Về phía đại biểu TP Hà Nội tham dự tại điểm cầu quận Ba Đình có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương cùng các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội.
Cùng tham gia vận động bầu cử tại Đơn vị bầu cử số 1 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có các ứng cử viên: Ông Nguyễn Trúc Anh - Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội; Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô; bà Nguyễn Thị Hà Tuyên - Phó hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ và ông Vũ Tiến Vượng - Nghiên cứu viên khoa kinh tế và phát triển nông thôn (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Ông Vượng vắng mặt vì có việc gia đình đột xuất, theo thông báo của Ban Tổ chức.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với cử tri. Ảnh: TTXVN |
Cam kết bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhân dân
Sau khi Ban Tổ chức trình bày tiểu sử tóm tắt của người ứng cử, các ứng cử viên lần lượt trình bày chương trình hành động của mình trước cử tri. Điểm chung của các chương trình hành động là các ứng cử viên đều khẳng định nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội sẽ nỗ lực phấn đấu, thường xuyên liên hệ, gắn bó, lắng nghe ý kiến, kiến nghị, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri... Cam kết sẽ không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao kiến thức toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, thiết thực đóng góp cho sự nghiệp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực và chất lượng các hoạt động của Quốc hội, xứng đáng với sự tín nhiệm, tin tưởng, gửi gắm của cử tri.
Trình bày chương trình hành động của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, chương trình hành động ông đã gửi đến Ban Tổ chức, xin không trình bày lại mà dành thời gian để tâm sự với cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
“Tiểu sử của tôi cũng đã gửi đến các bác, các anh, các chị. Quá trình công tác thì các bác, các anh, các chị cũng đã biết, kể cả lời hứa nếu sắp tới trúng đại biểu Quốc hội làm gì, tôi cũng đã có chương trình hành động”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói và xin được tâm sự trong không khí thân tình, xin không nhắc lại chương trình hành động đã gửi bằng văn bản trong không khí thân tình.
Chia sẻ với cử tri về quá trình học tập từ nhỏ và quá trình công tác sau này, Tổng Bí thư cho biết, ông sinh năm 1944, tức là năm Giáp Thân, ở Đông Hội, Từ Sơn, Bắc Ninh, sau này sắp xếp lại thì thuộc huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Theo Tổng Bí thư, năm 1944 là thời điểm đất nước đang khó khăn, năm 1945 (năm Ất Dậu) là năm Cách mạng Tháng 8 thành công rất vĩ đại nhưng cuộc sống vấn còn khó khăn. "Năm 1946 tôi mới 2 tuổi. Mẹ tôi kể lại, gánh tôi một bên thúng ngồi, chị tôi một bên thúng ngồi, bà gánh đi bộ từ Đông Anh lên Thái Nguyên tản cư, ở nhờ nhà người quen từ năm 1946 đến năm 1950. Năm 6 tuổi, tôi hồi cư trở về quê và bắt đầu được đi học. Lúc đó không có trường lớp gì cả, có ông giáo làng dạy cho trẻ con. Đến lên cấp 2, Từ Sơn, Bắc Ninh không có trường học, tôi phải sang học nhờ ở huyện Gia Lâm"- Tổng Bí thư kể. Đồng thời chia sẻ, trong những năm tháng chiến tranh, ông từng xin nhập ngũ để chiến đấu nhưng không được đồng ý cùng với lời giải thích "có người phải đi chiến đấu nhưng cũng phải có người phải ở lại học để khi thắng lợi còn xây dựng đất nước". Sau đó ông vào đại học, ra trường công tác qua nhiều nhiệm vụ khác nhau.
“Tôi vào Đảng từ năm học Đại học, được sự phân công của Đảng, tôi chấp hành thôi. Sau đó tôi được phân về Tạp chí Cộng sản từ năm 1967. Đến năm 1996, được chuyển lên Trung ương, làm công tác tư tưởng, chính trị, nghiên cứu lý luận, phụ trách công tác lý luận của Đảng và làm Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương. Từ năm 1996, được phân công về Hà Nội, làm Phó Bí thư Thành ủy, phụ trách khối Đại học và Cao đẳng đóng trên địa bàn TP Hà Nội. Sau đó, làm Bí thư Thành uỷ Hà Nội từ năm 2000 - 2006; hai khóa làm Chủ tịch Quốc hội; được bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước”- Tổng Bí thư nói.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ứng cử viên tiếp xúc cử tri tại Đơn vị bầu cử số 1 |
Tổng Bí thư cũng chia sẻ: “Tôi năm nay 77 tuổi rồi. Tại họp báo sau Đại hội, tôi đã nói công khai, năm nay tôi đã cao tuổi rồi, sức khoẻ có hạn, tôi xin không ứng cử nhưng Trung ương quyết định, Đại hội bầu, là đảng viên nên tôi phải chấp hành. Lần này được Trung ương giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Hôm rồi tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, tôi cũng đã nói, sở dĩ bản thân có sự trưởng thành như thế này là nhờ sự giúp đỡ của Nhân dân, sự giáo dục của Đảng, sự chia sẻ của tất cả anh em đồng nghiệp. Tôi đã tiếp xúc cử tri nhiều lần ở quận Ba Đình và lắng nghe ý kiến của các bác. Lần này được giới thiệu, nếu được trúng cử đại biểu Quốc hội thì rất vinh dự, tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình, làm những gì đã có trong chương trình hành động” - Tổng Bí thư chia sẻ.
Tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Nếu được trúng đại biểu Quốc hội khóa XV thì đó là vinh dự lớn của tôi. Với kinh nghiệm từng làm Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội, tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để đóng góp vào sự phát triển của Đất nước, tiếp tục và kịp thời giải quyết các kiến nghị của cử tri. Xin cảm ơn cử tri đã liên tục góp ý kiến để đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội và cá nhân tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.”
Đóng góp tâm huyết để đưa đất nước phát triển
Tại hội nghị, ứng cử viên Nguyễn Trúc Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội khẳng định, trên cương vị công tác, sẽ nỗ lực tham mưu, đề xuất rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, công cụ pháp luật nâng cao chất lượng công tác tổ chức lập, phê duyệt và xây dựng quy hoạch đô thị bảo đảm tính khả thi; bảo đảm quy hoạch đi trước một bước, làm cơ sở định hướng quản lý đất đai, đầu tư xây dựng và phát triển đô thị theo quy hoạch, phát huy tối đa các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các quy hoạch xây dựng 1/2.000, 1/5.000 trên địa bàn thành phố...
Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội cam kết, nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, sẽ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị đóng góp, quan tâm của cử tri; kịp thời phản ánh, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những kiến nghị chính đáng mà cử tri đã tin tưởng giao phó.
|
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô trình bày chương trình hành động |
Ứng cử viên Thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, nếu được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khoá XV, cam kết sẽ nỗ lực phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao nhất học tập, tu dưỡng, rèn luyện cùng các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thông qua hệ thống các bộ luật, các nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Xây dựng thế trận lòng dân, nhất là nền quốc phòng toàn dân vững chắc. Đặc biệt, giải quyết các vướng mắc phát sinh từ cở sở đảm bảo gắn với thực tiễn, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tích cực tham gia giám sát, thực thi pháp luật; giám sát các hoạt động của Nhà nước, Chính phủ, chính quyền địa phương để góp phần nâng cao trách nhiệm, hiệu lực hoạt động của Nhà nước.
Bên cạnh đó, thường xuyên bám sát cơ sở, lắng nghe, tiếp thu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân để kiến nghị tới các cơ quan chức năng giải quyết nhanh, đúng luật những vấn đề mà cử tri quan tâm. Nhất là vấn đề mà cử tri Thủ đô đang quan tâm là phòng chống tham nhũng, công tác quản lý đô thị, ô nhiễm môi trường… Hoàn thành tốt nhiệm vụ theo sự phân công của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội và đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Thực hiện hiệu quả công việc theo quy định Điều lệ Đảng, quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của TP và chính quyền địa phương đẩy mạnh việc học tập Luật giáo dục quốc phòng an ninh để nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân đối với tư duy mới, nhận thức mới về bảo vệ Tổ quốc. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang Thủ đô vững mạnh…
Là ứng cử viên nữ, bà Nguyễn Thị Hà Tuyên cho biết, sẽ quan tâm sâu sắc tới xây dựng pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em; chính sách chăm sóc bảo vệ sức khỏe trẻ em, sức khỏe sinh sản; chính sách đối với phụ nữ, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình; chính sách đối với cán bộ nữ, đối tượng người có công, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng để nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong xã hội; quan tâm phát triển và đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức trong nhà trường...
Theo chương trình hành động, ông Vũ Tiến Vượng cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển, xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ông sẽ tham mưu xây dựng các cơ chế chính sách mới nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân. Trong đó, ông sẽ đặt trọng tâm là tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi kêu gọi, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu ngân sách và chuyển một phần lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.
|
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (cử tri phường Vĩnh Phúc) phát biểu tại hội nghị |
Sau khi nghe toàn bộ chương trình hành động của 5 ứng cử viên, cử tri ở cả 3 quận đánh giá cao các chương trình hành động và nêu thêm một số vấn đề các ứng viên cần quan tâm.
Trong đó, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (cử tri phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) kể lại thời gian làm đại biểu Quốc hội, có lần ông nói thẳng cũng lo, nhưng sau vẫn "thoát nạn". Ông nhắn nhủ các ứng viên nếu trúng cử phải biết hy sinh vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì Nhân dân, làm như thế sẽ được dân ủng hộ.
Còn cử tri Nguyễn Thị Ngọc Diễm (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) bày tỏ tin tưởng vào chương trình hành động của Tổng Bí thư. Gia đình Tổng Bí thư sống tại phường Nguyễn Du, bản thân Tổng Bí thư và gia đình gần gũi, cởi mở, có nhiều đóng góp tại cộng đồng. Vì vậy, cử tri này mong muốn Tổng Bí thư và các ứng viên quan tâm đến mục tiêu xây dựng đất nước đến năm 2025, 2030, 2045 mà nghị quyết Đại hội XIII đã nêu và bày tỏ sẽ đồng lòng, chung sức thực hiện mục tiêu đó.
Cử tri Nguyễn Đức Thuận (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) nói khi nhắc đến thành quả phòng chống tham nhũng, cử tri đều nhớ đến vai trò của Tổng Bí thư. "Cử tri chúng tôi đều mong bác Trọng tiếp tục giữ cương vị như hiện nay và điều đó đã thành hiện thực" – cử tri Thuận nói và đề nghị các ứng viên nếu trúng cử cần tiếp tục quan tâm đến bảo vệ chủ quyền, kiểm soát quyền lực, đẩy mạng chống tham nhũng, sửa luật để phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn.
|
Quang cảnh cuộc tiếp xúc cử tri |
Với Hà Nội, cử tri Nguyễn Đức Thuận cho rằng, cần kiểm soát quyền lực tốt hơn để bộ máy vận hành trơn tru, hiệu quả hơn. "Là cử tri tôi tin tưởng cuộc bầu cử sẽ thành công tốt đẹp, mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tôi tin tưởng các đại biểu trúng cử nhiệm kỳ mới là nhân tố mới cùng Đảng, Nhà nước đưa đất nước phát triển phồn vinh" – cử tri Thuận phát biểu.
Cử tri Nguyễn Văn Đoàn (phường Cống Vị, quận Ba Đình) cho rằng, nhiệm kỳ qua còn có sự thật đau lòng là còn có cán bộ đảng viên, đại biểu Quốc hội thiếu gương mẫu, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân. "Hơn lúc nào hết nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đề nghị Quốc hội cần có biện pháp đúng và quyết tâm cao ngăn chặn phòng ngừa sai lệch trong đường lối chính sách, tự diễn biến tự chuyển hoá" – cử tri Đoàn bày tỏ.
Trong khi đó, Vũ Hữu Chương (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) bày tỏ tin tưởng khi nghe tiểu sử và chương trình hành động của các ứng viên. "Người được cử tri tin tưởng tuyệt đối là Tổng Bí thư, tôi rất tin tưởng và tín nhiệm Tổng Bí thư tái cử làm đại biểu Quốc hội khoá XV. Cán bộ cơ sở và Nhân dân phường Nguyễn Du, nơi gia đình Tổng Bí thư sinh sống nhiều lần tiếp xúc đều quý mến Tổng Bí thư vì sự giản dị, chân tình, gần gũi, luôn quan tâm đến các hoạt động của địa phương của Tổng Bí thư" - cử tri Chương phát biểu.
Đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng
Trao đổi sau khi nghe ý kiến cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn cử tri đã đến dự cuộc tiếp xúc. "Chắc các ứng cử viên có chung tâm trạng như tôi, rất vui mừng vì các ý kiến rất đúng đắn, tình cảm, nêu lên những vấn đề lớn của đất nước, của Thủ đô. Đồng thời, mong muốn đất nước và Thủ đô ta sắp tới phát triển mạnh hơn, xứng đáng với vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Điều này cũng phù hợp với ý chí chung, nguyện vọng chung của các vị đại biểu dự Đại hội XIII và đại biểu Quốc hội khoá XIV tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ vừa rồi" - Tổng Bí thư chia sẻ.
|
Quang cảnh tại điểm cầu quận Đống Đa |
Nhắc lại nhận định "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ "Trước kia làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập. Ngày xưa Hà Nội làm gì có cơ ngơi như bây giờ mà nổi tiếng là thành phố xe đạp, xe máy, bây giờ ô tô không có chỗ đỗ. Tôi đã nói trước các nguyên thủ quốc gia là Việt Nam không thua kém ai cả".
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng lưu ý là tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, bởi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến tạp và còn rất nhiều khó khăn trên con đường phát triển đi lên. Chính vì vậy cả hệ thống chính trị cần tiếp tục đồng lòng, đoàn kết, tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh đưa đất nước vượt qua được những khó khăn thách thức.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, để làm được điều này, mỗi đại biểu Quốc hội phải thường xuyên gắn bó với Nhân dân, lắng nghe Nhân dân, giữ mối quan hệ mật thiết với Nhân dân tiếp tục hoàn thiện chương trình hành động của mình để triển khai thực hiện có hiệu quả, đóng góp được nhiều nhất cho đất nước, cho Nhân dân.
Tổng Bí thư cũng bày tỏ hy vọng cuộc bầu cử sắp tới sẽ thực sự thành công, bầu ra đại biểu xứng đáng vào Quốc hội. "Từng đại biểu phải làm tròn trách nhiệm, không được "cua cậy càng, cá cậy vây", phải đoàn kết. Các bác, các anh, các chị nói quá hay, quá đúng, chúng tôi dù có trúng cử hay không cũng phải làm công dân gương mẫu của nước Việt Nam anh hùng, Thủ đô ngàn năm văn hiến" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.