Tổng thống Putin nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của việc Nga sáp nhập Crimea

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/3, Tổng thống Vladimir Putin gọi quyết định tái thống nhất bán đảo Crimea là sự kiện lịch sử báo hiệu nước Nga đang mạnh lên.

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình Rossiya-1 hôm Chủ nhật (21/3), Tổng thống Putin nêu rõ rằng việc Nga khôi phục trở thành một nhà nước tập trung duy nhất và là cột mốc quan trọng trong 2 thập kỷ qua.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass
Tổng thống Putin cũng tuyên bố việc Crimea thống nhất với Nga là một sự kiện lịch sử báo hiệu rằng Nhà nước đang tăng cường sức mạnh. “Đối với việc Crimea và Sevastopol trở về bến cảng quê hương chắc chắn là sự kiện đầy kịch tính và mang tính lịch sử, không hề cường điệu. Đây là kết quả chứng tỏ nhà nước của chúng ta đang mạnh lên”, ông Putin khẳng định.
Theo người đứng đầu Điện Kremlin, vào cuối những năm 1990, Moscow đã tiến đến "một ranh giới rất nguy hiểm" quá sức tưởng tượng. Tuy nhiên, "nhờ sự kiên nhẫn, can đảm và làm việc chăm chỉ của người dân", nước Nga đã có thể vượt qua những khó khăn, bảo tồn, khôi phục đất nước và sau đó khôi phục nền kinh tế.
Theo Tổng thống Nga, các chỉ số kinh tế trong 20 năm trước cũng khác biệt đáng kể so với hiện tại. “Đây là điều quan trọng nhất đã được thực hiện, đạt cả thành tựu về kinh tế và xã hội, tăng phúc lợi cho người dân” - ông Putin cho hay.
Trước đó, hồi tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, các nước Phương Tây sẽ không bao giờ thay đổi được tình hình thực tế Crimea đã trở thành một phần của nước Nga.
Bộ trưởng Lavrov cũng cam kết rằng cơ quan ngoại giao Nga sẽ tiếp tục "nỗ lực để làm cho các đối tác nước ngoài của Moscow hiểu rõ việc Crimea sáp nhập vào Nga là hoàn toàn hợp lý, giúp người dân Crimea được trở về với quê hương của họ”.
Sau cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014 tại Crimea, Nga đã sáp nhập bán đảo vào lãnh thổ. Vào thời điểm đó, 96,7% người Crimea đã chọn tách rời khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Nga khẳng định việc sáp nhập Crimea tuân thủ luật pháp quốc tế và hiến chương Liêp hợp quốc, dựa trên nguyện vọng của người dân Crimea. Trong khi đó chính quyền Ukraine và một số nước phương Tây không công nhận việc sáp nhập.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần