Thực tế, chỉ trong vài tuần gần đây, các đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết Nguyên đán đã phát hiện nhiều vi phạm, nào là nước ngọt được sản xuất siêu bẩn, cơm cháy mất ATTP, kẹo me, bánh đa tôm không nhãn mác, giò chả không đầy đủ giấy tờ hợp lệ…
Nhìn lại, bất cứ dịp cao điểm nào, hễ kiểm tra, cơ quan chức năng đều phát hiện hàng loạt vi phạm. Người dân luôn bị bủa vây bởi mê hồn trận thực phẩm bẩn, từ hoa quả Trung Quốc nhiễm độc, măng ngậm hóa chất, nội tạng thối, mỡ thiu, đến những mặt hàng dùng hàng ngày như thịt gà chứa kháng sinh, thịt lợn tăng trọng, thịt bò bơm nước, lươn “ăn” thuốc tránh thai… Và, câu chuyện rau trồng hai luống, một luống ăn, một luống bán tưởng như… rất xưa nhưng lại luôn luôn thời sự. Và nghịch cảnh, con người sẵn sàng đầu độc đồng loại vì lợi nhuận, nhiều người ví như cuộc chiến âm thầm giết hại nhau đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Bởi vậy, tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng, chưa bao giờ cái ăn, cái uống lại mang đến nhiều nỗi lo, khiến người dân rùng mình, sợ hãi như hiện nay. Và câu hỏi, ăn gì để không bẩn, không độc, không bị ung thư là câu hỏi khó không ai dám trả lời. Một tình trạng đáng báo động, Việt Nam là quốc gia trong top đầu thế giới về tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh ung thư. Đặc biệt, những bệnh ung thư liên quan đến đường tiêu hóa như ung thư dạ dày, gan, đại tràng ngày càng gia tăng, khoảng 10% dân số hiện nay. Một trong những nguyên nhân ung thư là do ảnh hưởng của các hóa chất độc hại trong thực phẩm.
Theo nhận định của đại diện Ban Chỉ đạo 389 về phòng chống gian lận thương mại quốc gia, thì tình trạng làm giả, làm nhái xuất xứ, nguồn gốc đối với thực phẩm, đồ uống sẽ gia tăng trong dịp Tết. Với những thủ đoạn vô cùng tinh vi, những hàng giả được tung ra thị trường sẽ khó phân biệt giữa giả và thật.
Có thể nói, những bà nội trợ nói riêng, người dân nói chung luôn lo lắng, băn khoăn, làm thế nào để có được những bữa ăn ngon, có một cái Tết an lành, không lo ngộ độc. Và, bất cứ dịp Tết nào, ngành chức năng đều tăng cường kiểm soát thực phẩm, nhưng dường như các cuộc kiểm tra chỉ như muối bỏ biển khi cả nước có hàng nghìn, hàng triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ nhỏ lẻ đến quy mô lớn. Và, một con số dù chưa phản ánh đúng thực tế nhưng đều khiến ai nấy giật mình, trong năm 2016, cả nước có 81.346 cơ sở vi phạm ATTP, 18.587 cơ sở bị xử lý. Rõ ràng vấn đề ATTP đang rất nóng và hành vi vi phạm ATTP có thể coi là tội ác đầu độc giống nòi và cần phải bị trừng trị với những chế tài mạnh.