Ông Takashi Yamamoto – Cục trưởng Cục Công nghiệp và Lao động TP Tokyo cho biết, trong năm 2014, chính quyền Tokyo đã thực hiện nhiều hoạt động quảng bá cho du lịch Tokyo tại Việt Nam. Trong đó phải kể đến chính sách nới lỏng việc cấp thị thực Visa đi Nhật đối với du khách Việt Nam. Việc mở rộng các phạm vi miễn thuế, tăng số lượng các cửa hàng miễn thuế cũng giúp Nhật Bản thu hút đông đảo khách du lịch Việt Nam.
Vì thế, năm 2013, có khoảng 83 ngàn người Việt Nam đến Nhật, con số này tăng gấp 1,5 lần lên 124 ngàn người vào năm 2014. Bên cạnh đó, việc được chọn là địa điểm tổ chức Thế vận hội Olympic, Paralympic Tokyo 2020, sẽ là cột mốc quan trọng để TP Tokyo hiện thực hóa mục tiêu đón 1,5 triệu khách quốc tế mỗi năm. Trong đó, Tokyo kỳ vọng lượng khách Việt Nam đến TP xinh đẹp này còn tăng cao hơn trong năm 2014.
Theo ông Takashi Yamamoto, con số 650 ngàn người Nhật Bản sang Việt Nam và khoảng 124 ngàn người Việt Nam sang Nhật Bản là chưa tương xứng với tiềm năng, sự mong muốn của hai bên. Đó là bởi dân cư 2 nước chưa biết sự hấp dẫn của nhau. Chính vì thế, năm 2015, TP Tokyo và Hà Nội sẽ tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến nhằm tăng cường số lượng du khách qua lại giữa hai Thủ đô.
Sau 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt, kể từ khi hai nước ra Tuyên bố chung về Hợp tác Du lịch và thành lập Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Du lịch Việt Nam – Nhật Bản năm 2005, lượng khách du lịch đi lại giữa hai quốc gia tăng đáng kể.
Ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết: “Với mục tiêu đón 1 triệu lượt khách Nhật Bản du lịch Việt Nam, khách Việt Nam đi du lịch Nhật Bản đạt 200 ngàn lượt vào năm 2017, ngành du lịch Việt Nam cũng như Thủ đô Hà Nội và Tokyo nói riêng đã và đang tích cực phối hợp nhiều hoạt động hợp tác quảng bá du lịch song phương”.
Giới thiệu múa vũ điệu Geisha của Nhật Bản tại Hội thảo. Ảnh: Hồng Hạnh.
|
Giới thiệu nghi thức trà đạo của Nhật bản tại Hội thảo. Ảnh: Hồng Hạnh.
|