Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng”

Kinh Tế Đô Thị
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều nay 17/6, Ban Biên tập báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm và tư vấn pháp luật trực tuyến với độc giả báo điện tử Kinh tế & Đô thị tại địa chỉ http://kinhtedothi.vn với chủ đề: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng”.

 Toàn cảnh buổi giao lưu, tọa đàm trực tuyến.

Tham dự buổi giao lưu – tọa đàm trực tuyến có:

Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội

Luật sư Nguyễn Quốc Việt

Luật gia Phạm Thu Hương

KHÁCH MỜI THAM DỰ
  • Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 2

    Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội

    Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến

  • Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 3

    Đoàn luật sư TP Hà Nội

    Luật sư Nguyễn Quốc Việt

  • Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 4

    Hội Luật gia TP Hà Nội

    Luật gia Phạm Thu Hương

Nội dung giao lưu trực tuyến
Bạn đọc Trần Phúc Hoàng (hoangphucnamdinh@gmail.com) hỏi:
Thời gian vừa qua tôi thấy báo đài nêu gương hai bác ở Bắc Giang đã nhiều năm tích cực trong phòng, chống tham nhũng. Nhiều nội dung tố cáo của các bác đã được ghi nhận và người bị tố cáo và các trường hợp vi phạm đã bị xử lý. Những việc làm của các bác được khen thưởng như thế nào? Liệu việc khen thưởng đó có xứng đáng với công sức mà các bác đã bỏ ra không hay “được vạ thì má đã sưng”? Trong quá trình đi tố cáo đó thì vợ con các bác nhiều lần bị đe dọa. Luật Tố cáo có quy định về việc bảo vệ cho những người tố cáo và gia đình họ không?
Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 5
trả lời:

Theo Điều 62 của Luật Tố cáo có quy định về khen thưởng đối với người tố cáo như sau: Người tố cáo trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Luật Tố cáo thì Người được bảo vệ, phạm vi bảo vệ được quy định tại Điều 47 như sau:

1. Bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ).

2. Người tố cáo được bảo vệ bí mật thông tin cá nhân, trừ trường hợp người tố cáo tự tiết lộ.

3. Khi có căn cứ về việc vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người quy định tại khoản 1 Điều này đang bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại ngay tức khắc hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử do việc tố cáo, người giải quyết tố cáo, cơ quan khác có thẩm quyền tự quyết định hoặc theo đề nghị của người tố cáo quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.

Bạn đọc Hồng Vân (thienngadenth@gmail.com) hỏi:
Thời gian qua, dư luận rất "nóng" câu chuyện đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị tố cáo nhận tiền của các đối tượng thanh tra. Giả sử trong trường hợp đối tượng bị thanh tra tố cáo hành vi của đoàn thanh tra thì họ có được tình tiết giảm nhẹ hay không?
Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 6
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:
Trong trường hợp này, bản thân người tố cáo họ đứng ở 2 vai trò. Theo Luật Tố cáo họ là người tố cáo. Khi là người tố cáo mà bị đe dọa thì chắc chắn họ sẽ được bảo vệ. Trong trường hợp họ là người đưa hối lộ, nhưng họ tố cáo hành vi đó trước khi bị phát hiện thì sẽ được bảo vệ theo Luật tố cáo 2018 trong quá trình xử lý vụ việc.
Bạn đọc Nguyễn Thanh Hoàng (anhhoang1211985@gmail.com) hỏi:
Xin luật sư cho biết việc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo được quy định như thế nào trong Luật Tố cáo. Người dân muốn gửi đơn đi đâu cũng được giải quyết có đúng không?
Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 7
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:

Theo Điều 12 Luật Tố cáo quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo như sau:

1. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức đó giải quyết.

Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.

2. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.

3. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức được xử lý như sau:

a) Trường hợp người bị tố cáo là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà vẫn giữ chức vụ tương đương thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;

b) Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và giữ chức vụ cao hơn thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết.

Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác và là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật phối hợp giải quyết;

c) Trường hợp người bị tố cáo đã chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức đang quản lý người bị tố cáo phối hợp giải quyết;

d) Trường hợp người bị tố cáo không còn là cán bộ, công chức, viên chức thì do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo tại thời điểm có hành vi vi phạm pháp luật chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.

4. Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách do người đứng đầu cơ quan, tổ chức sau hợp nhất, sáp nhập, chia, tách mà người bị tố cáo đang công tác chủ trì giải quyết; người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp giải quyết.

5. Tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể do người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý cơ quan, tổ chức trước khi bị giải thể giải quyết.

6. Tố cáo cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết.
Ngoài ra Luật Tố cáo 2018 còn phân định rất rõ thẩm quyền giải quyết cụ thể của các cơ quan hành chính nhà nước; TAND; VKSND; Quốc hội; HĐND; các đơn vị sự nghiệp; các doanh nghiệp nhà nước; các tổ chức đoàn thể...

Cụ thể: Với các cơ quan hành chính. Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo liên quan đến cán bộ, công chức do mình trực tiếp phụ trách. Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo liên quan đến hành vi vi phạm đối với chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ, công chức do Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp quản lý. Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết đơn tố cáo liên quan đến hành vi vi phạm đối với chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc, ban giám đốc các sở chuyên ngành...
Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang Bộ có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp; Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.

Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Bộ trưởng, Thứ trưởng, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp; Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cơ quan, tổ chức do mình quản lý trực tiếp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của đại biểu Quốc hội khác khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thường trực Hội đồng nhân dân có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của đại biểu Hội đồng nhân dân khác khi thực hiện nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân, trừ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp mình.

Cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn việc bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân.

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Văn (Bách Khoa, Hà Nội) hỏi:
Việc xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo được thực hiện như thế nào để đảm bảo những nội dung tố cáo không chìm đi, hay nội bộ xử lý với nhau với những hành vi vi phạm pháp luật?
Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 8
Luật sư Nguyễn Quốc Việt trả lời:
Việc xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố caó được thực hiện như sau:
+ Chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo căn cứ vào kết luận nội dung tố cáo tiến hành việc xử lý như sau:
+ Trường hợp kết luận người bị tố cáo không vi phạm pháp luật trongviệc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâm phạm do việc tố cáo không đúng sự thật gây ra, đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật;
+ Trường hợp kết luận người bị tố cáo vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
+ Trường hợp hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc đến Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xử lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kiến nghị trong kết luận nội dung tố cáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người giải quyết tố cáo về kết quả xử lý điều (36 luật tố cáo).
 Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo là không đúng quy định của pháp luật thì người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo (khoản 1, điều 37 luật tố cáo).
Bạn đọc Thái Toàn (TP Vinh, Nghệ An) hỏi:
Tôi thấy mạng xã hội zalo, facebook rất phát triển, thông tin được lan truyền nhanh chóng. Nếu tôi muốn tố cáo một ai đó có hành vi vi phạm pháp luật mà đưa qua facebook thì có được giải quyết không?
Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 9
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:

Khi tố cáo qua mạng xã hội sẽ không được thụ lý giải quyết. Luật Tố cáo năm 2018 vẫn tiếp tục quy định hai hình thức tố cáo (như quy định của Luật Tố cáo năm 2011): Tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Luật Tố cáo năm 2018 quy định việc tiếp nhận, xử lý thông tin có nội dung tố cáo như sau:
Khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định tại Điều 22 của Luật Tố cáo thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định của Luật này.

Tuy nhiên, trường hợp thông tin có nội dung tố cáo trên có các điều kiện sau sẽ được cơ quan, tổ chức cá nhân tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý đó là: Thứ nhất: Có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật; Thứ hai: Có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp Luật; Thứ ba: Có cơ sở để thẩm tra xác minh;

Như vậy theo Luật Tố cáo năm 2018 có quy định về việc khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng Họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nhưng vẫn được xem xét thanh tra, kiểm tra khi đáp ứng đủ ba điều kiện trên.

Bạn đọc Vương Minh Anh (Quận Ba Đình) hỏi:
Xin hỏi luật sư, việc rút tố cáo được quy định như thế nào?
Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 10
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:

Theo quy định tại Điều 33 của Luật Tố cáo quy định về Rút tố cáo như sau:
Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.

Trường hợp người tố cáo rút một phần nội dung tố cáo thì phần còn lại được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật này; trường hợp người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 34 của Luật này. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo mà có một hoặc một số người tố cáo rút tố cáo thì tố cáo vẫn tiếp tục được giải quyết theo quy định của Luật này. Người đã rút tố cáo không được hưởng quyền và không phải thực hiện nghĩa vụ quy định tại Điều 9 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết.

Người tố cáo rút tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.



Bạn đọc Nguyễn Hà Giang (Tây Hồ, Hà Nội) hỏi:
Việc giải quyết tố cáo trong trường hợp quá thời hạn quy định mà người có thẩm quyền giải quyết chưa giải quyết tố cáo thì người tố cáo phải làm gì để thực hiện quyền của mình?
Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 11
Luật gia Phạm Thu Hương trả lời:
Theo Điều 38 Luật Tố cáo thì giải quyết tố cáo trong trường hợp quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết được xử lý như sau:
1. Trường hợp quá thời hạn quy định tại Điều 30 của Luật này mà tố cáo chưa được giải quyết, người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có văn bản yêu cầu người giải quyết tố cáo báo cáo về quá trình giải quyết tố cáo, lý do về việc chậm giải quyết tố cáo và xác định trách nhiệm giải quyết tố cáo.
    3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp, người giải quyết tố cáo phải gửi báo cáo theo quy định tại khoản 2 Điều này; tiếp tục giải quyết tố cáo theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp và báo cáo kết quả giải quyết, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này.
4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp theo dõi, đôn đốc việc giải quyết tố cáo; thông báo cho người tố cáo biết về việc xem xét, giải quyết tố cáo; áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý đối với người có thẩm quyền mà không giải quyết tố cáo theo đúng thời gian quy định.
5. Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu không khách quan thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo.
Bạn đọc Nguyễn Minh Vy (Xã Đàn, Hà Nội) hỏi:
Hình thức tố cáo được quy định như thế nào? Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo
Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 12
Luật gia Phạm Thu Hương trả lời:

Theo quy định tại Điều 22 Luật Tố cáo thì hình thức tố cáođược thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Điều 28 Luật Tố cáo quy định trình tự giải quyết tố cáo như sau:

1. Thụ lý tố cáo.

2. Xác minh nội dung tố cáo.

3. Kết luận nội dung tố cáo.

4. Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.

Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội

Về thụ lý tố cáo, luật ghi rõ trong thời gian 10 ngày phải ra quyết định thụ lý. Sau đó gửi thông báo cho người tố cáo biết là đơn tố cáo đã được thụ lý. Trong trường hợp không được thụ lý cũng phải ra thông báo và nêu rõ lý do cho người tố cáo biết.

Quy định này, khi thi hành Luật Tố cáo năm 2011 đã bị vi phạm rất nhiều. Cơ quan thụ lý không ra thông báo cho người tố cáo, dẫn đến người tố cáo không biết đơn của mình đang ở đâu, được giải quyết như thế nào? Đến Luật Tố cáo 2018 đã ghi định rất rõ sau 1 khoảng thời gian nhất định phải gửi thông báo tới người tố cáo.

Về vấn đề xác minh: Luật quy định người giải quyết tố cáo phải có trách nhiệm đi xác minh. Nhưng trong trường hợp người giải quyết tố cáo không có điều kiện, không có thời gian đi xác minh có thể giao cho cơ quan thanh tra hoặc 1 tổ chức do mình phụ trách thực hiện công tác xác minh. Với bước ra kết luận, cơ quan thụ lý phải gửi cho người tố cáo bản kết luận cụ thể.

Bạn đọc Phí Thị Thu (Giảng Võ, Hà Nội) hỏi:

Một người vì có hằn thù cá nhân, ghen ghét đố kị đã cố ý loan truyền những điều bịa đặt, tố cáo sai sự thật đối với người đó thì người hành vi tố cáo sai sự thật đó có phải chịu trách nhiệm gì không? Người bị tố cáo sai sự thật có quyền yêu cầu xử lý người tố cáo sai sự thật đối với mình không? Nếu có thì mức hình phạt được quy định như thế nào?

Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 13
Luật sư Nguyễn Quốc Việt trả lời:
 Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây:

+ Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài
liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;

+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;

+ Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây
ra điểm b, c, đ khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo).

Theo quy định tại Điều 65 Luật Tố cáo thì người tố cáo và những người khác có liên quan có hành vi quy định tại Điều 8 của Luật này hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại khoản 10 Điều 8 Luật Tố cáo thì một trong những hành vi nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo là cố ý tố cáo sai sự thật; Cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; Sử dụng Họ tên người khác để tố cáo. Như vậy, Người tố cáo mà tố cáo sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Từ quy định của pháp luật nêu trên, người bị tố cáo sai sự thật có quyền Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật, người giải quyết tố cáo trái pháp luật (điểm đ,khoản 1 Điều 10 Luật Tố cáo).
Bạn đọc Nguyễn Việt Tiến (Long Biên, Hà Nội) hỏi:
Chúng tôi ở nhà chung cư, tôi thấy nhiều hộ gia đình đua ban công, đổ lấn ra khoảng không trông rất nguy hiểm nhưng không bị xử lý. Tôi muốn tố cáo hành vi xây dựng này nhưng lại sợ bị trả thù, gây khó khăn trong cuộc sống của những người thân trong gia đình tôi. Vậy khi tôi làm đơn tố cáo thì có phải ghi rõ họ tên không? Nếu có dấu hiệu bị đe dọa thì tôi muốn cơ quan nhà nước có thẩm quyền có biện pháp bảo vệ gia đình tôi có được không?
Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 14
Luật gia Phạm Thu Hương trả lời:
Việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền(Điều 22 Luật Tố cáo)
+Trường hợp tố cáo được thực hiện bằng đơn thì trong đơn tố cáo phải ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; họ tên, địa chỉ của người tố cáo, cách thức liên hệ với người tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; người bị tố cáo và các thông tin khác có liên quan. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì trong đơn tố cáo còn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, cách thức liên hệ với từng người tố cáo; họ tên của người đại diện cho những người tố cáo.
Người tố cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.
+Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung tố cáo. Trường hợp nhiều người cùng tố cáo về cùng một nội dung thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo cử đại diện viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu những người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
 Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận tố cáo. Người tố cáo có trách nhiệm tố cáo đến đúng địa chỉ tiếp nhận tố cáo mà cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo đã công bố(Điều 23 Luật Tố cáo).
Như vậy theo quy định của pháp luật nêu trên người tố cáo phải ký hoặc điểm chỉ vào đơn tố cáo.
Trường hợp có dấu hiệu bị đe dọa Người tố cáo có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo (điểm e, khoản 1, Điều 9 Luật Tố cáo).
Bạn đọc Hoàng Minh Đức (Thái Thịnh, Hà Nội) hỏi:
Một cán bộ địa chính của xã X lợi dụng chức vụ, quyền hạn đã thực hiện việc phân đất giãn dân cho một số người không đúng đối tượng được phân đất giãn dân. Nếu biết sự việc đó, tôi có nghĩa vụ phải tố cáo không? 
Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 15
Luật gia Phạm Thu Hương trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 thì mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo thì tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm:

-       Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;

-       Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Như vậy, tố cáo là quyền của công dân, không phải là nghĩa vụ của công dân. Ban không có nghĩa vụ bắt buộc phải tố cáo. Tuy nhiên hành vi của cán bộ địa chính xã X có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì bạn nên tố cáo hành vi này đến cấp có thẩm quyền nhằm ngăn chặn việc xâm phạm trực tiếp đến lợi ích của nhà nước, cộng đồng đồng thời đảm bảo sự công bằng, bình đẳng của công dân trước pháp luật, giữa những người có quyền được phân đất giãn dân….

Bạn đọc Nguyễn Văn Đức (Đà Nẵng) hỏi:
 Xin luật sư cho biết về những hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo được quy định như thế nào? 
Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 16
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:

Theo Điều 8 Luật Tố cáo thì các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo và giải quyết tố cáo được quy định như sau:

1. Cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo.

2. Thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc giải quyết tố cáo.

3. Tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo.

4. Làm mất, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu vụ việc tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.

5. Không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà cho người tố cáo, người bị tố cáo.

6. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.

7. Can thiệp trái pháp luật, cản trở việc giải quyết tố cáo.

8. Đe dọa, mua chuộc, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo.

9. Bao che người bị tố cáo.

10. Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo.

11. Mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo.

12. Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước; gây rối an ninh, trật tự công cộng; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

13. Đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.

Bạn đọc Phương Thị Khánh (Hải Dương) hỏi:
Điều khoản thi hành theo Luật Tố cáo 2018?
Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 17
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:

Điều 66 Luật Tố cáo năm 2018 quy định: Luật Tố cáo năm 2011 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Tố cáo đã được thụ lý, đang xem xét và chưa có kết luận trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo năm 2011.

Bạn đọc Quách Văn Tùng (Cần Thơ) hỏi:

Quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm trong Luật Tố cáo 2018 ra sao?

Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 18
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:

Luật quy định những vấn đề chung về khen thưởng và xử lý vi phạm trong tố cáo.

Theo đó, người trung thực, tích cực cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nếu người giải quyết tố cáo thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong giải quyết tố cáo hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật trong việc giải quyết tố cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật (Điều 63).

Ngoài ra, Luật còn quy định về việc xử lý hành vi vi phạm của người có trách nhiệm chấp hành quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo và của người tố cáo, cũng như những người khác có liên quan (Điều 64 và Điều 65).

Bạn đọc Nguyễn Thị Quỳnh Mai (Hưng Yên) hỏi:
 Tôi đã làm đơn tố cáo một cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật. Sau khi có đơn của tôi thì người đó đã sửa sai, thực hiện đúng quy định của pháp luật không còn gây khó khăn, cản trở công dân nữa. Lúc này tôi muốn rút đơn tố cáo có được không? Người cán bộ đó có bị xử lý gì không?
Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 19
Luật sư Nguyễn Quốc Việt trả lời:

Theo quy định tại Điều 9 Luật Tố cáo thì người tố cáo có các quyền sau đây:

a) Thực hiện quyền tố cáo theo quy định của Luật này;

b) Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác;

c) Được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo;

 Luật sư Nguyễn Quốc Việt trả lời câu hỏi của độc giả.

d) Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết;

đ) Rút tố cáo;

e) Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo;

g) Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Tố cáo về rút tố cáo thì người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luật nội dung tố cáo.

Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật Tố cáo về rút tố cáo thì trường hợp người tố cáo rút tố cáo mà người giải quyết tố cáo xét thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ xác định việc rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vụ việc tố cáo vẫn phải được giải quyết.

Như vậy, căn cứ vào điều luật đã viện dẫn trên thì bạn có quyền rút đơn tố cáo. Việc rút tố cáo này phải được thực hiện bằng văn bản.

 


Bạn đọc Phạm Ngọc Thu (TP Hồ Chí Minh) hỏi:

Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo

Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 21
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:

Trước hết, Luật Tố cáo năm 2018 quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo (Điều 59).

Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi cả nước; trực tiếp quản lý công tác giải quyết tố cáo của các cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước.

Thanh tra Chính phủ là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Ngoài ra, Luật còn quy định trách nhiệm của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước, cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong quản lý công tác giải quyết tố cáo (Điều 60) và trách nhiệm thông tin, báo cáo trong công tác giải quyết tố cáo (Điều 61).

Bạn đọc Trần Thu Hằng (Quận Hoàn Kiếm) hỏi:

Bảo vệ người tố cáo được hiểu như thế nào theo Luật Tố cáo 2018

Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 22
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:

Việc bảo vệ người tố cáo nhằm bảo vệ, khuyến khích, động viên người dân dũng cảm đấu tranh chống lại các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật, giúp các cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, bảo vệ người tố cáo là trách nhiệm của Nhà nước, là sự thể hiện cụ thể và sinh động bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định về bảo vệ tố cáo của Luật Tố cáo năm 2011 và Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo, Luật Tố cáo năm 2018 đã dành một chương (Chương VI) quy định về bảo vệ người tố cáo; theo đó, Luật quy định các vấn đề cơ bản như:

- Người được bảo vệ bao gồm: người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (khoản 1 Điều 47).

 Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời câu hỏi của độc giả.

- Phạm vi bảo vệ là thông tin của người tố cáo, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ (khoản 1 Điều 47).

- Quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ.

Điều 48 Luật quy định: người được bảo vệ có các quyền như: quyền được biết về các biện pháp bảo vệ; được giải thích về quyền và nghĩa vụ khi được áp dụng biện pháp bảo vệ; đề nghị thay đổi, bổ sung, chấm dứt việc áp dụng biện pháp bảo vệ; từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ; được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người tố cáo đã đề nghị người giải quyết tố cáo, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mà không được áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc áp dụng không kịp thời, không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tinh thần cho người được bảo vệ.

Ngoài ra, Luật cũng quy định: người được bảo vệ có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ; giữ bí mật thông tin về việc được bảo vệ; thông báo kịp thời đến cơ quan áp dụng biện pháp bảo vệ về những vấn đề phát sinh trong thời gian được bảo vệ.

- Về cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ, Luật quy định: trách nhiệm bảo vệ trước hết thuộc về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Bên cạnh đó, các cơ quan khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo và những người được bảo vệ theo quy định của Luật. Đó là cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo, cơ quan Công an, cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, Ủy ban nhân dân các cấp, Công đoàn các cấp và các cơ quan, tổ chức khác (Điều 49).

- Về trình tự, thủ tục bảo vệ, Luật quy định gồm: đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ; xem xét, quyết định bảo vệ người tố cáo; quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; thay đổi, bổ sung áp dụng biện pháp bảo vệ nếu xét thấy cần thiết trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của người được bảo vệ; chấm dứt việc áp dụng biện phá bảo vệ (từ Điều 50 đến Điều 55).

- Về các biện pháp bảo vệ, Luật quy định các biện pháp cụ thể để bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ vị trí công tác, việc làm; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm cho người được bảo vệ (từ Điều 56 đến Điều 58).

Bạn đọc Mai Phương (maiphuong0823@yahoo.com) hỏi:

Trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo như thế nào theo Luật Tố cáo 2018?

Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 24
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:

Tổ chức thi hành kết luận nội dung tố cáo có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác giải quyết tố cáo, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, tăng cường trật tự, kỷ cương pháp luật. Do vậy, Luật Tố cáo năm 2018 đã bổ sung Chương V về trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm của người giải quyết tố cáo (Điều 44), trách nhiệm của người bị tố cáo (Điều 45), trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (Điều 46).

Bạn đọc Hồ Phượng (Quận Hà Đông) hỏi:

Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được thực hiện như thế nào theo Luật Tố cáo 2018?

Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 25
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:

Luật tiếp tục kế thừa các quy định của Luật Tố cáo năm 2011 về giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Theo đó, thẩm quyền giải quyết tố cáo được xác định theo nguyên tắc: tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết (khoản 1 Điều 41).

Trường hợp tố cáo nhiều hành vi vi phạm pháp luật thuộc chức năng quản lý nhà nước của nhiều cơ quan thì các cơ quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp để thống nhất xác định cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết  hoặc báo cáo cơ quan quản lý nhà nước cấp trên quyết định giao cho một cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết (khoản 2 Điều 41).

Trường hợp tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan thì cơ quan thụ lý đầu tiên có thẩm quyền giải quyết (khoản 3 Điều 41).

Về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo, cơ bản được thực hiện như khi giải quyết tố cáo hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, trừ trường hợp tố cáo có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể có cơ sở để xử lý ngay. Đối với trường hợp này, việc giải quyết tố cáo được tiến hành theo trình tự rút gọn, nhằm xử lý nhanh chóng, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm, phù hợp với tính chất, yêu cầu xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực (Điều 43).

Bạn đọc Ngô Văn Lợi (Quận Long Biên) hỏi:

Theo Luật Tố cáo 2018, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo cụ thể ra sao?

Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 26
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:

Nếu như Luật Tố cáo năm 2011 quy định trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo bắt đầu từ khâu tiếp nhận tố cáo thì Luật Tố cáo năm 2018 quy định trình tự, thủ tục này bắt đầu từ khâu thụ lý tố cáo; đây cũng là thời điểm bắt đầu để  tính thời hạn giải quyết tố cáo. Theo đó, tại Điều 28 Luật Tố cáo năm 2018 quy định trình tự giải quyết tố cáo được rút gọn lại chỉ còn 04 bước thay vì 05 bước như quy định của Luật cũ, cụ thể như sau: thụ lý tố cáo; xác minh nội dung tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo (bỏ bước công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo của Luật Tố cáo năm 2011).

Luật đã bổ sung một số quy định mới nhằm quy định chi tiết, cụ thể hơn về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo, cụ thể:

- Bổ sung quy định về điều kiện thụ lý tố cáo (khoản 1 Điều 29), theo đó, người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện sau: tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Luật; người tố cáo có đủ năng lực hành vi dân sự; trường hợp không có đủ năng lực hành vi dân sự thì phải có người đại diện theo quy định của pháp luật; vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo; nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nhưng người khiếu nại không đồng ý mà chuyển sang tố cáo người đã giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để xác định người giải quyết khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật.

- Sửa đổi quy định về thời hạn giải quyết tố cáo. Luật Tố cáo năm 2018 quy định thời hạn giải quyết tố cáo không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Trong khi đó, Luật Tố cáo năm 2011 quy định thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.

-Bổ sung quy định về rút tố cáo (Điều 33). Đây là nội dung mới được đưa vào Luật Tố cáo năm 2018, Luật Tố cáo năm 2011 không quy định về nội dung này. Theo đó, Điều 33 quy định rõ: người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản.

Luật cũng quy định cụ thể việc xử lý đối với các trường hợp rút một phần nội dung tố cáo, rút tố cáo trong trường hợp nhiều người cùng tố cáo, trường hợp rút tố cáo do bị đe dọa, mua chuộc hoặc lợi dụng tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo.

Trường hợp người rút tố cáo nhưng có căn cứ xác định người tố cáo lợi dụng việc tố cáo để vu khống, xúc phạm, gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi tố cáo của mình, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

- Bổ sung quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo (Điều 34). Trước đây, Luật Tố cáo năm 2011 không quy định về điều này, trong khi đó, Luật Tố cáo năm 2018 cho phép người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo khi cần đợi kết quả giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc đợi kết quả giải quyết vụ việc khác có liên quan hoặc cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại.

Ngoài ra, Luật cũng quy định việc đình chỉ giải quyết tố cáo được thực hiện khi: người tố cáo rút toàn bộ nội dung tố cáo trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 33; người bị tố cáo là cá nhân chết và nội dung tố cáo chỉ liên quan đến trách nhiệm của người bị tố cáo; vụ việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

- Luật cũng quy định cụ thể về việc tố cáo tiếp, việc xử lý đối với tố cáo tiếp và các căn cứ để giải quyết lại vụ việc tố cáo (Điều 37) nhằm bảo đảm mọi hành vi vi phạm đều được giải quyết kịp thời, đúng pháp luật; tránh tình trạng bao che vi phạm nhưng cũng tránh tình trạng tố cáo tràn lan, vượt cấp. Luật còn quy định về việc giải quyết tố cáo trong trường hợp vụ việc quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết (Điều 38).

Bạn đọc Phó Đức Trí (ductri1123@gmail.com) hỏi:

Theo Luật tố cáo 2018, hình thức tố cáo, tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo như thế nào?

Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 27
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:

- Về hình thức tố cáo: để xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo, Luật Tố cáo năm 2018 vẫn tiếp tục quy định hai hình thức tố cáo (như quy định của Luật Tố cáo năm 2011): tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

- Tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo: đây là bước quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền quyết định thụ lý hay không thụ lý giải quyết tố cáo; do đó, Luật đã quy định cụ thể việc tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo bảo đảm chặt chẽ. Luật cũng quy định trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo, xử lý tố cáo có dấu hiệu của tội phạm (Điều 23 đến Điều 27). Trong đó, có một số điểm mới như:

Một là, đối với đơn tố cáo được gửi đến nhiều nơi, khoản 3 Điều 24 quy định: trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và được gửi đồng thời cho nhiều cơ quan tổ chức, cá nhân trong đó có cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc trường hợp đã hướng dẫn nhưng người tố cáo vẫn gửi tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được tố cáo không xử lý.

Hai là, đối với tố cáo nặc danh, mạo danh, Điều 25 quy định: khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hoặc qua kiểm tra xác minh không xác định được người tố cáo hoặc người tố cáo sử dụng họ tên của người khác để tố cáo hoặc thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức quy định của Luật thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý theo quy định của Luật Tố cáo.

Tuy nhiên, trường hợp thông tin tố cáo nói trên lại có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý. Quy định này nhằm tránh bỏ lọt hành vi vi phạm khi người tố cáo sợ bị trù dập, trả thù cá nhân hoặc vì lí do khác nên chỉ cung cấp chứng cứ và thư nặc danh.

Bạn đọc Vũ Thị Ngọc (ngocvu2109@gmail.com) hỏi:

Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ?

Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 28
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:

Về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo (Điều 12), Luật tiếp tục kế thừa nguyên tắc xác định thẩm quyền của Luật Tố cáo năm 2011, đồng thời, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, Luật đã bổ sung một số nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong các trường hợp như: tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đã bị giải thể; tố cáo cơ quan, tổ chức.

Về thẩm quyền giải quyết tố cáo, Luật Tố cáo năm 2018 quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước (Điều 13). Ngoài ra, Luật còn bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan khác của Nhà nước (từ Điều 14 đến Điều 17). Luật cũng quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 18) và trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước.

Luật tiếp tục kế thừa quy định của Luật Tố cáo năm 2011 khi quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà không phải là cán bộ, công chức, viên chức (Điều 21). Tại Điều 20, Luật cũng giao Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội căn cứ vào nguyên tắc xác định thẩm quyền được quy định trong Luật (tại Điều 12) để hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong tổ chức mình và của tổ chức, đơn vị do mình quản lý.

Bạn đọc Trần Mai Phương (Quận Đống Đa) hỏi:

 Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo như thế nào?

Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 29
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:
Về cơ bản, Luật Tố cáo 2018 kế thừa, phát triển các quy định của Luật Tố cáo năm 2011 về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo.
Đối với người tố cáo, tại khoản 1 Điều 9 Luật quy định các quyền như: thực hiện quyền tố cáo; được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác; được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo; tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, so với Luật Tố cáo năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 còn bổ sung quyền rút tố cáo của người tố cáo.
 Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trao đổi tại buổi tọa đàm.
Bên cạnh các quyền, tại khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018 cũng quy định người tố cáo có các nghĩa vụ sau: cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật (như họ tên, địa chỉ, cách thức liên lạc); trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu và bồi thường thiệt hại do hành vi tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
Đối với người bị tố cáo, khoản 1 Điều 10 Luật quy định các quyền sau: được thông báo về nội dung tố cáo, việc gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo; được giải trình, đưa ra chứng cứ để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật; được nhận kết luận nội dung tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật, người giải quyết tố cáo trái pháp luật, được phục hồi danh dự, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại, được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra theo quy định của pháp luật; khiếu nại quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Luật Tố cáo năm 2018 đã bổ sung quy định: người bị tố cáo có quyền được bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.
Luật cũng quy định tại khoản 2 Điều 10 các nghĩa vụ của người bị tố cáo gồm: có mặt để làm việc theo yêu cầu của người giải quyết tố cáo; giải trình về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu; chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý theo kết luận nội dung tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; bồi thường thiệt hại, bồi hoàn do hành vi trái pháp luật của mình gây ra.
Đối với người giải quyết tố cáo, Luật quy định các quyền sau: yêu cầu người tố cáo đến làm việc, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà người tố cáo có được; yêu cầu người bị tố cáo đến làm việc, giải trình về hành vi bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo; yêu cầu, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo; tiến hành các biện pháp cần thiết để xác minh, thu thập thông tin, tài liệu làm căn cứ để giải quyết tố cáo theo quy định của Luật Tố cáo và quy định khác của pháp luật có liên quan; áp dụng hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; kết luận nội dung tố cáo; xử lý kết luận nội dung tố cáo theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 11).
Tại khoản 2 Điều 11, Luật quy định người giải quyết tố cáo có các nghĩa vụ sau: bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật trong việc giải quyết tố cáo; áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; không tiết lộ thông tin về việc giải quyết tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo khi chưa có kết luận nội dung tố cáo; thông báo cho người tố cáo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, việc chuyển vụ việc tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo; thông báo cho người bị tố cáo về nội dung tố cáo, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo; gửi kết luận nội dung tố cáo cho người bị tố cáo; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết tố cáo; bồi thường thiệt hại, bồi hoàn do hành vi giải quyết tố cáo trái pháp luật của mình gây ra.
Bạn đọc Nguyễn Thị Linh (Quận Hai Bà Trưng) hỏi:

Xin ông cho biết phạm vi điều chỉnh của Luật Tố cáo năm 2018?

Tọa đàm trực tuyến: “Quy định về tố cáo và phòng chống tham nhũng” - Ảnh 31
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến trả lời:
Luật Tố cáo năm 2018 tiếp tục kế thừa quy định của Luật Tố cáo năm 2011 về phạm vi điều chỉnh, trong đó quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với 02 nhóm hành vi vi phạm pháp luật: (1). hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; (2). hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Ngoài ra, Luật còn quy định về vấn đề bảo vệ người tố cáo, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.