Đó là thông tin mà ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam (TMV) đưa ra tại cuộc họp báo chiều tối 2/4 về kế hoạch hoạt động của công ty này trong năm 2015. Hiện tại, TMV là nhà sản xuất, lắp ráp ô tô lớn thứ hai về doanh số tại Việt Nam (sau Trường Hải) và đứng đầu về xe du lịch, với doanh số năm 2014 đạt hơn 41.000 xe.
Toyota Việt Nam đang cân nhắc việc tiếp tục sản xuất hay chuyển toàn bộ sang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. |
Theo ông Maruta, ngành sản xuất xe hơi rất quan trọng với Việt Nam nhưng khó nhất là lịch sử ngành xe hơi của Việt Nam quá ngắn và hầu như chưa có sự phát triển gì đáng kể, trong đó đặc biệt là sản xuất linh kiện phụ tùng. Chỉ khi các nhà sản xuất tập hợp được các nhà sản xuất linh kiện nội địa thì mới giảm được giá xe. “Trong khi Việt Nam chưa có nhiều nhà sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô thì chi phí nhập khẩu, vận chuyển từ Thái Lan hay Indonesia về Việt Nam rất tốn kém. Nói một cách hơi quá thì nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan vào Việt Nam còn rẻ hơn lắp ráp” – ông Yoshihisa Maruta nói –“ Tất cả chúng ta đều hình dung nhập xe nguyên chiếc về bán sẽ rẻ hơn là nhập linh kiện, rồi gỡ ra rồi lại lắp lại. Vì thế việc thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm xuống 0% vào năm 2018 là một vấn đề lớn. Trong VAMA, TMV cũng như các nhà sản xuất khác cũng đối mặt với vấn đề tương tự, sắp phải quyết định tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu ”. Ông Maruta nhấn mạnh, để sản xuất một mẫu xe thì cần thời gian chuẩn bị 3 năm nên quyết định đưa ra vào thời điểm này sẽ quyết định đến bức tranh chung của thị trường ô tô Việt Nam vào năm 2018. Vì thế, Toyota Việt Nam cũng như các nhà sản xuất khác đang hy vọng và trông chờ vào những chính sách cụ thể để chiến lược tổng thể về phát triển công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được được Chính phủ thông qua năm ngoái. “Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô không đưa ra kế hoạch cụ thể là sẽ làm gì nên chúng tôi không hiểu sẽ cần phải làm gì. Vì thế, để trả lời câu hỏi “Toyota có tiếp tục sản xuất hay không?” thì chúng tôi cần đợi chính sách cụ thể được ban hành dựa trên chiến lược tổng thể đó. Nếu các cơ quan chức năng không có động thái cụ thể thì tất cả các nhà sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn ”- ông Yoshihisa Maruta vừa chia sẻ, vừa cảnh báo. Vào những ngày cuối cùng của năm 2014, Bộ Tài chính đã công bố Thông tư số 165/2014/TT-BTC ban hành ngày 14/11/2014 và có hiệu lực từ 1/1/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018. Theo đó, khoảng hơn 90% trong tổng số gần 10.000 nhóm mặt hàng thuộc diện được áp dụng mức thuế nhập khẩu 0% từ khu vực ASEAN ngay từ năm 2015. Còn lại 7% nhóm mặt hàng còn lại thuộc diện linh hoạt, được áp dụng mức thuế nhập khẩu giảm có lộ trình xuống 0% vào năm 2018, trong đó có thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc. Cụ thể, mặt hàng ô tô nguyên chiếc chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên (nhóm hàng 8702), dưới 10 chỗ ngồi (nhóm hàng 8703) từ khu vực ASEAN có chung mức thuế suất thuế nhập khẩu 50% năm 2015, giảm xuống 40% năm 2016, giảm tiếp xuống 30% năm 2017, và giảm xuống 0% vào năm 2018. Một số mặt hàng ô tô đặc biệt như xe ô tô phục vụ sân golf, xe ô tô đua nhỏ dung tích dưới 1.000 cc, xe tải, xe bán tải … (nhóm hàng 8704) có mức thuế suất thuế nhập khẩu 5% áp dụng ổn định trong các năm 2015 đến 2017 rồi giảm xuống 0% vào năm 2018. Các mẫu xe đặc biệt như xe tang, xe chở tù, xe cứu thương…(xe chuyên dụng, nhóm hàng 8705) vẫn duy trì mức 0% trong suốt giai đoạn 2015-2018.