Một kỳ thi quốc gia: Cả thầy và trò đều phải nỗ lực
- Xin Thứ trưởng cho biết về những điểm mới liên quan đến thí sinh sẽ dự kiến triển khai tại kỳ thi quốc gia vào năm 2015? Quá trình dạy và học ngay từ bây giờ phải thay đổi như thế nào để thích ứng với những đổi mới thi và tuyển sinh vào năm tới?
Về nội dung thi, không có gì thay đổi, vẫn nằm trong kiến thức phổ thông. Phương pháp học tập của học sinh cũng không yêu cầu thay đổi gì nhiều.
Những năm gần đây, học sinh đã làm quen với hướng ra đề thi mới như đề mở, không yêu cầu học thuộc lòng một cách máy móc, tăng cường kiểm tra năng lực, tư duy và khả năng ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống.
Do đó, dù phương án thi nào được áp dụng thì học sinh vẫn tiếp tục học bình thường với chương trình sách giáo khoa hiện nay cho đến khi có chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: "Dù phương án thi nào được áp dụng thì thí sinh vẫn học bình thường...."
|
- Một trong những điểm mới của kỳ thi quốc gia được Bộ GD-ĐT dự kiến triển khai là thí sinh thi xong mới đăng ký thi đại học. Điều này có gây thiệt thòi cho những đại học top giữa và dưới vì không tuyển được thí sinh giỏi. Ý kiến của Thứ trưởng về lập luận này?
Qui định đăng ký xét tuyển vào ngành, trường sau khi đã có kết quả thi trong dự thảo đề án là điểm mới cơ bản về tuyển sinh.
Đây cũng là mô hình tuyển sinh áp dụng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Ưu điểm thấy rõ của phương án này là công khai, minh bạch, rõ ràng, tránh sự may rủi; cả nhà trường và thí sinh đều phải nỗ lực để đạt được mục tiêu mong muốn.
Nhà trường muốn tuyển được thí sinh giỏi phải nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng uy tín. Thí sinh muốn trúng tuyển vào trường có uy tín thì phải phấn đấu hết mình.
Vì vậy, nếu được áp dụng thì đây là một trong những giải pháp tạo động lực để các trường liên tục phấn đấu vươn lên, cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.
Tôi hiểu được lo lắng của xã hội...
- Thời gian gần đây Bộ GD-ĐT được đánh giá luôn có sự lắng nghe từ phía dư luận xã hội để có điều chỉnh. Vậy có khi nào Bộ lung lay khi phút 89 rồi vẫn có ý kiến đề xuất "Nên bỏ thi tốt nghiệp, giữ thi đại học" - có vẻ như ngược với những gì Bộ đang nghiên cứu hướng đến thực hiện một kỳ thi quốc gia?
Theo Luật Giáo dục thì học sinh phải thi tốt nghiệp phổ thông còn theo Luật Giáo dục ĐH thì các trường được tự chủ trong tuyển sinh. Do đó, đề án kỳ thi quốc gia được thiết kế theo qui định của các luật này.
Mục tiêu của kỳ thi quốc gia trước hết là để xét tốt nghiệp phổ thông và sau đó cung cấp làm dữ liệu tin cậy để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
Khác với kỳ thi "ba chung" từ năm 2013 trở về trước, các trường không bắt buộc sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia để tuyển sinh, mà có thể tuyển sinh riêng hoặc sử dụng một phần kết quả của kỳ thi này và bổ sung thêm các hình thức kiểm tra năng lực khác.
- Nhân chuyện ngành giáo dục đang tham khảo ý kiến dư luận về đổi mới thi cử, PVđã làm một khảo sát online với bạn đọc ẩn danh; thì ý tưởng chỉ xét công nhận tốt nghiệp và tổ chức một kỳ thi đại học nhận được nhiều ủng hộ nhất; và thời gian để tiến hành "một kỳ thi quốc gia" nên làm sau 3 năm kể từ ngày công bố. Từ kinh nghiệm làm Trưởng ban chỉ đạo thi nhiều năm, Thứ trưởng có cho rằng cần có thêm thời gian nghiên cứu để đưa ra phương án hợp lý hay không?
Tôi cũng đã đọc kết quả thăm dò này của VietNamNet. Đa số ủng hộ giữ lại kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ do chưa tin là kỳ thi quốc gia sắp tới được tổ chức nghiêm túc, khách quan, công bằng như kỳ thi "ba chung" áp dụng hơn 10 năm qua.
Bộ rất hiểu mối quan tâm, lo lắng của xã hội, đặc biệt đối với các trường ĐH, CĐ sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi này để tuyển sinh thì độ tin cậy của kết quả thi là mối quan tâm hàng đầu.
Do đó, dự thảo đề án đã đưa ra các giải pháp khả thi nhằm đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi như tổ chức các hội đồng thi thành các cụm trên địa bàn tỉnh, tổ chức các cụm chấm thi liên tỉnh ở từng vùng, huy động giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên phổ thông tham gia công tác coi thi, chấm thi.
Nếu kỳ thi quốc gia được tổ chức nghiêm túc như dự kiến thì tôi tin chắc là đa số các trường ĐH, CĐ sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển mà không cần tổ chức thi riêng.
Đây là nhiệm vụ rất quan trọng trong đề án kỳ thi quốc gia và Bộ rất mong nhận được nhiều ý kiến của xã hội.
Đề thi là khâu yên tâm nhất
- Vậy công tác chuẩn bị cho việc thực hiện "một kỳ thi quốc gia vào năm 2015" đã có thể yên tâm ở khâu nào, thưa Thứ trưởng?
Đề thi có lẽ là khâu yên tâm nhất. Kinh nghiệm đổi mới công tác ra đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm gần đây cho thấy chúng ta có thể ra đề thi đảm bảo cả 2 yêu cầu: đánh giá kiến thức cơ bản phục vụ cho việc xét tốt nghiệp THPT và kiểm tra năng lực, kiến thức nâng cao để phân loại thí sinh phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ.
Thí sinh sau buổi thi ĐH năm 2014. Ảnh Văn Chung
|
Công tác tổ chức các điểm thi, coi thi, chấm thi nếu có sự phối hợp tốt giữa các sở GDĐT và các trường ĐH, CĐ thì cũng không quá khó khăn để đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, an toàn. Điều còn lại là sự đồng tình ủng hộ của xã hội.
Khi mọi người xem đây là trách nhiệm chung, đồng lòng thực hiện công cuộc đổi mới giáo dục đào tạo mà trước mắt là quyết tâm làm giảm nhẹ công tác thi cử vốn đã gây áp lực nặng nề, tốn kém cho toàn xã hội bấy lâu nay. Có được sự đồng tình thì tất cả những vấn đề kỹ thuật có thể được xử lý dễ dàng và kỳ thi quốc gia có thể được thực hiện ngay từ năm 2015.
- Tại hội nghị tổng kết năm học với lãnh đạo các sở GD-ĐT, Bộ trưởng khẳng định cả 3 phương án của kỳ thi quốc gia thực tế là một và chỉ khác nhau về mức độ. Như vậy có thể hiểu 3 phương án Bộ đưa ra sẽ lần lượt thực hiện từ năm 2015 và các năm tiếp theo ứng với phương án 1 (2015), phương án 2 (2016) và phương án 3 sẽ triển khai vào năm 2017...
Thực tế chỉ có một đề án kỳ thi quốc gia với 3 phương án về đề thi khác nhau. Dù là phương án nào được lựa chọn thì trước mắt đề thi vẫn chỉ liên quan đến kiến thức phổ thông của các môn riêng rẽ, chưa phải thi tích hợp kiến thức liên môn. Do đó, cách học của học sinh chưa có gì thay đổi nhiều.
Học sinh cần hiểu rõ việc này để khỏi lo lắng. Nếu thi theo phương án 3, thí sinh có thể sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào tất cả các ngành học nếu đạt được điều kiện qui định của từng trường. Tương tự như phương án 2 nhưng thí sinh chọn cả bài thi tự nhiên và bài thi xã hội. Khác nhau của phương án 2, 3 so với phương án 1 là ở chỗ thời gian làm bài.
Theo phương án 1 thì mỗi buổi sẽ có một môn thi. Nếu theo phương án 2 hoặc 3 thì mỗi buổi có thể thi từ 2 đến 3 môn, thời gian thi mỗi môn được rút ngắn để giảm căng thẳng cho thí sinh. Ví dụ theo phương án 2 với 4 buổi thi, thí sinh thi 3 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và chọn bài thi khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học và Sinh học).
Với kết quả đạt được, thí sinh này có thể được xét tuyển vào các ngành tương ứng với khối A, A1, B, D như trước đây.
Để đảm bảo cùng điều kiện xét tuyển này, nếu thi theo phương án 1 thì thí sinh phải thi đến 6 buổi.
Nếu giữ kỳ thi "ba chung" thì thí sinh chỉ được chọn tối đa 2 khối thi nhưng phải trải qua 6 buổi làm bài ở 2 đợt thi.
Trên cơ sở phân tích sự gọn nhẹ, hiệu quả của kỳ thi trên tinh thần đổi mới, Bộ rất mong nhận được ý kiến chia sẻ của xã hội về vấn đề này.
- Cảm ơn Thứ trưởng!