Đó là thông tin từ Trung tá Lê Khắc Sơn - Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP Hà Nội tới báo chí vào ngày 28/6. Liên quan đến công tác phòng chống tội phạm mua bán người, đại diện lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn TP Hà Nội không xảy ra vụ án mua bán người nào mà đối tượng và nạn nhân có địa chỉ tại Hà Nội, chưa phát hiện phương thức thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm mua bán người. Song tình hình tội phạm mua bán người vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Trước tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, Công an TP Hà Nội xác định, có một số tuyến giao thông, địa bàn trọng điểm về tội phạm mua bán người là tuyến giao thông đường bộ Hà Nội đi các tỉnh biên giới gồm: Hà Nội – Quảng Ninh; Hà Nội – Lạng Sơn; Hà Nội – Lào Cai; Hà Nội – Cao Bằng. Tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn; Hà Nội – Lào Cai. Tuyến hàng không: Sân bay Quốc tế Nội Bài đến các nước. Kết quả trong 6 tháng đầu năm 2016, Công an TP Hà Nội đã phát hiện 2 vụ án đối tượng là người tỉnh ngoài lừa bán 6 phụ nữ. Khi qua địa bàn Hà Nội thì bị Công an TP Hà Nội bắt giữ, xử lý truy tố theo quy định của pháp luật. Trung tá Lê Khắc Sơn đánh giá: Thủ đoạn mua bán người không có gì mới, các đối tượng dùng thủ đoạn dụ dỗ các cô gái ở nông thôn nhà quê, ít hiểu biết, ít cập nhật thông tin, lừa đưa ra Hà Nội, bán quần áo, hay ra vùng biên giới để kiếm thu nhập. Nạn nhân và đối tượng có trường hợp biết nhau có trường hợp không biết nhau nhưng chủ yếu là thông qua mạng xã hội zalo và facebook. Người dân ở các tỉnh đến TP Hà Nội tìm việc làm ngày càng tăng, số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm về an ninh trật tự như vũ trường, quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn cũng tăng theo. Bên cạnh đó, việc thông thương, giao lưu buôn bán, đi lại giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khối Asean có nhiều thuận lợi,... những yếu tố trên là một trong các điều kiện thuận lợi cho các loại tội phạm hình sự nói chung, trong đó có tội phạm Mua bán người nói riêng hoạt động phạm tội. Lãnh đạo Công an TP Hà Nội xác định: Đây là loại tội phạm ẩn, chỉ khi có bị hại được giải cứu, hoặc trốn thoát trở về tố giác với cơ quan công an thì mới điều tra làm rõ được đối tượng để truy tố trước pháp luật. Đối tượng mua bán người thường sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để tránh sự phát hiện, điều tra của cơ quan công an, do vậy đối tượng khi tiếp xúc với nạn nhân thường thay đổi tên, tuổi, địa chỉ và dùng nhiều số điện thoại khuyến mại khác nhau để làm quen và lừa gạt. Do đó, khi nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân cung cấp thông tin đã gây khó khăn cho việc xác minh, điều tra của cơ quan công an. Theo đại diện lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, đã tăng cường công tác quản lý, xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế, công tác tuần tra kiểm soát của lực lượng chức năng ở các khu vực biên giới, các nhà ga, bến xe, để phát hiện những đối tượng mua bán người và những trường hợp có nghi vấn để ngăn chặn kịp thời, hành vi phạm tội của đối tượng, giải cứu nạn nhân ngay từ trong nội địa, trên lãnh thổ Việt Nam. Công an TP Hà Nội cũng đề nghị các ban ngành, đoàn thể phải quan tâm đến đời sống, việc làm cho người bị hại của các vụ mua bán người đã trở về nhanh chóng hòa nhập cộng đồng để tránh mặc cảm, định kiến hoặc bị lừa trở lại.
Tội phạm mua bán người vẫn hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi. (ảnh minh họa). |