Động thái tìm sự ủng hộ từ thế giới
Liên hoan hát then, đàn tính lần thứ 4 sẽ khai màn tại Lạng Sơn vào 4/11. Trải qua 3 lần tổ chức, ngành văn hóa đủ tự tin khẳng định, liên hoan sẽ thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc tham dự.
Liên hoan hát then lần này diễn ra trước sự kiện hồ sơ di sản hát then, đàn tính sẽ được trình UNESCO xem xét công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2013. "Năm nay, Liên hoan sẽ thu hút khoảng 500 nghệ sĩ, nghệ nhân hát then của 9 tỉnh (Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Điện Biên).
Nghệ nhân cao tuổi hướng dẫn lớp trẻ hát then.
Liên hoan quy tụ đông đảo nghệ nhân, diễn viên hát then thuộc nhiều đoàn nghệ thuật chuyên và không chuyên trên cả nước, với sự góp mặt của không ít diễn viên ở nhiều độ tuổi khác nhau: Có em chỉ 8 - 10 tuổi, có nghệ nhân 70 - 80 tuổi", ông Hoàng Văn Báu, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Lạng Sơn cho biết.
Bên cạnh các buổi trình diễn hát then, đàn tính, hai sự kiện cùng đồng hành với Liên hoan là triển lãm "Di sản văn hóa then", trưng bày các hiện vật, hình ảnh về nghệ thuật hát then (từ 3 - 6/11) và Hội thảo Bảo tồn, phát huy hát then trong giai đoạn hiện tại (ngày 4/11).
Đây sẽ là dịp để các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân hiến kế về cách bảo tồn nghệ thuật hát then trước sự phát triển quá nhiều dị bản.
Không thể dẹp bỏ nghề của các “ông then”
Hiện nay, then đang tồn tại ở hai dạng chính: Then cổ (then tâm linh phục vụ việc hành nghề tín ngưỡng) và then mới (then văn nghệ có cải biên, sáng tác dựa trên âm hưởng then cổ).
Dù hát then chưa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, nhưng UNESCO sẽ không công nhận những di sản bị biến dạng. Và khoảng cách giữa dị bản hay then mới không dễ dàng phân biệt.
Chính vì vậy, bên cạnh tỷ lệ 60% màn trình diễn then cổ, BTC Liên hoan vẫn dành một không gian để các nghệ sĩ trình diễn then mới, nhằm định hướng đúng sự phát triển của nghệ thuật hát then trong giai đoạn hiện nay. "Then mới dựa trên then cổ, không có then cổ thì không có then mới.
Chúng tôi nghĩ then mới cũng không có gì là xấu, quan trọng là không làm biến dạng và mất đi tính hấp dẫn và cái hồn của then cổ", ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Dân tộc (Bộ VHTT&DL) cho biết.
Một vấn đề quan trọng trong việc bảo tồn hát then là cách ứng xử với nghệ nhân hát then. Bởi, về bản chất các thầy then là thầy cúng kiêm nghệ sĩ dân gian. Tuy nhiên, vấn đề nghi lễ tín ngưỡng luôn nhạy cảm. Bởi, khoảng cách giữa mê tín và nghệ thuật vẫn còn nhiều tranh cãi. "Nhưng muốn bảo tồn then cổ cần bảo tồn nguyên bản không gian của then như nó đang tồn tại và diễn ra trong đời sống.
Không thể bảo tồn nếu dẹp bỏ nghề của các "ông then", "bà then" bởi họ chính là linh hồn của hát then. Vì vậy, nhiệm vụ của những người làm văn hóa cần phải tôn vinh những người "giữ then" như giữ lửa, có sự lựa chọn để hạn chế những sắc thái mê tín không còn phù hợp với suy nghĩ, tình cảm con người hiện nay", ông Hoàng Đức Hậu chia sẻ.Người làm nghiên cứu văn hóa đang chấp nhận nghệ thuật hát then cách tân, điều này không có nghĩa là loại bỏ yếu tố nghi lễ.
Bởi chính yếu tố nghi lễ làm cho con người gắn bó, say mê với loại hình nghệ thuật này. Và để hồ sơ hát then nhận được số phiếu đồng thuận cao từ thế giới, chắc chắn đòi hỏi những người xây dựng phải giải quyết tốt bài toán hòa hợp giữa then mới và then cổ.