Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tội phạm nước ngoài dùng vàng giả lừa đảo tiền tỷ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với một số pho tượng phật, thỏi kim loại hình thuyền màu vàng, 1 mẩu vàng thật, Zhong Tielin và Yang Fanqing, quốc tịch Trung Quốc cùng với đồng bọn là Weihuilin đã lừa đảo "từ Nam chí Bắc", chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của những người nhiều tiền và... hiểu tiếng Trung.

Ngày 8/11, cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Zhong Tielin và Yang Fanqing, quốc tịch Trung Quốc vì đã có hành vi lừa đảo.

Màn kịch "công nhân đào được đồ cổ"

Theo các điều tra viên, thủ đoạn lừa đảo của nhóm đối tượng trên cực kỳ tinh vi. Trước khi "nhắm" vào nạn nhân là những người hiểu tiếng Trung, có nhiều tiền, chúng đã dày công tìm hiểu rồi lập ra một kịch bản khá công phu.

Một trong những nạn nhân của nhóm lừa đảo trên là ông Vi Tô Nam, trú ở quận Hải Châu, Đà Nẵng. ông Nam vốn là người gốc Hoa nên thông thạo tiếng Trung. Chính vì vậy, có một đối tượng xưng danh là Thái Tiểu Bình, người Sùng Chính (Trung Quốc) gọi điện thoại di động cho ông nhờ phiên dịch tiếng Trung. Qua điện thoại, Bình tự giới thiệu bản thân làm nghề xây dựng tại Huế, trong lúc thi công có đào được một số thỏi vàng và một tờ di chúc viết bằng tiếng Hán cổ.

Vài ngày sau, Bình lại gọi điện thoại, giới thiệu một người mang họ Vương đến Đà Nẵng gặp ông Nam, đưa cho ông xem các thỏi vàng và tờ di chúc cũ kỹ, đã hư hỏng nhiều chỗ. Theo những chữ còn lại của bản di chúc, ông Nam hiểu được nội dung là hũ vàng cổ là gia tài của họ Lưu, truyền cho con cháu. Sau này nếu thất lạc, ai đào được sẽ được hưởng một phần, phần còn lại sẽ làm từ thiện. Nhìn tờ di chúc cũ kỹ, cũng như những thỏi vàng hình thuyền rất giống với loại tiền tệ Trung Quốc sử dụng thời phong kiến nên ông Nam khá tin tưởng. Chính vì vậy, khi người đàn ông họ Vương ngỏ ý muốn bán số vàng với giá "hữu nghị", đã khiến ông Nam lung lạc ý chí.

Để tạo lòng tin cho ông Nam, đối tượng đem một thỏi kim loại ra, chặt một góc rồi cùng ông Nam mang tới tiệm kinh doanh vàng bạc đá quý thử. Ông Nam đồng ý mua để bán kiếm lời. Tuy nhiên, vì sợ lộ, bị bắt giữ nên đối tượng không đồng ý giao hàng và nhận tiền tại Đà Nẵng mà yêu cầu phải ra Hà Nội. Vì quá tin, nên ông Nam đã dồn hết tài sản trong nhà, vay mượn thêm của người quen được 2,9 tỷ đồng đem ra Hà Nội đợi mua vàng. Tại đây, người xưng danh là Thái Tiểu Bình xuất hiện, đưa cho ông 65 thỏi vàng nén, 6 tượng Phật màu vàng và nhận 2,9 tỉ đồng.

Sau khi về Đà Nẵng, ông Nam mang đi thử thì toàn bộ là vàng giả. Tại Đà Nẵng, còn có một nạn nhân khác là Nguyễn Văn L., cũng bị đối tượng giả làm công nhân xây dựng đào được hũ đồ cổ, nhờ anh L. dịch hộ di chúc, sau đó bán lại "hũ vàng" cho anh L. với giá 200 triệu đồng.

Sa lưới...

Vào khoảng tháng 10/2011, Zhong Tielin và Yang Fanqing đi cùng với một phụ nữ Việt Nam là phiên dịch, đã tìm đến một ngôi chùa ở Hà Nội với lí do nhờ sư trụ trì lập đàn cầu an, chữa bệnh bởi trong quá trình thi công xây dựng tại Hải Phòng đã đào được một bình gốm cổ, bên trong có một số đồng xu cổ, vài mảnh giấy và 10 cục kim loại màu vàng của một vị thiền sư để lại từ thời Càn Long, đồng thời đưa cho vị Thượng tọa một mẩu kim loại màu vàng nhờ kiểm tra xem có phải vàng thật không rồi bán giúp cho anh ta.

Xác định chính xác đây là hai đối tượng lừa đảo, vị Thượng tọa đã cảnh cáo chúng, khuyên làm việc thiện và không được làm hại người khác. Thấy thế, cả hai chuồn mất. Vị Thượng tọa đã mang miếng vàng chúng để lại đến giao nộp cho cơ quan điều tra.

Cùng với việc nắm tình hình, CBCS Đội Trọng án 1, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Nội đã phát hiện thủ đoạn phạm tội của nhóm đối tượng trên nên đã lập án đấu tranh, đồng thời phối hợp với Công an các quận, huyện trên địa bàn tuyên truyền, rà soát để ngăn ngừa, bắt giữ đối tượng. Công tác này của các anh đã đem lại hiệu quả khi Zhong Tielin và Yang Fanqing thực hiện màn lừa đảo ở Văn phòng Luật sư Doha, ở số 2, phố Đỗ Quang, Trung Hoà, Cầu Giấy, chiếm đoạt 125.000 USD.

Theo đó, các đối tượng trên đã điện thoại cho Trưởng văn phòng Luật sư Doha. Thông qua nhân viên phiên dịch của văn phòng, chúng tự giới thiệu đang làm công nhân xây dựng cho một nhà máy ở Hưng Yên. Quá trình đào bới để đổ móng công trình đã vô tình phát hiện được 1 chiếc chum sành có hàng chục thỏi vàng hình thuyền và tượng Phật Di Lặc cũng bằng vàng. Do không hiểu rõ pháp luật Việt Nam quy định về việc sở hữu cổ vật đào được nên muốn nhờ văn phòng luật sư tư vấn nên bán hay mang về nhà.

Anh H., Trưởng văn phòng Luật sư đã hẹn gặp để trao đổi trực tiếp. Sáng hôm sau, 2 người đàn ông Trung Quốc có mặt, mang theo 10 thỏi vàng hình thuyền và 3 bức tượng Phật Di Lặc màu vàng. Họ nói không biết số thỏi và tượng Phật Di Lặc trên có phải là vàng thật hay không nên nhờ văn phòng luật sư kiểm tra hộ. Họ nhờ người của văn phòng chọn ra 1 thỏi vàng, sau đó dùng cưa lấy một miếng mang đi thử. Sau khi cưa xong, lợi dụng lúc mọi người không để ý, đối tượng đã đánh tráo 1 miếng vàng thật rồi đưa cho anh H. đi giám định.

Sau khi có kết quả đó là vàng thật, chúng liền gạ bán cho anh H. với giá 80 vạn Nhân dân tệ và yêu cầu trả bằng đô la Mỹ tương đương với 125.000 USD. Cả hai hẹn sáng hôm sau khi nào anh H. chuẩn bị đầy đủ tiền chúng sẽ mang vàng tới giao. Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, Văn phòng Luật sư Doha đã báo cho lực lượng Công an, bắt quả tang 2 đối tượng trên.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng đã khai nhận gây ra 3 vụ lừa đảo bằng thủ đoạn trên. Theo phân tích của cơ quan Công an, ngoài nhóm đối tượng Zhong Tielin, Yang Fanqing, có thể còn những nhóm khác, cũng đang thực hiện hành vi lừa đảo với thủ đoạn trên. Đề nghị mọi người nêu cao tinh thần cảnh giác, không vì hám lợi mà mất tiền. Nếu phát hiện đối tượng có thủ đoạn trên, cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất