Chống khủng bố, cụ thể là chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và những lực lượng Hồi giáo cực đoan, vấn đề Syria, cuộc chiến tranh và nội chiến ở Yemen cũng như quan hệ với Iran là những chủ đề nội dung trên chương trình nghị sự. Nhưng thực chất ở phía sau đó là dàn xếp chuyện quan hệ giữa Mỹ với những vương triều Ả Rập tại khu vực này.
Mối quan hệ ấy hiện không được tốt đẹp, suôn sẻ và tin cậy, khác biệt hẳn so với ở thời người tiền nhiệm của ông Obama. Từ khi Tổng thống Obama lên cầm quyền ở Mỹ năm 2009 đến nay, Ả Rập Saudi và những vương triều Ả Rập khác ở vùng Vịnh không được chính quyền Mỹ dành cho sự coi trọng và ưu tiên chiến lược như trước. Ông Obama dùng chuyến công du chắc là cuối cùng này - vì không còn nhiều thời gian cầm quyền nữa ở Mỹ - để xoa dịu những nghi ngại của các đối tác chiến lược kia, để khẳng định họ vẫn vô cùng quan trọng về chiến lược hiện tại cũng như lâu dài đối với Mỹ.
Sự quả quyết này của ông Obama có thể làm cho Ả Rập Saudi và các thành viên khác của tổ chức Hội đồng hợp tác vùng Vịnh nguôi ngoai bớt nghi hoặc và lo ngại, thậm chí có thể tạm hài lòng chứ chưa thể thực sự bằng lòng. Nguyên do là trên thực tế hai phía hiện đang theo đuổi những lợi ích chiến lược rất khác nhau, thậm chí còn cả đối nghịch nhau. Trong cả việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran lẫn quan hệ giữa Mỹ và Iran, trong quan điểm chính sách đối với chính thể của tổng thống Assad ở Syria lẫn cuộc chiến tranh mà Ả rập Xê út cùng đồng minh đã phát động ở Yemen, Ả Rập Saudi và đồng minh đều không được Mỹ đồng hành. Thôi thì giờ vớt vát được bao nhiêu sẽ có lợi bấy nhiêu về chính trị và tâm lý bấy nhiêu đối với cả hai phía.