Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư: "Chống nội xâm càng khó hơn, bởi vì tự ta đánh vào ta"

Thùy Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (17/10), đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XIV TP Hà Nội tại đơn vị bầu cử số 1 do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng đoàn đã có buổi tiếp xúc với các cử tri quận Ba Đình.

Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy-Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng. 
Tại đây, ĐB Quốc hội Nguyễn Xuân Anh đại diện cho đoàn đã báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình, nội dung Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV. Các ĐB đã lắng nghe 9 ý kiến phát biểu tâm huyết, bày tỏ nguyện vọng, mong muốn của cử tri trước kỳ họp này, tập trung vào các vấn đề nóng: Ô nhiễm môi trường, xây dựng luật, phòng chống tham nhũng lãng phí, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an toàn giao thông, quản lý quy hoạch…
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh Phạm Hùng 
Đáng chú ý, ông Đặng Tài Tính, đại diện cử tri phường Cống Vị cho rằng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội cần chỉ đạo mạnh mẽ hơn về việc rà soát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Một trong những mục tiêu xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống của Nhân dân, thay đổi bộ mặt nông thôn, song trên thực tế đang để tình trạng nợ quá lớn, một số nơi có những công trình tốn hàng tỷ đồng nhưng không được sử dụng như chợ xã, nhà văn hóa… “Cần làm rõ báo cáo của Bộ NN&PTNT về số nợ đọng xây dựng nông thôn mới đến đầu năm 2016 là hơn 15.000 tủ đồng, trong khi ngành nông nghiệp vẫn để nông dân rơi vào tình trạng “tự do” sản xuất không có sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn. Hậu quả là thiếu quy hoạch về cây trồng, chăn nuôi phù hợp, môi trường ô nhiễm vì dùng quá nhiều hóa chất bón ruộng, trừ sâu, người dân lại phải sử dụng nguồn nước thải quay vòng ngấm xuống đất để ăn uống. Không thể vì bệnh thành tích mà phải cố gắng để có “huyện nông thôn mới”, “tỉnh nông thôn mới”…, trong khi người dân vẫn thiếu ăn”, ông Tín bức xúc nói.

Bên cạnh đó, ông Tín cũng góp ý về những vấn đề liên quan đến một số dự án Luật dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ hai. Về Luật tín ngưỡng tôn giáo, cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo không nên giao cho Bộ Nội vụ hay Bộ VH-TT&DL đảm nhiệm vì thực tế thời gian qua thể hiện những bộ này không thể làm được và không phù hợp. “Dù to hay nhỏ cũng nên có một cơ quan quản lý độc lập vì lĩnh vực này có đặc thù riêng, là lĩnh vực lớn lại rất nhạy cảm”, ông Tín đề xuất. Đồng quan điểm về công tác quản lý các hội, cử tri Trần Công Dân - phường Thành Công cũng đề nghị Nhà nước xem xét rất cụ thể về điều lệ thành lập hội, sao cho việc này không được trái pháp luật và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Cũng đóng góp vào các dự thảo luật và các quyết định của Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, bà Trần Thị Kim Dung - cử tri phường Nguyễn Trung Trực cho rằng, trong Luật về Hội, không nên coi các quỹ xã hội cũng là một hình thức của hội, vì các quỹ xã hội là quỹ của xã hội, không được dùng phục vụ lợi ích của xã hội, còn quỹ của Hội do hội viên đóng góp để phục vụ riêng cho lợi ích của hội mà trực tiếp là các hội viên. Bên cạnh đó, cũng không nên cho phép người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, DN nước ngoài, tổ chức phi Chính phủ nước ngoài được phép thành lập hội tại Việt Nam.
 Cử tri phường Thành Công, quận Ba Đình phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc. ảnh Phạm Hùng
Ông Trương Đức Ngãi - Phường Cống Vị cho rằng: Kỳ họp này Quốc hội sẽ vừa thông qua, vừa xem xét 16 đạo luật, mong rằng các luật của ta ban hành sát với thực tiễn, phù hợp xu thế phát triển của thời đại, đúng với định hướng xây dựng đất nước theo nghị quyết của Đảng. Nhất là, cần tránh tình trạng, nay ban hành luật rồi mai lại sửa, vì nếu luật không ổn định thì tính pháp quyền của nhà nước sẽ giảm, nên rất mong Quốc hội có giải pháp để các luật được thông qua đảm bảo được nhu cầu, mong muốn của người dân. Bên cạnh đó, Quốc hội khóa này cũng cần phát huy tốt hơn vai trò giám sát, nhất là với các cơ quan chính quyền từ T.Ư tới địa phương, để đúng là chính quyền kiến tạo, liêm chính, hành động và thực sự do dân, vì dân; đừng làm dân mất lòng tin. Ngoài ra, cần giám sát công tác tổ chức cán bộ hiện nay để làm sao người có tài có đức được sử dụng xứng đáng, nên có cuộc cách mạng về công tác này để chọn được đúng người làm đúng vị trí, tránh tình trạng “cả họ làm quan”. “Muốn phát huy tốt vai trò của mình, tôi nghĩ các ĐB Quốc hội phải thực sự có “tâm, tầm, trí, trách nhiệm, trung thực” - ai chưa làm được 5 điều này thì cần rèn luyện thêm, không thể từ đầu đến cuối nhiệm kỳ mà một ĐB Quốc hội không có phát biểu nào trên diễn đàn Quốc hội để đóng góp cho đất nước”, ông Ngãi đề nghị.

Lắng nghe các ý kiến của cử tri quận Ba Đình, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng thay mặt lãnh đạo chính quyền TP khẳng định: UBND TP tiếp thu và sẽ chỉ đạo ngay các sở ban ngành, các địa phương, đơn vị lưu ý giải quyết tốt những vấn đề cụ thể mà cử tri đã nêu, với trách nhiệm cao nhất, xung quanh những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của TP.
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các cử tri tại buổi tiếp xúc. ảnh Phạm Hùng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt đoàn ĐB Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 đã chân thành cảm ơn những ý kiến đóng góp rất cụ thể, phong phú, thể hiện tâm huyết của cử tri quận Ba Đình, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề vĩ mô đang gây nhiều quan tâm, tranh luận của dư luận, đề cập cả về một số dự án luật, sẽ giúp cho các ĐB Quốc hội có thêm kiến thức để tham gia thảo luận về các luật của Quốc hội. “Chúng tôi xin tiếp thu và sẽ lưu ý tham khảo trong quá trình thảo luận thông các dự án Luật cũng như các quyết định kết luận của Quốc hội”, đồng chí khẳng định.

Trong vấn đề xây dựng nông thôn mới, Tổng Bí thư cho rằng, về các tiêu chí tới đây cũng phải điều chỉnh, nhất là những vấn đề trừu tượng về xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, về văn hóa… không thể đo đếm được, nên cũng phải làm từng bước rồi rút kinh nghiệm dần. Bên cạnh đó, trước các ý kiến về thực hiện Nghị quyết T.Ư IV về xây dựng đảng, trong đó có vấn đề chống suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống, cán bộ đảng viên “nói phải đi đôi với làm”, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước, Quốc hội, luôn mong muốn thực hiện được như vậy, nhưng giữa quyết tâm và thực tế có những điều rất khó khăn. “Đối ngoại đã khó, chống ngoại xâm đã khó thì nay chống nội xâm càng khó hơn, bởi vì tự ta đánh vào ta, mà có ai tự nhận khuyết điểm, tự ai nhận bị kỷ luật đâu. Đúng là chúng ta làm vẫn chưa được như ta mong muốn, mà việc này vẫn phải làm kiên trì, kiên quyết, vẫn phải bình tĩnh và phải hiểu được điều kiện thực tế”, Tổng Bí thư nói và nhấn mạnh: “Chúng tôi chân thành cảm ơn và mong các cử tri tiếp tục theo dõi hoạt động của cả hệ thống chính trị các cấp để thường xuyên góp ý hàng ngày và qua nhiều kênh, chứ không chỉ tại các buổi tiếp xúc với ĐB Quốc hội”.