Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng mức bán lẻ ghi nhận sức tăng cao trở lại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tổng mức bán lẻ) đã có tốc độ tăng cao trở lại. Đây là một trong những điểm nhấn và cũng là tín hiệu khả quan trong 2 tháng đầu năm.

Sau khi tăng cao với tốc độ hai chữ số trong suốt một thập kỷ, tổng mức bán lẻ đã tăng thấp hẳn từ 2011 - 2014 với tốc độ tăng bình quân năm bằng chưa được một nửa trong 10 năm trước và thấp hơn cả tốc độ tăng GDP 5,72%/năm. Đây là một trong những yếu tố tác động tới hai mặt. Một mặt là tốc độ tăng CPI từ 2012 -  2014 thấp xuống so với thời kỳ 2001 - 2011 (6,63%/năm so với 9,35%/năm). Mặt khác, với ýý nghĩa tiêu thụ nói chung và tiêu thụ trong nước nói riêng là một trong những động lực của tăng trưởng kinh tế, nên khi tốc độ tăng tổng mức bán lẻ  chậm lại, thì tốc độ tăng GDP của thời kỳ 2012 - 2014 cũng chậm  hơn của thời kỳ 2001 - 2010 (5,72%/năm so với 6,82%/năm).

 
Người tiêu dùng mua hàng ở Hội chợ hàng Việt Nam do Sở Công Thương tổ chức tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Người tiêu dùng mua hàng ở Hội chợ hàng Việt Nam do Sở Công Thương tổ chức tại huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Từ nửa cuối năm 2014, đặc biệt là trong 2 tháng đầu năm 2015, tổng mức bán lẻ đã có 3 điểm đáng chú ý. Rõ nhất là tốc độ tăng tổng mức bán lẻ đã có xu hướng cao lên và 2 tháng đầu năm 2015 đã tăng với tốc độ hai chữ số. Thứ hai là tốc độ tăng tổng mức bán lẻ cao hơn tốc độ tăng GDP. Thứ ba là cao hơn tốc độ tăng tương ứng của 2 tháng cùng kỳ năm trước (6,2%). Đây là một trong những yếu tố góp phần làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng phục hồi. Tăng trưởng công nghiệp 2 tháng đã đạt 12% (tốc độ tăng sau nhiều tháng nay mới đạt được). Đây cũng là tín hiệu khả quan làm cho mục tiêu tăng cao hơn năm trước của năm nay có tính khả thi.

Theo thành phần kinh tế, tổng mức bán lẻ của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất (86,1%) và tăng cao nhất (12,6%) trong 3 loại hình. Khu vực Nhà nước chiếm 10,7%, cao hơn một số tháng trước nhờ một số đô thị lớn, trong đó có Hà Nội, đã mở rộng việc bán hàng bình ổn giá về cả loại hàng, lượng hàng lẫn điểm bán hàng. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, tuy còn chiếm tỷ trọng thấp (3,2%), nhưng có tốc độ tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước (11,4%).

Theo ngành, ngành bán lẻ hàng hóa chiếm tỷ trọng cao nhất (76,2%), phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của dân cư vẫn tập trung cho thương nghiệp thuần túy, cho hàng hóa vật chất, phù hợp với đối tượng tiêu dùng là nông thôn, dân nghèo thành thị có mức sống chưa cao. Ngành lưu trú ăn uống ngoài gia đình bước đầu chiếm tỷ trọng cao hơn (11,8%) và tăng với tốc độ khá cao (12,5%), ngành dịch vụ khác chiếm tỷ trọng khá (11,2%) và tăng với tốc độ cao nhất (16,5%), do trong dân cư, bộ phận trung lưu có thu nhập và sức mua có khả năng thanh toán đã tăng lên. Đây là xu hướng chung của những nước đang phát triển, những khu đô thị phát triển dịch vụ cao hơn sản xuất. Tuy nhiên, 2 tháng Tết năm nay, du lịch chiếm tỷ trọng nhỏ (0,8%) và tăng rất thấp (0,4%). Ngay lượng khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đầu năm nay bị giảm tới 10% so với cùng kỳ năm trước  và giảm ở nhiều nước và vùng lãnh thổ năm trước có lượng khách đến đông, như Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Thái Lan, Nga, Malaysia...

Tuy tổng mức bán lẻ tăng cao trở lại, nhưng do quy mô tiêu dùng đang trong quá trình phát triển từ nhỏ đến lớn dần lên, nên tổng cầu chưa tác động lớn đối với lạm phát. Trái lại, lạm phát trong 2 tháng đầu năm nay đã tiếp tục thấp một cách khác thường (giảm tháng thứ tư liên tiếp tính từ 2 tháng cuối năm trước đến 2 tháng đầu năm nay). Đây lại là yếu tố tác động tiêu cực đối với sản xuất, kinh doanh. Điều đó có thể lý giải tại sao trong 2 tháng đầu năm nay, tuy số DN thành lập mới (1.3766 DN) tăng khá cao (26,6%), số DN quay trở lại hoạt động tăng (4.376 DN, tăng 20,2%) nhưng số DN hoàn tất thủ tục giải thể tăng (2.055 DN, tăng 8,7%), số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động còn lớn và tăng (14.040 DN, tăng 25%). Do vậy, ngoài việc đẩy mạnh đầu tư, tăng xuất khẩu, cần tăng thu nhập có khả năng thanh toán để tăng tiêu thụ trong nước, để tăng tổng cầu, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn.