Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tọa đàm với doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết trong những năm vừa qua, hệ thống chính sách thuế đã được đổi mới, cải cách nhiều để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.

KTĐT - Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết trong những năm vừa qua, hệ thống chính sách thuế đã được đổi mới, cải cách nhiều để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ngày 29/10 tại Hà Nội, Bộ Tài chính phối hợp với Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức tọa đàm về chính sách thuế, hải quan với doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết trong những năm vừa qua, hệ thống chính sách thuế đã được đổi mới, cải cách nhiều để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế.

Các luật thuế trước khi ban hành luôn phải qua một quá trình dài lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân, nghiên cứu các ý kiến và có giải trình, tiếp thu.

Mỗi luật thuế mới được ban hành luôn có một khoảng thời gian để thông báo, hướng dẫn cho các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.

Đồng thời, trong quá trình hướng dẫn luật, nghị định, Bộ Tài chính luôn lấy ý kiến rộng rãi trước khi ban hành.

Tại buổi tọa đàm, gần 30 câu hỏi về các vấn đề thuế, hải quan đã được hai bên trao đổi. Một số danh nghiệp đã nêu nhiều khuyến nghị với Bộ Tài chính về chính sách thuế với nhà thầu nước ngoài, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, vấn đề khấu trừ chi phí cho quảng cáo, khuyến mại và phí bảo hiểm cho nhân viên...

EuroCham cho rằng việc áp dụng thông tư 133/2004/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản Việt Nam với các nước có hiệu lực thi hành tại Việt Nam, dẫn đến quy định không rõ ràng và tạo ra nhiều nhầm lẫn cho cả người nộp thuế và cơ quan thuế.

Một cách tiếp cận tốt hơn là tất cả các điều luật mới liên quan đến việc thực hiện các hiệp định thuế nên theo một quy định là Thông tư 60/2007/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế.

Ông Thomas Grunke - đại diện ban lãnh đạo EuroCham khẳng định việc tồn tại quy định trong hai văn bản sẽ dẫn đến những diễn giải khác nhau ở các cơ quan thuế địa phương.

Do đó, EuroCham kiến nghị Thông tư 60 nên được xem xét chỉnh sửa để đưa ra một điều luật hướng dẫn thống nhất liên quan đến mọi sắc thuế, trong đó các thủ tục liên quan đến việc giảm trừ thuế theo hiệp định thuế sẽ được đơn giản hóa và phù hợp với những quy tắc cơ chế tự khai nộp. Đồng thời, Thông tư 133 nên được hủy bỏ.

Trả lời kiến nghị này, Bộ Tài chính cho biết trước khi có Thông tư 60, toàn bộ các thủ tục áp dụng Hiệp định thuế được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 133.

Từ khi có Thông tư 60, phần lớn các thủ tục áp dụng Hiệp định thuế tại Thông tư 133 đã được chuyển vào thông tư này.

Trong thời gian tới, toàn bộ các thủ tục áp dụng Hiệp định thuế cũng sẽ được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa theo Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ và không trái với thông lệ quốc tế.

Về đề nghị cho các doanh nghiệp trong cùng một tập đoàn bù trừ lỗ cho nhau hoặc khấu trừ phí bảo hiểm cho nhân viên, đại diện Bộ Tài chính cho biết Việt Nam hiện nay đang áp dụng ở mức hợp lý nên những kiến nghị của EuroCham không được ghi nhận.

Đối với lĩnh vực hải quan, các doanh nghiệp đã có kiến nghị về việc kết hợp giữa việc định giá hải quan với các loại định giá khác, bằng cách kết hợp những hướng dẫn của các cơ quan ban ngành khác, nhờ đó các doanh nghiệp sẽ không phải nhận những định giá khác nhau từ các cơ quan chính phủ khác nhau.

Bộ Tài chính cho rằng hiện nay vấn đề chuyển giá của các công ty đa quốc gia đang trong quá trình nghiên cứu, thảo luận để có quy định cụ thể trong văn bản pháp luật về trị giá./.