nghỉ hưu năm 2003. Tuy đã ngừng hoạt động, Concorde vẫn là một biểu tượng trong lịch sử hàng không và từng được coi là chiếc "giấc mơ bay".
Theo Wikipedia, Concorde là máy bay chở khách siêu âm thương mại thành công nhất từng hoạt động, (Nga cũng có máy bay siêu thanh là Tupolev Tu-144). Bay thử lần đầu năm 1969, Concorde bắt đầu được đưa vào phục vụ năm 1976 và có thời gian hoạt động dài 27 năm. Nó thường bay tuyến từ phi trường Heathrow ở London và sân bay Charles de Gaulle, Pháp, tới New York. Chiếc máy bay này đã lập được nhiều kỷ lục, trong đó có thời gian bay ngắn nhất là 2 giờ, 52 phút và 59 giây giữa New York và London, ngày 7/2/1996.