Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tôn vinh những người “khổng lồ”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 giải Nobel Y sinh và Vật lý được công bố, dư luận quốc tế đều đánh giá cao kết quả làm việc nghiêm túc của các ủy ban Nobel trong việc tìm kiếm, tôn vinh những người “khổng lồ” trong lĩnh vực quan trọng nhất của khoa học cơ bản và y học.

Với những công trình nghiên cứu được theo đuổi suốt vài chục năm, sẵn sàng hy sinh sức khỏe, hạnh phúc cá nhân, những người được Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển hay Viện Karolinska vinh danh không chỉ là những nhà khoa học giỏi nhất, mà các công trình của họ còn rất giàu tính nhân văn, đem lại những bước chuyển quan trọng trong lịch sử nhân loại.

Những phát minh vĩ đại, giàu nhân văn

Chiều 6/10 (theo giờ Việt Nam), đại diện Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố 2 nhà khoa học Arthur B. McDonald (1943, Canada) và Takaaki Kajita (1959, Nhật Bản) là đồng chủ nhân của giải Nobel Vật lý 2015.

 
 Lễ công bố giải thưởng Nobel Y sinh 2015.
Lễ công bố giải thưởng Nobel Y sinh 2015.
Thông qua các thí nghiệm ở Đài quan sát Sudbury Neutrino, nằm sâu 2.100m dưới lòng đất Sudbury, Ontario, Canada, hai nhà khoa học cho thấy, các hạt neutrino (hạt cơ bản) phát ra từ Mặt trời không biến mất trên đường đến Trái đất, thay vào đó, chúng xuất hiện với hình dáng khác. Theo nghiên cứu này, hạt cơ bản đã thay đổi hình dạng, khối lượng và cứ mỗi giây lại có hàng ngàn tỷ hạt neutrino đi qua cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, khó có cách nào để ngăn chặn chúng. Là hạt khó nắm bắt nhất trong tự nhiên, suốt hàng chục năm qua, bí ẩn về hạt cơ bản đã khiến nhiều thế hệ các nhà vật lý đau đầu tìm kiếm. Vì thế, phát hiện trên đã làm thay đổi sự hiểu biết của con người về hoạt động ở tận cùng của vật chất, làm thay đổi hiểu biết về lịch sử, cấu trúc vật chất và tương lai của vũ trụ.

Trước đó, hôm 5/10, vượt qua 327 nhà khoa học được đề cử, trong đó có 57 cá nhân được đề cử lần đầu tiên, chủ nhân của giải Nobel Y sinh năm 2015 đã thuộc về 3 nhà khoa học William Campbell (1930, Ireland), Satoshi Omura (1935, Nhật Bản) nhờ công trình nghiên cứu tìm ra hoạt chất Avermectin trong phòng chống bệnh nhiễm trùng do ký sinh trùng giun tròn gây ra. Trong khi bà Youyou Tu (1930, Trung Quốc) được tôn vinh nhờ công trình nghiên cứu, điều chế thuốc Artemisinin trong phòng chống bệnh sốt rét. Theo Chủ tịch của Ủy ban Nobel - bà Juleen Zierath: Ngài Afred Nobel hẳn sẽ rất hài lòng  bởi nhờ có những nhà khoa học tài năng này, hàng triệu sinh mạng đã được cứu sống.

Gay cấn cuộc đua Nobel Hòa bình

Giống như thông lệ, mọi sự chú ý của dư luận quốc tế đều đổ dồn vào giải Nobel Hòa bình với các cuộc dự đoán, thăm dò và bình chọn trên nhiều phương tiện truyền thông. Thậm chí, các nhà cái lớn của châu Âu còn tổ chức đánh cược xem ai, tổ chức nào trong số 273 ứng viên sẽ được vinh danh vì “đóng góp nhiều nhất hay tốt nhất cho tình anh em giữa các dân tộc, cho sự xóa bỏ hay giảm thiểu quân đội thường trực và cho sự giữ gìn và tăng tình hữu nghị giữa các nước” (trích Di chúc của Alfred Nobel).

Cuộc đua đến danh hiệu này được đánh giá là sẽ diễn ra vô cùng kịch tính với sự tham gia của có 68 tổ chức, 205 cá nhân. Trên thực tế, ngay từ khi Thư ký tòa án Kentucky Kim Davis - người đã bị “trừng phạt” bởi từ chối cấy giấy chứng nhận kết hôn cho các cặp đồng tính hay Thủ tướng Đức Angel Merkel vì đã duy trì quan điểm khá “cởi mở” về người di cư và vai trò trong việc dàn xếp khủng hoảng tại Ukraine được công bố là những ứng viên của giải Nobel năm nay, các cuộc tranh cãi đã nổ ra.

Hiện, chưa rõ ai sẽ là chủ nhân của giải thưởng danh giá nhất trong hệ thống giải Nobel nhưng nhiều nhà phân tích nhận định rằng, các cuộc chiến đang diễn ra ở Trung Đông và Ukraine và cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu sẽ là nhân tố chính ảnh hưởng đến quá trình xét giải.
Theo kế hoạch, giải Nobel Hóa học được công bố vào hôm nay (7/10), tiếp đến là giải Nobel Văn học (8/10), Nobel Hòa bình (9/10), Nobel Kinh tế (12/10) sẽ kết thúc mùa giải Nobel 2015.