Tọa đàm "Nhà báo và mạng xã hội": Đề cao đạo đức, trách nhiệm của người làm báo

Đạt Lê - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 13/7, tại Quảng Ninh, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Tọa đàm "Nhà báo và mạng xã hội". Buổi Tọa đàm có sự tham gia của hàng trăm nhà báo thuộc các cơ quan báo chí T.Ư và địa phương.

Ông Hồ Quang Lợi phát biểu tại tọa đàm.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, mục đích của buổi Tọa đàm nhằm lấy ý kiến góp ý của các nhà báo, cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, cấp hội cơ sở về hướng dẫn thực hiện Điều 5 trong 10 Điều quy định đạo đức người làm báo Việt Nam: "Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, các phương tiện truyền thông khác".
Theo ông Hồ Quang Lợi, hiện nay, mạng xã hội (MXH) đã thực sự trở thành một yếu tố rất quan trọng trong việc thu hút sự tương tác, số người sử dụng, cũng như trở thành một nguồn tin quan trọng cho báo chí. Nhiều cơ quan báo chí (đặc biệt báo điện tử) đã sử dụng MXH và trang fanpage để tăng cường tương tác giữa tòa soạn và bạn đọc, là kênh quảng bá hữu hiệu cho báo chí. Đồng thời, các phóng viên, nhà báo sử dụng MXH để chia sẻ thông tin lẫn nhau và nguồn cung cấp tin, bài cho độc giả cũng là nguồn cung cấp chủ đề mới thu hút bạn đọc.
Tuy nhiên, MXH cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí, đặc biệt những tờ báo gánh vác nhiệm vụ chính trị và định hướng người đọc. Trên thực tế thời gian qua, trên MXH đã tồn tại vô vàn những thông tin không được kiểm soát, được nhiều người chia sẻ, hưởng ứng trong đó có các nhà báo. Những thông tin như vậy đã gây hệ lụy không nhỏ với sự ổn định trong xã hội.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi (giữa) trao đổi với các nhà báo tại buổi tọa đàm.
Mặt khác, sau một năm thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, bên cạnh những kết quả tích cực, đáng ghi nhận thì cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Có những vấn đề mới phát sinh cần phải cập nhật, bổ sung để giúp cho hội viên, nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên - nhà báo khi tham gia MXH, đồng thời giúp Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp tham chiếu, làm cơ sở xử lý những sai phạm trong thực tiễn.
Vì vậy, việc Thường trực Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể hóa Điều 5 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam "Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia MXH và các phương tiện truyền thông khác" là đúng đắn, cần thiết và phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí hiện nay.
Trao đổi tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đều cho rằng, việc ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể hóa Điều 5 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam là đúng đắn, cấp thiết và vấn đề "nóng" trong hoạt báo chí hiện nay. Ông Lê Quang Tự Do - Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) đánh giá, hiện cơ quan chức năng chưa tận dụng, sử dụng MXH để đưa thông tin, tuyên truyền về những vấn đề tích cực xã hội. Trong khi đó, MXH là mảnh đất tự do màu mỡ của một số đối tượng xấu lợi dụng để xuyên tạc. Ông Lê Quang Tự Do cho rằng, việc các nhà báo sử dụng MXH để phản bác những thông tin xuyên tạc, phản động cần thiết nhưng phải linh hoạt, khéo léo...

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Liên Chi hội nhà báo Đài tiếng nói Việt Nam phát biểu tại buổi Tọa đàm. 
Trong khi đó, ông Trần Thanh Lâm - Vụ phó Vụ Báo chí xuất bản Ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, các nhà báo khi tham gia MXH phải định hướng được thông tin. Bởi, mỗi bài viết của nhà báo sẽ có tác động định hướng thông tin đối với rất nhiều người và nếu không định hướng đúng sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy, nhiễu thông tin. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của chính bản thân người làm báo và cơ quan báo chí. Từ đó, ông Lâm cho rằng, việc ban hành hướng dẫn cụ thể hóa Điều 5 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam là đúng đắn. Tuy nhiên, cần phải nghiên kỹ để khi ban hành và áp dụng vào thực tế sẽ phát huy được tác dụng.

Còn nhấn mạnh về vai trò và tác dụng của MXH mà các nhà báo, cơ quan báo chí cần phát huy, nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Liên Chi hội nhà báo Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết, đơn vị này đã ban hành quy định việc tác nghiệp khi tham gia MXH. Theo đại biểu, báo chí thời đại công nghệ có nhiều điều kiện để phát triển nhưng cũng chịu nhiều thách thức không nhỏ từ MXH và sự phát triển của công nghệ. Thông tin nhiều chiều trên mạng nhưng không dễ sàng lọc và kiểm chứng. Điều kiện làm việc tốt hơn nhưng cũng dễ tạo cảm giác chủ quan và có thể gây ra những bệnh nghề nghiệp khó lường.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò mạng xã hội đối với hiệu quả của công việc làm báo trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay... Từ đó, đại diện VOV cho rằng, hội nhà báo cần tổ chức nhiều tọa đàm hơn nữa để hướng dẫn cụ thể cho nhà báo việc tác nghiệp tốt hơn trên MXH trong thời gian tới.
Nhà báo Tạ Bích Loan phát biểu tại tọa đàm.
Đồng quan điểm, nhà báo Tạ Bích Loan - Trưởng ban Sản xuất các chương trình Giải trí (Đài truyền hình Việt Nam) cho biết: Các nhà báo cần thu thập thông tin trên MXH bởi đây là nơi tương tác và quảng bá các bài báo của mình tới công chúng. MXH cũng là nơi mở rộng dự luận và góp ý vào thực hiện chính sách, pháp luật Nhà nước... Nhà báo tham gia MXH phải ý thức rõ, dùng MXH để tạo hiệu ứng, lan truyền những vấn đề tích cực. Ví dụ như: Sự việc người nông dân được giải cứu củ cải. Các cá nhân, người tham gia, hội nhóm mạng xã hội đã cùng tham gia để giúp bà con nông dân giải quyết vấn đề này.
Hay trong sự cố thiên tai, lũ lụt ở Lai Châu vừa qua, cũng thông qua mạng xã hội mà nhiều người, nhóm thiện nguyện, tổ chức đứng ra cứu trợ đồng bào gặp khó khăn. "Vai trò của nhà báo tham gia MXH trước hết cũng như người dân bình thường, sau đó là với tư cách nhà báo thì dù có dùng nick name hay tên thật của chính mình thì với tư cách là nhà báo lại càng phải có tính chuyên nghiệp và trách nhiệm".

Cũng theo nhà báo Tạ Bích Loan, ngay tại VTV cũng đã ban hành các quy tắc trong khi thực hiện nhiệm vụ đối với các nhà báo khi tác nghiệp. Từ đó, nhận thấy việc ban hành bản quy tắc là xu hướng tất yếu để giúp hoạt động báo chí ngày càng được tốt hơn và góp phần định hướng dư luận xã hội, tăng cường được hơn trách nhiệm của mỗi nhà báo khi tham gia MXH cũng như các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần