Đã xử phạt 29 vụ, số tiền trên 4,6 tỷ đồng Thưa Thứ trưởng, xin cho biết đánh giá của Thứ trưởng về mức độ vi phạm, các dạng sai phạm chính ở các Công ty BHĐC mà Bộ đã hoàn tất việc kiểm tra? Có bao nhiêu Công ty đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người tham gia mạng lưới BHĐC? - Trong quá trình kiểm tra các DN BHĐC, chúng tôi phát hiện một số lỗi phổ biến, trong đó có những lỗi hành chính như thực hiện không đầy đủ chế độ báo cáo, ký hợp đồng tham gia BHĐC không đúng theo mẫu đã đăng ký với Bộ Công Thương hoặc chưa điền đầy đủ thông tin trong hợp đồng. Bên cạnh đó là các vi phạm về phương thức kinh doanh BHĐC như cho phép một người tham gia BHĐC có nhiều mã số. Có cả dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế như khai không đúng về doanh thu hoặc để doanh thu ngoài sổ sách. Theo thẩm quyền, Bộ Công Thương chỉ xử lý các vi phạm hành chính, trong đó có các vi phạm về phương thức BHĐC. Các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.. Bộ phải chuyển cho cơ quan chức năng xem xét, kết luận chứ Bộ không có quyền kết luận. Tương tự, các dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế sẽ được chuyển cho Tổng cục Thuế xử lý theo thẩm quyền.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh:"Bộ Công Thương không buông lỏng quản lý bán hàng đa cấp". Ảnh: Mạnh Thắng |
Có ý kiến cho rằng, vừa qua, trong việc kiểm tra, xử lý các công ty BHĐC vi phạm thì ở nhiều địa phương các Sở Công Thương lại xử lý nhanh hơn và mức độ xử lý nặng hơn kết quả kiểm tra, xử lý của Cục QLCT? - Thời gian kiểm tra của Cục QLCT thường dài hơn vì bao gồm cả các nội dung liên quan đến phương thức BHĐC. Các Sở Công Thương chủ yếu kiểm tra các vi phạm hành chính như bán hàng sai quy cách, quảng cáo thông tin sai lệch. Cho nên có thể phát hiện và xử lý nhanh hơn. Đoàn kiểm tra của Bộ, ngoài các vi phạm hành chính, còn xem xét cả việc xây dựng mạng lưới BHĐC, phương thức giao kết hợp đồng BHĐC, việc thực hiện nghĩa vụ trả lại hàng v..v nên thời gian kiểm tra dài hơn. Tuy nhiên, với các DN thuộc diện kiểm tra lần này, thời gian kiểm tra cũng không phải quá dài. Sau hơn 3 tháng, 4 DN đã có kết luận kiểm tra, 1 DN đã vào giai đoạn cuối, sắp có kết luận kiểm tra. Nếu trừ đi các ngày nghỉ thì thời gian bình quân để kiểm tra 1 DN cũng chỉ 15 ngày. Về kết quả kiểm tra, con số cụ thể thế này: Theo báo cáo của các Sở Công Thương thì từ tháng 1/2016 đến nay, các Sở đã xử lý 42 công ty, bao gồm cả các công ty đã được cấp Giấy chứng nhận BHĐC lẫn các Công ty chưa được cấp với tổng số tiền phạt 2,8 tỷ đồng. Trong cùng thời gian, chưa kể Đoàn kiểm tra 7 DN do Bộ thành lập, các đoàn kiểm tra cấp Cục do Cục QLCT thực hiện cũng đã ra 29 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt hơn 4,6 tỷ đồng. Bộ không buông lỏng quản lý BHĐC Mặc dù ghi nhận kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương, nhưng với các công ty đã vi phạm nhiều quy định như vậy, xảy ra trong thời gian dài, liệu có sự buông lỏng trong việc cấp phép, quản lý lĩnh vực kinh doanh BHĐC của Bộ ? -Bộ Công Thương có trách nhiệm xem xét, cấp Giấy chứng nhận (GCN) đăng ký hoạt động BHĐC. Về nguyên tắc, nếu DN đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Nghị định 42/2014 của Chính phủ thì Bộ Công Thương không thể không cấp GCN. Chúng tôi đã cho rà lại toàn bộ việc cấp GCN ở Cục QLCT. Đến thời điểm này, có thể khẳng định quy trình cấp GCN đã được xây dựng và vận hành theo đúng quy định của Nghị định 42/2014 và chưa phát hiện được biểu hiện sai trái nào trong việc cấp GCN. Nếu phát hiện được sai phạm, chúng tôi chắc chắn sẽ xử lý nghiêm. Nếu báo chí và người dân có thông tin nào liên quan, xin cứ phản ảnh với chúng tôi. Trách nhiệm quan trọng tiếp theo của Bộ là tổ chức kiểm tra hoạt động BHĐC. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm hành chính và vi phạm về phương thức BHĐC thì Bộ sẽ xử lý. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm các quy định khác của pháp luật như pháp luật về thuế, pháp luật hình sự thì Bộ phải chuyển hồ sơ tới cơ quan chức năng để xem xét, kết luận và xử lý theo thẩm quyền. Thực hiện trách nhiệm này, ngay từ giữa năm 2015, tức là chỉ 6 tháng sau khi tiếp nhận chức năng cấp GCN BHĐC, Bộ đã tổ chức các đoàn kiểm tra các DN hoạt động trong lĩnh vực này. Công tác kiểm tra vẫn được duy trì thường xuyên từ đó tới nay. Xuất phát từ đây, tôi không cho rằng Bộ Công Thương đã buông lỏng chức năng quản lý của mình. Người dân không thể biết là Bộ đã kiểm tra nếu Bộ không công bố kết quả xử lý. Ví dụ như trường hợp của Công ty Liên Kết Việt? - Công ty Liên Kết Việt là đối tượng kiểm tra ngay trong đợt kiểm tra đầu tiên vào giữa năm 2015. Do diễn giải pháp luật một cách cứng nhắc nên quyết định xử lý Liên Kết Việt cũng như các công ty khác vào thời điểm đó đã không được công bố công khai. Chúng tôi đã rút kinh nghiệm và đã thông báo công khai nội dung kết luận kiểm tra các công ty BHĐC trong các đợt sau này. Thứ trưởng có thể cho biết, qua đợt kiểm tra vừa rồi, Bộ Công Thương đã chuyển bao nhiêu vụ việc cho cơ quan điều tra? Và liệu sẽ có bao nhiêu công ty BHĐC bị rút giấy phép trong đợt này? -Việc thu hồi GCN đăng ký hoạt động BHĐC cần được thực hiện theo đúng quy định của Nghị định 42/2014. Nếu vi phạm đến mức phải thu hồi GCN thì Bộ Công Thương chắc chắn sẽ xử lý thu hồi. Kết luận kiểm tra 4 DN đã có. Cục QLCT phải căn cứ vào đây, đối chiếu với Nghị định 42/2014 để xử lý. Do Cục QLCT đang thụ lý nên tôi không được quyền tuyên bố là sẽ thu hồi GCN của ai cả. Tôi chỉ có thể nói rằng: Không loại trừ khả năng sẽ thu hồi GCN của một số công ty vi phạm nghiêm trọng Nghị định 42/2014. Tinh thần là nghiêm minh và công bằng, vi phạm đến đâu xử lý đến đó. Về việc đã chuyển những thông tin nào cho cơ quan điều tra và liệu có khởi tố vụ án nào hay không thì cho phép tôi không đưa thông tin cụ thể. Trong đoàn kiểm tra có thành viên của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46). Đoàn kiểm tra chia sẻ tất cả thông tin với cán bộ của C46. Việc xem xét, đánh giá và đưa ra kết luận về từng thông tin, từng vụ việc sẽ do C46 quyết định. Bộ sẽ bảo vệ người dân tham gia BHĐC thực sự Với người dân tham gia mạng lưới mà bị thiệt hại do bị lừa đảo thì việc bồi thường cho họ sẽ được thực hiện như thế nào? -Tôi nghĩ chúng ta cần phân định thật rõ 2 đối tượng. Với những người tham gia BHĐC thực sự, tức là thực sự mong muốn trở thành người BHĐC, có nộp tiền cho công ty, nhận hàng từ công ty để đi bán nhưng vì lý do nào đó không tiêu thụ được số hàng đó, bây giờ muốn trả lại hàng cho công ty theo quy định của pháp luật nhưng công ty từ chối không nhận, không trả lại tiền cho họ thì chắc chắn Bộ Công Thương sẽ vào cuộc và sẽ bảo vệ đến cùng lợi ích hợp pháp của người tham gia BHĐC đó. Đối tượng thứ 2 là những người không phải người BHĐC đúng nghĩa. Họ tham gia mạng lưới nhưng không bán hàng, thậm chí không hề nhận hàng về để bán. Họ chỉ đơn giản đưa tiền cho công ty rồi ngồi chờ khoản tiền lãi do công ty hứa hẹn. Quan hệ này không còn là quan hệ về BHĐC nữa mà là một quan hệ khác hẳn. Vì vậy, khi có tranh chấp xảy ra, cần được xử lý theo các quy định khác của pháp luật. Nếu là tranh chấp dân sự thì do Tòa dân sự xử lý. Nếu 1 bên cho rằng bên kia có dấu hiệu "lừa đảo" thì cần tố cáo với cơ quan công an để công an vào cuộc xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Với cả hai nhóm này, Bộ Công Thương có ước lượng được số lượng người bị ảnh hưởng? - Chúng tôi không ước lượng được. Trong đợt kiểm tra này, chúng tôi có nhận được một số đơn khiếu nại. Chúng tôi đã yêu cầu các DN giải trình và xử lý từng đơn khiếu nại. "Không bao che cho bất cứ DN nào" Không ít người dân có phản ánh về Công ty Unicity có dấu hiệu vi phạm nhất định về quy định BHĐC. Nhưng tại sao Bộ Công Thương lại loại Công ty này ra khỏi danh sách kiểm tra trong đợt này? Điều này có thể khiến có những ý kiến cho rằng Bộ bao che cho Unicity? - Người dân có quyền nghi vấn nhưng tôi xin khẳng định Bộ Công Thương không bao che cho bất cứ DN nào cả. Nội dung kết luận kiểm tra được thông báo công khai, kể cả với Unicity và người dân có thể giám sát hoạt động kiểm tra của chúng tôi xem có gì khuất tất hay không. Trên thực tế, khi Bộ Công Thương ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra thì Cục QLCT cũng đang kiểm tra Công ty Unicity. Ngày 27/5/2016, Cục đã ra quyết định xử phạt công ty này. Nội dung xử phạt thế nào, số tiền phạt ra sao đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cũng trong tháng 5, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35, trong đó quy định 1 DN không thể bị thanh, kiểm tra quá 1 lần/năm. Bộ đã xem xét, cân nhắc kỹ và quyết định đưa Unicity ra khỏi diện kiểm tra của Đoàn kiểm tra theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 35. Thêm vào đó, từ khi Cục QLCT ra quyết định xử lý Công ty này, chúng tôi không nhận được thêm bất kỳ khiếu nại nào của người tham gia BHĐC cũng như phản ánh từ báo chí về hoạt động không đúng của công ty. Nếu có thêm phản ánh như vậy, chúng tôi sẽ đề nghị Chính phủ cho phép vào kiểm tra. Hiện nay, đã có kết quả kiểm tra ban đầu với Công ty Thiên Ngọc Minh Uy chưa, thưa Thứ trưởng? - Việc kiểm tra Thiên Ngọc Minh Uy đã đi vào giai đoạn cuối, hiện chỉ còn làm rõ một số đơn khiếu nại mà Bộ Công Thương mới nhận được. Đoàn đang xây dựng báo cáo kiểm tra nên tôi chưa thể chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, có thể nói, đơn thư khiếu nại, tố cáo về công ty này là có. Lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo Đoàn kiểm tra xác minh, làm rõ từng đơn khiếu nại với công ty Thiên Ngọc Minh Uy. Thưa ông, vì sao phải thay đổi thành phần đoàn kiểm tra. Tháng 3 đã thành lập đoàn nhưng sau này phải thay đổi thành phần đoàn, đằng sau việc thay đổi này là gì? - Chúng tôi không thay đổi thành phần mà bổ sung thêm người và nâng cấp lãnh đạo Đoàn kiểm tra lên cấp Phó Cục trưởng. Quyết định này thể hiện sự nghiêm túc của Bộ Công Thương, tạo điều kiện cho Đoàn có cấp lãnh đạo với thẩm quyền lớn hơn, tầm nhìn bao quát hơn. Tất cả là để tăng cường hiệu quả kiểm tra. Cho tới nay, có thể thấy đó là quyết định đúng. Do chỉ có quyền hạn hành chính, việc xác minh thông tin và buộc các công ty phải thừa nhận sai phạm là việc không đơn giản. Với việc nâng cấp Trưởng đoàn, bổ sung thêm cán bộ từ một số đơn vị của Bộ Công Thương, Đoàn đã thực hiện được một khối lượng công việc lớn, hiệu quả kiểm tra được nâng lên. Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.