Tọa đàm “Hiệp định thương mại Việt - Mỹ 25 năm nhìn lại”: Từ tiềm năng thành đối tác toàn diện

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan hệ Việt – Mỹ là quan hệ đặc thù và sẽ tiếp tục phát triển sâu rộng trong tương lai. Đó là nhận định của Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Lương – Nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt – Mỹ (BTA) tại Tọa đàm “Hiệp định thương mại Việt - Mỹ 25 năm nhìn lại" do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với trường Đại học Thủy lợi tổ chức ngày 8/7.

BTA - cuộc “marathon trên dây"
Nhớ lại cả quá trình đàm phán dài tới 5 năm với 11 phiên, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Lương đã ví BTA chẳng khác nào một cuộc "marathon trên dây" với những thử thách căng thẳng, khó đoán.
Khi hai bên bắt đầu đàm phán, nền kinh tế nhỏ bé của Việt Nam vẫn chưa hết khó khăn sau thời gian dài chiến tranh, còn Mỹ đã là người khổng lồ. Năm 1995, GDP của Việt Nam khoảng 33 tỷ USD và hệ thống luật kinh tế của Việt Nam gần như sơ khai, trong khi Mỹ đã rất chặt chẽ với những luật về chống độc quyền, chống bán phá giá, chống trợ cấp... Internet chưa phát triển cũng khiến phía Việt Nam bị hạn chế trong tiếp cận thông tin, kiến thức về thị trường Mỹ.
 
Quá trình đàm phán BTA với Việt Nam, lần đầu tiên Mỹ đề xuất dựa trên tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một sân chơi lớn còn quá lạ lẫm với Việt Nam ở thời điểm đó. “Chưa bao giờ Việt Nam đàm phán và ký kết một hiệp định để rồi sau đó phải điều chỉnh, sửa đổi nhiều văn bản luật trong hệ thống pháp luật đến vậy, hầu như toàn bộ hệ thống kinh tế Việt Nam đều bị đụng chạm, từ thương mại, đầu tư, dịch vụ, sở hữu trí tuệ...” – Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Lương cho biết.

Nguyên Trưởng đoàn BTA cho biết, quá trình đàm phán cũng có những giây phút rơi vào bế tắc và đối mặt với nguy cơ "đứt gãy giữa đường" nhưng cuối cùng bằng nỗ lực của cả hai bên ngày 13/7/2000 - Hiệp định BTA chính thức được ký kết.
Cánh cửa rộng cho hàng Việt
Sau khi BTA có hiệu lực, Mỹ đã giảm mức thuế quan trung bình đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam từ 40% xuống 4%, mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Theo chuyên gia Nguyễn Đình Lương, nhờ BTA, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng nhanh mạnh. Ông Lương dẫn chứng: “Tính từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 đến năm 2000 kim ngạch thương mại Việt - Mỹ tăng từ 450 triệu USD lên 1 tỷ USD; nhưng từ khi có BTA đến nay đã gia tăng bình quân 20%/năm. Đến năm 2019 đạt 75,7 tỷ USD, gấp 75 lần năm 2000”.
 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Lương
Đáng chú ý, nếu như kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ năm 2000 là 0,7 tỷ USD thì đến năm 2019 đã đạt 61,3 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ vào Việt Nam năm 2000 là 0,363 tỷ USD, tăng lên 14,37 tỷ USD năm 2019. Năm 2019, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam chiếm 28,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Một số mặt hàng chủ lực tăng cao như: Dệt may tăng 11,7%; giày dép tăng 23,9%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 87,4%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 35,1% so với năm 2018.
Mối quan hệ đặc thù, phát triển sâu rộng trong tương lai
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Lương khẳng định, mối quan hệ Việt – Mỹ là mối quan hệ đặc thù. Sở dĩ nói như vậy vì từ là kẻ thù không đội trời chung trở thành đối tác. Hai đối tác có mối hệ bổ trợ, bổ sung cho nhau, trong đó, kinh tế là trung tâm. “BTA là tiền đề quan trọng cho kinh tế phát triển và các mối quan hệ quốc tế khác phát triển. Nhờ quan hệ kinh tế phát triển nhanh mà mối quan hệ Việt – Mỹ ngày càng sâu rộng. Có thể nói BTA đã thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ sang một đường ray khác lấy kinh tế là trung tâm” - ông Lương nhìn nhận.
Việt Nam và Mỹ đã đạt được những bước tiến quan trọng để bình thường hóa quan hệ ngoại giao và ngày càng vun đắp mối bang giao hai nước “đơm hoa kết trái” trong 25 năm qua. Minh chứng rõ nhất cho sự phát triển của mối quan hệ đặc thù này là trong giai đoạn khó khăn, hai nước vẫn hợp tác hiệu quả và tiếp tục đi những bước dài.
Ông Lương lấy ví dụ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, ngày 27/3/2020, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố gói 274 triệu USD hỗ trợ nhân đạo và y tế khẩn cấp cho các nước chống dịch Covid-19. Việt Nam có trong danh sách 64 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận hỗ trợ.
Dự báo về mối quan hệ Việt – Mỹ trong tương lai, Nguyên Trưởng đoàn BTA nhận định, mối quan hệ này sẽ tiếp tục phát triển sâu rộng. Vì Mỹ nhìn thấy vị trí chiến lược, quan trọng của Việt Nam tại Đông Nam Á. Hiện, Việt Nam là quốc gia có uy tín cao nhất trong khối ASEAN.

“Đàm phán giống như đi cày. Muốn có đường cày thẳng thì mắt phải nhìn thẳng, nhìn đằng trước, nhìn xa. Tay cày phải lỏng, khi đến chỗ đất cứng mới chặt. Do đó, khi đàm phán cũng phải nhìn thẳng, nhìn xa, nhìn vào thời đại" - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Lương


"Sau khi Hiệp định BTA có hiệu lực, Việt Nam phải xây dựng, ban hành 172 bộ Luật liên quan tới Hiệp định. Như vậy, Hiệp định BTA đã và đang thúc đẩy các cơ quan quản lý Nhà nước hoạch định, xây dựng chính sách pháp luật, kinh tế phù hợp với thông lệ quốc tế; DN có thêm cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế. Qua đó, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, góp phần tăng trưởng kinh tế." - Tổng Biên tập báo Kinh tế&Đô thị Nguyễn Minh Đức.