Tổng thống Morales cày tịch điền (nguồn: ABI)
Tổng thống Bolivia Evo Morales vừa “xuống đồng” khởi đầu vụ gieo trồng trong khuôn khổ chiến dịch quảng bá sản xuất diêm mạch trong cương vị “đại sứ” của Liên hợp quốc.
Phát biểu nhân dịp này, Tổng thống Morales cho biết Bolivia sẽ tăng cường công nghiệp hóa sản xuất diêm mạch, được đánh giá là “hạt vàng” tại vùng Andes.
Diêm mạch có tên khoa học là chenopodium quinoa và được người dân vùng Andes gọi với cái tên khác nhau như quínoa, quinua, hoặc kinwa. Nó được sử dụng làm lương thực từ cách đây 5.000 năm, nhưng mới trở thành sản phẩm được giao dịch khối lượng lớn trên thị trường quốc tế hơn 10 năm trở lại đây, sau khi thế giới phát hiện những đặc điểm dinh dưỡng nổi trội của loại hạt này.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Bolivia, diêm mạch có lượng protein và chất xơ cao hơn so với gạo, ngô, lúa mỳ và lúa mạch và ít hyđrat-cacbon hơn so với tất cả các hạt này. Ngoài ra, so với các hạt lương thực khác, nó có nhiều hơn 10 loại axít amin.
Diêm mạch được đánh giá là một trong những lương thực cân bằng và đầy đủ nhất trên thế giới nên được Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) chọn làm đồ ăn cho các nhà phi hành vũ trụ.
Từ thời cổ đại, diêm mạch còn được sử dụng như một loại thuốc, để điều trị apxe, xuất huyết, sai khớp. Do có giàu magiê, nó còn được dùng để chữa chứng lo âu, tiểu đường, loãng xương và đau đầu.
Tại Bolivia, diêm mạch được trồng chủ yếu tại các bang Oruro và Potosí thuộc vùng Andes, trên diện tích 95.000 ha.
Khoảng 70% sản lượng diêm mạch của Bolivia được xuất khẩu, với thị trường truyền thống là châu Âu và Mỹ, nhưng trong thời gian gần đây đã được mở rộng sang châu Á và khu vực Trung Đông.
Tháng 7/2011, Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã thông qua đề nghị của Bolivia tuyên bố năm 2013 là Năm quốc tế của cây diêm mạch, nhằm ghi nhận tầm quan trọng của loại cây lương thực sinh trưởng tại vùng núi Andes của Nam Mỹ này. Tháng 12 năm ngoái Liên hợp quốc đã phê chuẩn đề xuất trên.
Tháng 6 năm nay, FAO đã chỉ định Tổng thống Morales là “Đại sứ của hạt diêm mạch” để thúc đẩy gieo trồng loại hạt “giả ngũ cốc” này như là một công cụ chống đói nghèo trên thế giới.
Theo dự kiến ban đầu, Liên hợp quốc tổ chức phát động chính thức “Năm quốc tế sản xuất diêm mạch” tại New York trong tháng 10 vừa qua, nhưng đã phải hoãn do cơn bão Sandy.
Tổng thống Morales cho biết lễ phát động có thể sẽ được tổ chức vào tháng Một tới./.