“Tốt nghiệp ODA”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với một nước ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển, ODA có 2 tác dụng tích cực. Một là lấp được khoảng thiếu hụt vốn để đầu tư.

Do nhu cầu đầu tư xây dựng hạ tầng rất lớn nhưng tiết kiệm trong nước còn nhỏ vì thu nhập đầu người còn thấp, nên các nước này phải đối mặt với khoảng chêch lệch giữa đầu tư và tiết kiệm. Thứ hai là lấp được khoảng thiếu hụt ngoại tệ vì khả năng xuất khẩu còn nhỏ nhưng nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư để đầu tư lớn. Là nguồn cung cấp ngoại tệ, ODA do đó yểm trợ mặt nhập khẩu để xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Qua hơn 20 năm, Việt Nam thu hút khoảng 78 tỷ USD vốn ODA, bình quân 3 tỷ USD/năm. Chính phủ đã rất nỗ lực và kết quả nguồn vốn này đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chương trình, dự án đạt chất lượng tốt.

Tuy nhiên, thực tế đã phát sinh nhiều bất cập, thậm chí đã có không ít vi phạm gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong một số dự án sử dụng nguồn vốn ODA gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình, làm mất uy tín của Việt Nam đối với nhà tài trợ. Đây cũng đang là đề tài được nhiều đại biểu đề cập đến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII. ODA phần lớn là tiền vay mượn. Trừ những khoản ODA dành cho giáo dục, y tế, văn hóa (chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ) là không hoàn lại, còn ODA dùng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế như sân bay, bến cảng, đường sá… là tiền vay sẽ phải hoàn lại trong tương lai. Đơn cử, trong tổng kim ngạch ODA của Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam từ năm 1992 đến cuối năm 2011 (hơn 2.000 tỷ yen), 80% là tiền cho vay.

Vì lãi suất thấp hơn trên thị trường và sẽ trả lại trong thời hạn rất dài nên ODA được xem là viện trợ, hỗ trợ. Như vậy, nếu ODA không được sử dụng hiệu quả, không thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội thì việc vay mượn ODA sẽ có tác dụng ngược. Chính vì thế, đã đến lúc Việt Nam cần đặt ra kế hoạch giảm vay vốn ODA. Không kể thời kỳ nhận viện trợ từ Liên Xô cũ và các nước Đông Âu, Việt Nam cũng đã nhận ODA hơn 20 năm, bây giờ là lúc cần nghĩ đến việc giảm và tiến tới "tốt nghiệp ODA" trong 15 - 20 năm tới. Có như vậy, đồng vốn trong nước và vốn ODA mới được quan tâm sử dụng hiệu quả. Việc phụ thuộc lâu dài vào ODA phải được xem như là sự thất bại của chiến lược phát triển.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần