Trong 2 nhiệm kỳ cầm quyền, ông Obama tỏ ra rất chuộng hình thức ngoại giao là tổ chức gặp gỡ cấp cao giữa Mỹ với những nhóm nước trên thế giới tại Mỹ như với các nước châu Phi, các nước vùng Vịnh, các nước ASEAN, và vừa qua là với 5 nước Bắc Âu (Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Iceland). Không phải tất cả 5 nước này đều là thành viên của NATO và EU nhưng đều có lo ngại chung về đường lối chính sách đối ngoại và an ninh của ông Obama. Họ lo ngại ông Obama giảm bớt sự can dự của Mỹ vào chuyện chính trị an ninh ở châu Âu trong khi hiểu biết rất rõ rằng châu Âu không thể tự giải quyết được những vấn đề chính trị an ninh của châu lục. Không có Mỹ, EU và NATO không phải là đối thủ chính trị và quân sự, an ninh của Nga.
Cũng chính trong thời gian ông Obama cầm quyền, ở châu Âu đã xảy ra những chuyện tày đình làm thay đổi cơ bản tình hình chính trị an ninh và cục diện quan hệ quốc tế trên châu lục. Mỹ ở xa, trong khi Nga ở gần và vì những gì xảy ra ở Ukraine mà quan hệ giữa Mỹ, EU, NATO với Nga đã trở nên không khác gì nhiều thời chiến tranh lạnh. Các nước Bắc Âu thuộc diện bị tác động trực tiếp từ mối quan hệ chẳng được hài hòa và thân thiện nữa giữa Mỹ, EU, NATO và Nga. Ông Obama dùng cuộc gặp cấp cao đặc biệt này để trấn an tâm thần các đồng minh và đối tác. Ngoài với nước Anh vốn có mối quan hệ đồng minh chiến lược truyền thống và đặc biệt, Mỹ dường như không có sự phân loại các nước ở châu Âu để xác định dành cho mức độ ưu tiên quan hệ thích hợp. Với các nước ở khu vực Trung, Đông và Nam Âu, Mỹ đã trấn an tâm thần họ trước nguy cơ an ninh từ phía Nga bằng nhiều hình thức khác nhau như phối hợp tập trận chung, tăng cường hiện diện quân sự, xây dựng thêm căn cứ quân sự mới và gần đây nhất là hệ thống phòng thủ tên lửa mới đặt trên lãnh thổ Rumani và Ba Lan. Mỹ đang nỗ lực xua tan lo ngại của các nước Bắc Âu về mối đe dọa an ninh từ Nga. Cuộc gặp cấp cao này được tổ chức để phía Mỹ khẳng định trực tiếp cam kết ấy, để nói ra rằng Mỹ đứng về phía các nước này trong đối phó với Nga, đứng về phía EU và NATO trong việc giải quyết vấn đề Ukraine. Khi ở Bắc Âu, Mỹ và NATO chưa làm được gì để biểu hiện cụ thể như họ đã làm với các nước ở Trung, Đông và Nam Âu thì cam kết chính trị như thế của Mỹ lại càng thêm quan trọng đối với các nước trong khu vực. Người kế nhiệm ông Obama rồi đây có thể theo đuổi quan điểm chính sách riêng, nhưng nếu có khác thì cũng chỉ ở cách thức thực hiện, chứ không phải ở định hướng.
Tổng thống Mỹ Barack Obama |