Ngày 24/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-202
“Việc gì có lợi cho đất nước thì cứ làm”
Thảo luận tại tổ Đại biểu Hà Nội, nhiều ý kiến đại biểu đề cập đến công tác cán bộ, chống tham nhũng, cải cách hành chính, các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế.
Đề cập đến công tác cán bộ, Đại biểu Nguyễn Văn Được nêu những thông tin khiến người dân băn khoăn như trên mạng xã hội đưa tin có tỉnh mấy chục người là con cháu, họ hàng lãnh đạo tỉnh làm cán bộ. “Nếu như vậy làm sao bộ máy chính quyền mạnh được?”, Đại biểu Nguyễn Văn Được bày tỏ.
Theo đai biểu, vừa qua Tổng Bí thư chỉ đạo rất chặt chẽ, kịp thời, quyết liệt về công tác cán bộ. Những cán bộ vi phạm vị xử nghiêm minh. Người đân, cử tri rất đồng tình. Đại biểu đề nghị, tới đây chúng ta phải làm tốt hơn nữa việc này.
Về vấn đề chống tham nhũng, Đại biểu Nguyễn Văn Được cho rằng, muốn đất nước, kinh tế phát triển phải kiên quyết chống tham nhũng. Ví dụ như vụ Quỳnh Như tham ô 4.000 tỷ đồng, số tiền ấy có thể giúp biết bao nhiêu cựu chiến binh chống nhà dột nát, giúp các huyện nghèo phát triển.
“Nhưng vấn đề chống tham nhũng là chống ai? Người có quyền, có chức có tiền mới tham nhũng chứ không có người dân nào vào đây cả. Vừa qua, Tổng Bí thư, Bộ Chính trị chỉ đạo xử lý kiên quyết một số vụ tham nhũng, người dân mừng lắm, tôi cũng mừng”, Đại biểu bày tỏ.
Đại biểu Nguyễn Văn Được cho biết thêm, dù không có trong chương trình thảo luận nhưng ông nhân đây ông nói thêm về tranh cãi việc di chuyển cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng để để thi công dự án mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long.
“Bỏ hay không bỏ, làm đường hay không làm, tất nhiên chúng ta phả lắng nghe, trân trọng nhiều ý kiến góp ý. Nhưng tôi nghĩ rằng, việc gì có lợi cho nước, cho đảng thì ta cứ làm. Phải phát triển đất nước, chả lẽ cứ bo bo suốt thế à? Cây xanh có thể trồng lại, mất một hai năm có tán xanh mát, hơn nữa trồng cây xà cừ trong nội đô chưa phải đã là hợp lý, di chuyển thay thế bằng những loại cây khác phù hợp là điều có thể làm được”, Đại biểu nói.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh thảo luận cho biết, công cuộc chống “giặc nội xâm” khó nhưng đã có biểu hiện tích cực, tạo niềm tin, phấn khởi trong nhân dân. Chưa bao giờ cử tri có nhiều niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của đảng, đặc biệt là đồng chí Tổng Bí thư về vấn đề chống giặc nội xâm như hiện nay.
Góp ý vào báo cáo của Chính phủ, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho hay, báo cáo của Chính phủ gửi đến đại biểu Quốc hội nói về trường hợp cán bộ bổ nhiệm siêu tốc lại thiếu một vài trường hợp, ví dụ như ở Thanh Hóa bổ nhiệm siêu tốc Trưởng phòng thuộc Sở Xây dựng.
Về vấn đề thanh tra tài sản của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đánh giá công bố của cơ quan chức năng cho thấy mới chỉ thanh tra, kết luận đến cấp lãnh đạo thành phố Yên Bái, không thanh tra đến cấp lãnh đạo tỉnh.
"Cả vùng đất nông nghiệp lớn như thế mà bằng thủ thuật quay sang thành ra kinh doanh bất động sản mà chẳng nhẽ lãnh đạo tỉnh không có trách nhiệm gì? Cử tri băn khoăn hỏi nhưng chúng tôi vẫn chưa trả lời được", Đại biểu nêu.
Không để việc cổ phần hóa doanh nghiệp, dự án BOT biến tướng
Nhận xét về báo cáo của Chính phủ, Đại biểu Nguyễn Văn Thắng chỉ ra, báo cáo khá rõ nét, phản án đầy đủ các mặt, kết quả đạt được, cũng như khó khăn tình hình kinh tế – xã hội thời gian qua. Theo đại biểu, những lĩnh vực, ngành thế mạnh của Việt Nam từng bước được phát huy; nông nghiệp tăng trưởng trở lại; du lịch có sự tăng trưởng khá tốt, ước năm 2017 khách du lịch tăng 30%; xuất khẩu phần mềm, công nghệ tăng trưởng...
Đại biểu cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế như năng suất lao động chưa tăng lên nhiều, tổng đầu tư xã hội tăng cao, chỉ số ICOR chưa có sự cải thiện, mô hình tăng trưởng chưa có sự chuyển đổi một cách rõ nét, tăng trưởng vẫn phu thuộc vào lao động giá rẻ khai thác tài nguyên, đầu tư... chưa đi vào được mô hình tăng trưởng thực chất – tăng trưởng theo chiều sâu đó là dựa vào công nghệ, nâng cao năng suất lao động.
Xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, do vậy hiệu quả đem lại cho nền kinh tế vẫn bị hạn chế.
Về kế hoạch phát triển kinh tế 2018, Đại biểu cho rằng, theo dự báo năm 2018 kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, nhiều hiệp định thương mại song phương Việt Nam ký kết với các quốc gia sẽ có hiệu lực, tác động và tạo lợi thế cho Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó có những khó khăn, bất ổn tác động đến kinh tế Việt Nam. Từ đó, đạibiểu cho rằng, chỉ tiêu Chính phủ đặt ra tăng trường GDP 6,5 đến 6,7% là tỷ lệ khá hợp lý.
Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận: “Nhiều ý kiến cho rằng, với tốc độ tăng trưởng quý 3, quý 4 cao như thế này mà mục tiêu tăng trưởng chỉ 6,5 – 6,7%? Rõ ràng đây là mức bảo đảm kiểm soát được chất lượng tăng trưởng kinh tế”.
Bởi hiện nay tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng, đây là điều bất bình thường. Theo thông lệ quốc lệ quốc tế những gì liên quan đến nguồn vốn trung, dài hạn đều xuất phát từ nguồn lực xã hội, không phải nguồn ngân hàng. Hiện nay ngân hàng ở nước ta đang làm cả 2 chức năng cả cho vay ngắn hạn và cho vay trung, dài hạn. Nếu tăng trưởng kinh tế quá cao, vốn tín dụng ngân hàng sẽ phải đưa ra cao, như vậy, tiềm ẩn lạm phát. Do vậy chỉ tiêu Chính phủ đặt ra là khả quan.
Tại phiên thảo luận, Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đồng tình với mục tiêu năm 2018 Chính phủ đưa ra tăng trưởng 6,5 -6,7%.
Đại biểu đề nghị năm 2018 Chính phủ tập trung cho phát triển nông nghiệp và du lịch đây là 2 lĩnh vực tạo ra nội lực cho nền kinh tế. Nếu dựa vào doanh nghiệp nước ngoài có thể mang lại chỉ tiêu tăng trưởng tốt nhưng tính kết nối, lan tỏa của doanh nghiệp nước ngoài với trong nước chưa cao, do vậy hiệu quả mang lại cho nền kinh tế chưa cao.
Về vấn đề này, Đại biểuTrần Thị Quốc Khánh cho rằng, nhiều năm chúng ta không đạt được các chỉ tiêu kinh tế, nhưng lần này đạt và vượt. Tuy nhiên, không thể ngủ quên với các chỉ tiêu.
“Một số vấn đề cử tri còn băn khoăn như cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, chậm và lúng túng. Ví dụ cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam. Ở đây liệu có phải lợi ích nhóm để mua đất vàng không? Hoặc vấn đề dự án đường giao thông BOT? Cả thế giới làm BOT nhưng sao Việt Nam lại bức xúc như thế? Những vấn đề này Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện đúng tinh thần chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, không để biến tướng”, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh góp ý.