KTĐT - Chỉ trong tháng 12 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Hà Giang, liên tiếp những vụ bắt cóc, buôn bán, chiếm đoạt phụ nữ và trẻ em đã diễn ra.
Thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm là lợi đụng những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trình độ dân trí thấp, hoặc trẻ em hay ở nhà một mình để dụ dỗ, lừa bán qua biên giới.
Trưa 23/11, chị Giàng Thị Cho đi hái rau lợn theo con đường mòn ở khu vực giáp biên thì gặp 1 phụ nữ lạ mặt, đối tượng đã tiếp cận và dùng các thủ đoạn dụ dỗ. Theo lời chị ta, sang bên kia biên giới, chị Cho sẽ có được một công việc thu nhập cao hơn so với làm nương ở nhà. Cả tin, chị Giàng Thị Cho đã trở thành nạn nhân của đường dây buôn bán người. Chị Giàng Thị Cho là một trong những nạn nhân may mắn được lực lượng biên phòng thị trấn Phó Bảng vừa giải cứu.
Chị Giàng Thị Cho, xóm Hầu Chúa Ván, Phố Cáo, Đồng Văn (Hà Giang) kể: “Sợ lắm. Mình khóc. Mình chạy trốn. Chúng bắt mình lại. Thấy 3 người đi lấy củi, mình hỏi đường nào về Việt Nam. Nhưng mình cũng không có tiền để về đâu...”
Hai chị em Giàng Thị Thò, 10 tuổi và Giàng Thị Co, 7 tuổi cũng trở thành nạn nhân của nạn bắt cóc. Mẹ mất sớm, bố thường xuyên vắng nhà. Biết hai chị em hay chơi ở nhà một mình, người cô hàng xóm đã cấu kết với đối tượng tội phạm bên kia biên giới để bắt cóc 2 em. Cả hai chị em đều tin rằng, đi theo cô sẽ có quần áo mới mặc Tết năm nay.
Ông Vừ Sinh Tráng, Phó Công an xã Phố Cáo, Đồng Văn (Hà Giang) cho biết: “Dân ở các thôn trên này, bố mẹ toàn đi làm cả ngày, để trẻ ở nhà. Có lúc trẻ con đi ra ngoài bị họ lừa đi sang bên kia. Người lạ thì nó không vào được xóm mình đâu, là người quen trong xóm đấy, nó câu kết với bọn bên kia biên giới”.
Trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 34 xã nằm sát biên giới, vào thời điểm nông nhàn, nhất là trước Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân hai nước trong các phiên chợ và tìm công việc làm thuê ngày càng nhiều. Theo quy định, mỗi khi có nhu cầu sang nước bạn thì phải làm giấy thông hành, nhưng do đường đi chỉ là đoạn ngắn, nhiều người lại ngại các thủ tục giấy tờ nên thường tự đi lại. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã tổ chức bắt cóc phụ nữ ở các đoạn đường mòn, sau đó đưa vào sâu trong nội địa Trung Quốc bán làm vợ hay bán cho các động mại dâm.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng CSĐT Tội phạm về TTXH (Công an tỉnh Hà Giang): “Giải pháp mấu chốt nhất để tiến tới dẹp tội phạm bắt cóc, buôn bán phụ nữ, trẻ em ở Hà Giang là phải nâng cao đời sống của người dân, bởi đồng bào còn khó khăn thì các đối tượng còn lợi dụng. Mặt khác, cần nâng cao hơn nữa vai trò của các đoàn thể ở địa phương. Người dân cần được tuyên truyền các thủ đoạn rất tinh vi của bọn tội phạm. Nắm được các thủ đoạn mới của chúng thì sẽ đối phó dễ dàng hơn...”
Những con đường mòn xuất hiện trên tuyến biên giới này ngày càng nhiều, ý nghĩa lớn nhất của chúng là thuận tiện cho thông thương và đi lại. Thế nhưng, với những thủ đoạn ngày càng tinh vi của bọn tội phạm, đây lại là con đường biến mất của hàng trăm phụ nữ và trẻ em. Biên giới thì có đến hàng ngàn đường ngang, ngõ tắt, lối mòn, việc kiểm soát vẫn rất khó khăn...
Trước tình hình tội phạm bắt cóc, buôn bán, chiếm đoạt phụ nữ và trẻ em qua biên giới ngày càng phức tạp, mới đây, Bộ Tư pháp đã tổ chức diễn đàn với các nước châu Á để các quốc gia chia sẻ kinh ngiệm, bài học của quốc gia mình. Đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra. Một Dự thảo luật cũng được bàn bạc sôi nổi. Tuy nhiên, tất cả đều thống nhất: Vấn nạn này chỉ có thể giải quyết được phần gốc khi người dân nâng cao ý thức của mình, đặc biệt với đồng bào dân tộc thiểu số.