Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng hợp thị trường chuyền nhượng mùa Đông: Cánh đồng hoang

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi những tay “cò” của bóng đá Anh cũng phải than vãn về số phận của mình, thì thị trường chuyển nhượng ở đây đúng là đã trở thành một “cánh đồng hoang”.

KTĐT - Khi những tay “cò” của bóng đá Anh cũng phải than vãn về số phận của mình, thì thị trường chuyển nhượng ở đây đúng là đã trở thành một “cánh đồng hoang”.

Vài ngày trước, Athole Still, một tay môi giới khét tiếng của bóng đá Anh (hiện đang là nhà đại diện của Sven-Goran Eriksson) than vãn về kỳ chuyển nhượng mùa Đông năm nay. Ông ta kể rằng mình đã nói chuyện với rất nhiều đồng nghiệp, và ở đâu cũng chỉ nhận thấy sự rầu rĩ. “Giờ này năm ngoái, tổng giá trị giao dịch đã là 80 triệu. Năm nay, con số chỉ khoảng 5 triệu”.

“Đàn cò” đã kêu đói, những kẻ được mệnh danh là tìm cách kiếm lợi bậc thày trong thế giới bóng đá cũng không còn biết xoay sở thế nào trên mảnh đất cằn Premiership nữa.

Cánh đồng trở nên hoang hóa không phải vì người ta không còn muốn đầu tư nữa. Trước kỳ chuyển nhượng, báo chí Anh vẫn còn gieo rắc tin đồn về những thương vụ trị giá hàng chục triệu bảng, CĐV Anh vẫn còn khấp khởi chờ đợi Ribery, Aguero, Villa hay Kjaer. Và thật ra, các CLB cũng rất cần tăng cường nhân sự sau nửa đầu mùa giải “điên rồ”, khi rất nhiều trật tự của Premiership bị đảo lộn hay có nguy cơ đảo lộn.

Nhưng “hạt giống hi vọng” gieo lên đất cằn không thể nảy mầm. Mảnh đất Premiership đã thực sự cằn khô. “Người ta không còn tiền đầu tư nữa”, Still nói. Vẫn có thèm muốn đấy, nhưng từ những “ông lớn” như M.U và Chelsea cho đến những kẻ nhược tiểu như Stoke hay Hull City, đều không có tiền. Trên cánh đồng này, chỉ còn thấy lẩn khuất những bóng ma u ám. Những tin tức đáng chú ý nhất kỳ chuyển nhượng mùa Đông lại là Chelsea muốn cắt giảm quỹ lương, M.U đang chuẩn bị bán Vidic để trả nợ hay Portsmouth có thể trở thành CLB Premiership đầu tiên phá sản.

Một ngày trước khi kỳ chuyển nhượng mùa Đông đóng cửa, người ta mới thấy một bản hợp đồng có chút tiếng tăm được hoàn tất. Đó là việc Younes Kaboul chuyển từ Portsmouth sang Tottenham. Kaboul chẳng phải cầu thủ lớn, nhưng anh có thể sẽ là bản hợp đồng đắt giá nhất kỳ chuyển nhượng này. Và đó cũng chỉ là một thương vụ hoàn toàn miễn cưỡng: Tottenham quá “bí” khi Woodgate chấn thương đến hết mùa giải, còn Portsmouth bán anh để lấy tiền trả nợ lương cầu thủ. Một vụ chuyển nhượng chỉ tô đậm thêm sự u ám của bức tranh Premiership 2009/10. Không thể tìm đâu được sự hào sảng của những ngày cũ nữa. Nếu phải chọn ngôi sao sáng nhất của kỳ chuyển nhượng mùa Đông nước Anh năm nay, hẳn người ta sẽ phải đắn đo giữa Kaboul và... Sol Campbell.

Xin nhắc lại, việc Premiership đìu hiu không hề là do nguyện vọng của các CLB, mà bởi tình hình tài chính của họ đã quá tồi tệ để có thể chi tiêu. Nghĩa là một sự khô cằn bản chất. Nghĩa là sự lạnh lẽo của mùa Đông năm nay hoàn toàn có thể được nối tiếp sang tận mùa Hè. Báo chí Anh vẫn không hề nản chí với thú vui tung tin đồn của mình, với những dự đoán hoành tráng cho mùa Hè. Nhưng làm sao mà Liverpool, Arsenal, M.U có thể trả hàng trăm triệu bảng tiền nợ, làm sao Chelsea có thể từ lỗ thành lãi chỉ trong vài tháng nữa.

Những người Anh nên cảm thấy may mắn. Ở tình cảnh bết bát như vậy, có “nhập siêu”, dù chỉ là chút ít cũng đã là tin mừng. Có thể, mùa Hè này, cánh đồng sẽ còn thêm hoang vắng, khi những ngôi sao sáng nhất của họ có thể bán đi. Ngay từ bây giờ, Real Madrid và Barca đã chuẩn bị sẵn tiền để “rước” Vidic hay Fabregas rồi...

Bạn có biết?

Đấy là cú chuyển nhượng huyền thoại bóng đá Alfredo Di Stefano từ Millonarios (Colombia) sang Real Madrid.

Ban đầu, Di Stefano khoác áo đội River Plate của Argentina. Sau này, ông chuyển sang Millonarios, nhưng đội bóng mới lại có một thỏa thuận với River Plate ở chỗ họ cùng chia sẻ quyền lợi nếu như Di Stefano chuyển nhượng tiếp sang đội bóng khác. Cú chuyển nhượng ấy chỉ có thể trở thành hiện thực nếu cả Millonarios lẫn River Plate đều chấp nhận.

Về sau, Barcelona đạt được thỏa thuận với Millonarios về việc mua lại Di Stefano. Đại diện của Di Stefano là một luật sư có mối quan hệ mật thiết với Millonarios và ông ta cũng biết phải thông báo với River Plate như thế nào. Real ban đầu không biết việc này. Do đã chậm chân, đội bóng được nhà độc tài Franco sủng ái đã ranh mãnh tạo “hiện trường giả” để cho thấy họ cũng đã ký hợp đồng với River Plate. Tranh cãi lớn lập tức xảy ra. Khi sự việc trở nên ầm ĩ thì LĐBĐ TBN và FIFA lại đưa ra các phán quyết trái ngược nhau, thể hiện rằng cả 2 tổ chức ấy đều quan liêu như nhau.

Cuối cùng, vụ này được xử một cách hy hữu: Di Stefano phải luân phiên khoác áo Barcelona và Real Madrid, mỗi đội một mùa. Thật ra, lý lẽ vẫn thuộc về Barcelona nhiều hơn. Họ có quyền phản đối. Nhưng nếu thế, Franco sẽ ra lệnh cho LĐBĐ TBN cấm cầu thủ ngoại thi đấu ở La Liga! Suy tính thiệt hơn, cuối cùng Barcelona chẳng những chấp nhận giải pháp luân phiên sử dụng Di Stefano mà còn nhường hẳn cho kình địch Real ngôi sao này. Cũng có chỗ “xui” cho Barcelona: khi thử chân ở Barcelona thì Di Stefano lại tỏ ra xoàng xĩnh. Sau đó, ông tỏa sáng trong màu áo Real, đi vào huyền thoại với tư cách một trong những cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.