Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tồn tại 348 cơ sở trông giữ trẻ không phép

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương cho biết hiện trên địa bàn tỉnh có 348 cơ sở giữ trẻ hoạt động không phép; trong đó có 149 cơ sở trông giữ nhóm trẻ dưới 10 cháu.

Cơ sở giữ trẻ hoạt động không phép tồn tại nhiều nhất ở thị xã Dĩ An và Thuận An. "Đây là vấn đề nhức nhối đối với ngành giáo dục" - ông Phương đánh giá.

Toàn tỉnh có 13.000 trẻ trong độ tuổi mầm non thì có gần 5.000 trẻ được giữ tại các cơ sở mầm non ngoài công lập. Do đặc thù của tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp phát triển, thu hút nhiều lao động kéo theo số trẻ tăng cơ học rất lớn. 

Mặc dù cơ sở vật chất trường lớp mầm non tiếp tục được các địa phương quan tâm xây dựng, công tác xã hội hóa giáo dục mầm non được nhân rộng, nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu của phụ huynh, đặc biệt là công nhân lao động nhập cư. 

Thêm vào đó việc tìm quỹ đất để xây dựng trường mầm non tại các khu dân cư, khu công nghiệp cũng gặp không ít khó khăn. Với diện tích quy định tối thiểu là 8m2/trẻ thì ở các khu công nghiệp không thể bảo đảm quy chuẩn này.

Ông Phương cho rằng đối với các điều kiện theo quy chuẩn trường mầm non ngành giáo dục, tỉnh đang đề xuất hai tiêu chí cần xem xét là đáp ứng được điều kiện về vệ sinh môi trường và bảo đảm an toàn cho các cháu. Các điều kiện khác sẽ xem xét linh động, để cấp phép có thời hạn cho các cơ sở giữ trẻ. Chỉ có cách làm này mới “quản” được, còn hơn để cơ sở không phép hoạt động tràn lan như hiện nay.

Về lâu dài, theo ông Phương cần có cơ chế "thoáng" hơn, cho phép doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được sử dụng quỹ đất, nhà xưởng chưa sử dụng để xây dựng cơ sở giữ trẻ, góp phần giảm áp lực khó khăn về điểm giữ trẻ của con em công nhân và người lao động hiện nay.