Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do công ty MDA thực hiện và công bố ngày 29/9 đối với 2.000 người Brazil, trong cuộc bầu cử quan trọng vòng 2, Tổng thống Rousseff sẽ chiến thắng với 47,7% phiếu bầu so với 38,7% phiếu của ứng cử viên đảng Xã hội Brazil (BSD) Marina Silva.
Như vậy, tỷ lệ cách biệt giữa bà Rousseff và cựu Bộ trưởng Môi trường Silva - người thay thế ứng cử viên Eduardo Campos tử nạn trong vụ rơi máy bay trung tuần tháng Tám vừa qua, là 9% so với 1% trong cuộc thăm dò của MDA hồi tuần trước.
Cuộc thăm dò cho thấy trong cuộc bầu cử ngày 5/10 tới, hai ứng cử viên hàng đầu là đương kim Tổng thống Rousseff và cựu Bộ trưởng Môi trường Silva sẽ không nhận được số phiếu bầu quá bán.
Cụ thể, bà Rousseff nhận được 40,4% phiếu bầu, trong khi bà Silva nhận được 25,2% phiếu. Kết quả thăm dò trước đó cho thấy hai ứng cử viên này nhận được lần lượt 36% và 27% phiếu ủng hộ.
Trong khi đó, ứng cử viên Aecio Neves của đảng Dân chủ Xã hội (PDSB) tiếp tục bị tụt lại khá xa so hai ứng viên đầu bảng khi dự kiến chỉ được 19,8% cử tri ủng hộ.
Cũng theo MDA, tỷ lệ cử tri phản đối bà Silva đã tăng lên 42,5% từ mức 29,3% hồi cuối tháng Tám, trong khi tỷ lệ người dân "quay lưng" với Tổng thống Rousseff cũng giảm 4% xuống còn 41%.
Theo giới phân tích, đương kim Tổng thống Rousseff có thể sẽ tiếp tục giành lợi thế trước đối thủ Silva với cách biệt sít sao. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Môi trường Silva có thể đảo ngược tình thế trong cuộc bầu cử vòng 2, khi hình thức vận động cử tri qua truyền hình và đài phát thanh bắt đầu phát huy tác dụng. Ứng cử viên này dự kiến cũng sẽ nhận được phiếu bầu của nhóm cử tri phản đối ông Neves.
Cuộc bầu cử tổng thống Brazil sẽ diễn ra vào ngày 5/10 tới. Tuy nhiên, giới phân tích dự đoán sẽ không có ứng cử viên nào giành được số phiếu bầu quá bán và nhiều khả năng sẽ phải tổ chức bầu cử vòng hai dự kiến diễn ra ngày 26/10.
Bà Rouseff, 66 tuổi, nhậm chức năm 2011 và trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Brazil. Ở thời điểm cuối năm 2012, bà từng nhận được tỷ lệ ủng hộ cao kỷ lục 78%, nhưng làn sóng biểu tình hồi tháng 6-7/2013 đã khiến uy tín của bà và Chính phủ Brazil sụt giảm xuống mức tồi tệ 30%.
Nhà lãnh đạo Brazil bị chỉ trích về cách điều hành kinh tế kém hiệu quả so với người tiền nhiệm Lula da Silva. Hiện nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ và lớn thứ 6 thế giới này được dự báo tăng trưởng khiêm tốn ở mức 1% trong năm nay, trong khi lạm phát gần vượt mức trần 6,5%.
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. (Nguồn: AFP/TTXVN)
|