Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng cục Môi trường: Đánh giá Hà Nội ô nhiễm thứ 2 Đông Nam Á là chưa chính xác

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là thông tin được đưa ra trên web của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên& Môi trường) ngày 30/3/2019.

Theo đó, nguồn tin nêu rõ: Trong báo cáo về Hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu của IQAir AirVisual do trang web của Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) dẫn lại so sánh giá trị bụi PM2.5 tại một số TP trong khu vực Đông Nam Á và cho rằng Hà Nội đứng thứ 2 sau Jakarta về mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 trong khu vực. Nhận định này là chưa chính xác, bởi vì trong bảng thống kê, GreenID dẫn ra chỉ có dữ liệu của 20 TP thuộc 4 quốc gia: Thái Lan (14 TP), Indonesia (1 TP); Philippines (3 TP), Việt Nam (2 TP), không có đủ số liệu của 11 quốc gia của khu vực Đông Nam Á để có thể đánh giá, xếp hạng theo như nhận định đã nêu.
Nguồn tin phân tích: Qua so sánh với một số TP khác của châu Á cho thấy, mức độ ô nhiễm của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thấp hơn rất nhiều. Giá trị bụi PM2.5 trung bình năm 2018 tại Hà Nội là 40,8 µg/m3, tại TP Hồ Chí Minh là 26,9 µg/m3, trong khi đó Dhaka - Bangladesh: 97,1 µg/m3; Dehli - Ấn Độ: 113,5 µg/m3; các TP của Trung Quốc như Hòa Điền, Hà Bắc, Từ Châu, Trịnh Châu… dao động từ 65,5 - 116 µg/m3...
Đến nay, ở Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, ô nhiễm không khí chỉ tập trung chủ yếu là ô nhiễm bụi (do hoạt động giao thông, xây dựng... và một số nguồn vận chuyển từ xa đến). Các chất khí khác (NOx, SO2, CO...) đều có giá trị trung bình thấp hơn rất nhiều giới hạn quy chuẩn cho phép. Một số khu vực có xảy ra ô nhiễm NO2 hoặc SO2 nhưng chỉ mang tính cục bộ ở một số thời điểm.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác, ngoài ô nhiễm bụi còn xảy ra tình trạng ô nhiễm NO2, SO2 (do sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp nặng, đun nước nóng, sửa ấm trong mùa đông...) với mức độ khá cao.
“Để xem thông tin trực tuyến và so sánh chất lượng không khí của thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với các TP khác trên thế giới, có thể tham khảo thông tin, số liệu đầy đủ hơn tại trang http://waqi.info/” - Nguồn tin viết.
Trước đó, báo Kinh tế & Đô thị đã có loạt bài viết thông tin đa chiều về chấp lượng không khí Hà Nội với sự tham gia trao đổi của các nhà chuyên môn. Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cũng cho rằng, báo cáo Chất lượng không khí toàn cầu 2018 do AirVisual hợp tác với Greenpeace Đông Nam Á phát hành đánh giá chưa thuyết phục, thiếu luận cứ khoa học.
Theo ông Mai Trọng Thái, hiện nay, gần như các nhận định, đánh giá chỉ dựa trên số liệu tức thời (tại một số thời điểm có giá trị tăng cao bất thường) tại 1 trạm quan trắc không khí tự động thì không thể được xem là trị số đại diện của ngày hôm đó để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Để đánh giá mức độ ô nhiễm của một địa phương vào một ngày cụ thể nào đó, thì phải lấy trị số trung bình đo của 24 giờ liên tục của ngày đó làm đại diện. Đánh giá mức độ ô nhiễm năm thì phải căn cứ vào trị số trung bình đo của cả năm liên tục (365 ngày x 24 giờ đo) làm trị số đại diện.
Theo dự báo diễn biến xu hướng thời tiết, trong thời gian tới, tại Hà Nội vẫn tiếp tục duy trì trạng thái thời tiết thay đổi bất thường, những ngày nóng xen kẽ những ngày giảm nhiệt độ mạnh do các đợt không khí lạnh tràn về, độ ẩm trong không khí cũng thay đổi bất thường sẽ khiến cho tình trạng ô nhiễm bụi PM2.5 tiếp tục diễn ra như những ngày vừa qua. Hiện tượng này sẽ giảm dần khi thời tiết chuyển dần sang mùa hè. (Tổng Cục Môi trường)