TP Hồ Chí Minh: Bất thường với nhiều chữ ký giống nhau khi nhận tiền hỗ trợ đợt 3

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến vụ việc hơn 700 người “nhận nhầm” gói hỗ trợ đợt 3 cho người khó khăn bởi dịch Covid-19 tại Hóc Môn, từ đầu tháng 11, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra công tác chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn tại 22 quận, huyện và TP Thủ Ðức.

Đăng ký vô tội vạ

Ngày 25/10, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) Lê Thụy Mỵ Châu cho biết, qua rà soát, đối chiếu trên hệ thống dữ liệu riêng của huyện này đã phát hiện 713 trường hợp kê khai không chính xác khi nhận tiền hỗ trợ đợt 3.

"Có trường hợp vi phạm là kê khai không trung thực hai nơi ở để nhận hỗ trợ 2 lần, dùng CMND khai báo ở nơi này nhưng dùng CCCD khai báo ở nơi khác để phần mềm không phát hiện và nhận hỗ trợ khi vẫn đang hưởng lương", bà Châu thông tin.

Chính từ bất cập xảy tại huyện Hóc Môn, UBND TP Hồ Chí Minh mới quyết định tổ chức 3 đoàn kiểm tra công tác chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn tại 22 quận, huyện, TP Thủ Ðức. Theo đó, từ ngày 1/11 đến 15/11, các đoàn sẽ triển khai kiểm tra. Từ ngày 16/11 đến 20/11, các đoàn sẽ tổng hợp báo cáo cho UBND TP. Đến ngày 23/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) sẽ tham mưu cho UBND TP trình HĐND TP.
 Người dân Phường 13, quận Gò Vấp vui mừng nhận tiền hỗ trợ đợt 3. Ảnh: Thành ủy TP Hồ Chí Minh 
Cụ thể, ngày 2/11, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đã chủ trì kiểm tra công tác chi hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn tại quận Phú Nhuận và quận 1. Ðây là 2 quận mở đầu đợt tổng kiểm tra việc chi các gói hỗ trợ đợt 3.
Tại quận Phú Nhuận, số nhân khẩu thực tế là hơn 168.000 người. Ðợt 1 quận Phú Nhuận đã hỗ trợ 4,52% với khoảng 7.600 người. Ðợt 2 hỗ trợ 14,7% gồm 10.700 lao động tự do và gần 13.000 hộ nghèo, cận nghèo, hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ðợt 3 hỗ trợ 68% với 120.200 người. Lãnh đạo quận Phú Nhuận cho hay công tác chi hỗ trợ cho người dân gặp không ít khó khăn và áp lực. Nhiều trường hợp tổ dân phố lập danh sách đưa lên vẫn phải bình xét lại.
Báo cáo với đoàn kiểm tra của UBND TP Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Thị Kiều Nhi cho biết, với tiêu chí hỗ trợ người dân mất thu nhập, không có việc làm, có hoàn cảnh thực sự khó khăn, các tổ dân phố đã gặp rất nhiều áp lực. Quận Phú Nhuận có không ít chung cư cao cấp nhưng cư dân yêu cầu hỗ trợ rất nhiều. Có nhiều người làm kinh doanh, tiếp viên hàng không... cũng nói đang gặp rất khó khăn.
“Nhiều trường hợp tổ dân phố lập danh sách đưa lên phường vẫn phải bình xét lại. Trong đợt 3, quận Phú Nhuận đã ngưng chi trả cho hơn 5.000 trường hợp đã được lập danh sách nhưng sau đó phát hiện người đăng ký vẫn đang hưởng lương hưu hoặc đã nhận hỗ trợ ở nơi khác...” - bà Nguyễn Thị Kiều Nhi nói.
Tương tự tại quận 1, địa phương này chi hỗ trợ đợt 1 cho 9.508/9.706 người lao động tự do được duyệt hỗ trợ. Ðợt 2 quận đã chi cho 15.266/17.011 người lao động tự do được duyệt hỗ trợ; 342/345 hộ nghèo, hộ cận nghèo; 11.926/13.431 hộ có hoàn cảnh khó khăn. Ðợt 3 quận đã chi hỗ trợ cho 92.849/96.130 trường hợp thật sự khó khăn. Ðối với số người dân chưa nhận hỗ trợ, hiện không có mặt tại địa phương, quận đề nghị giữ lại đến cuối năm 2021, nếu người dân không đến nhận sẽ hoàn trả ngân sách.
Trong khi đó, đại diện quận 12 cho biết, đã tạm ứng nhiều nguồn, trong đó có nguồn chi lương cho cán bộ nhân viên để chi hỗ trợ cho người dân trong khi chờ TP bổ sung kinh phí.
"Tính chung cho công tác an sinh, chi hỗ trợ cho người dân, quận 12 cần hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó riêng gói hỗ trợ thứ 3, quận cần chi 691 tỷ đồng cho khoảng 691.000 người. Tuy nhiên tính cả 3 đợt hỗ trợ, thành phố mới cấp cho quận 12 hơn 460 tỷ đồng, quận 12 đã ứng trước hơn 460 tỷ từ ngân sách quận, đến nay còn khoảng 80.000 người trong danh sách phê duyệt chưa bố trí được kinh phí để chi" - Phó Chủ tịch UBND quận 12 Võ Thị Chính cho hay.
Danh sách ký nhận không rõ ràng
Ngày 5/11, tại quận Tân Bình, báo cáo đoàn kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình Lê Thị Thu Sương cho biết, địa phương đã chi gần 30 tỷ đồng cho 19.986 lao động tự do là đối tượng thuộc gói hỗ trợ đợt 1 (tỷ lệ thực hiện 100%). Đợt 2, quận Tân Bình đã chi hơn 74 tỷ đồng cho 34.548 người có hoàn cảnh thật sự khó khăn (tỷ lệ thực hiện 99,66%) và hơn 95 tỷ đồng cho 63.574 hộ nghèo, cận nghèo và hộ lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (tỷ lệ 100%). Đợt 3, địa phương đã chi 305,996 tỷ đồng cho 305.996 người có hoàn cảnh thật sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh (tỷ lệ 95,15%).
Theo đó, ở đợt chi hỗ trợ 3, quận Tân Bình còn 15.759 người (gần 5%) chưa được nhận hỗ trợ so với danh sách đã được UBND quận phê duyệt.
“Trong gần 5% trên còn bao gồm những người không có mặt tại địa phương, người đi cách ly điều trị bệnh” - Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình nói và kiến nghị hướng xử lý là được tiếp tục chi đến hết 2 ngày cuối tuần (ngày 6 và 7/11), sau đó sẽ lập danh sách cụ thể từng nhóm đối tượng báo cáo về Sở LĐ-TB&XH để trình UBND TP.
Đối với lao động tự do về quê nên chưa nhận hỗ trợ đợt 1, 2, quận dự kiến giữ lại danh sách để tiếp tục chi khi người dân trở lại địa phương đến hết ngày 30/12. Sau đó sẽ quyết toán và báo cáo để xin ý kiến chỉ đạo tiếp theo của UBND TP.
Cũng tại buổi làm việc nói trên, đại diện đoàn kiểm tra đã chất vấn một số phường về việc danh sách ký nhận các gói hỗ trợ xuất hiện loạt chữ ký giống nhau, thậm chí nhiều trường hợp người nhận tiền không ký mà chỉ… đánh dấu cộng. Cụ thể, trong danh sách ký nhận của phường 13 xuất hiện một loạt chữ ký giống nhau; một số danh sách của phường 1 không có chữ ký của người nhận tiền mà chỉ đánh dấu cộng.
Trả lời đoàn kiểm tra, đại diện UBND phường 13 lý giải nguyên nhân có loạt chữ ký giống nhau trong danh sách ký nhận hỗ trợ do những trường hợp được nhận hỗ trợ đang nhập viện hoặc đang ở khu phong tỏa. Có trường hợp phụ nữ đang nhập viện để sinh con… nên người nhà ký thay.
Về việc không ký mà chỉ “làm dấu” trong danh sách ký nhận, đại diện UBND phường 1 cho biết nguyên nhân là do nhiều đối tượng nhận hỗ trợ không biết chữ hoặc đang đi cách ly nên được người nhà nhận thay.
Đánh giá về những bất thường trong việc chi tiền hỗ trợ người dân khó khăn vì Covid-19 ở TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Văn Lâm cho rằng, với những danh sách ký nhận chưa rõ ràng địa phương phải làm văn bản chứ không phải lăn tay, viết thêm vào là đủ. Các phường liên quan cần xác minh, lập hồ sơ về những trường hợp ký thay, nhận thay để bổ sung vào hồ sơ về các gói hỗ trợ của quận. Địa phương phải thành lập đoàn công tác có cảnh sát khu vực, tổ dân phố, đại diện UBND phường xuống các hộ chưa ký, ký thay để xác minh, lập biên bản để làm rõ.
“Việc ký thay cũng phải lập hồ sơ. Quy định không cấm ký thay nhưng phải xác minh người ký là ai. Đề nghị Trưởng phòng LĐTB&XH quận Tân Bình làm việc với các địa phương có hồ sơ như vậy, tổ chức thực hiện và báo cáo lại. Mặt trận, các đoàn thể, UBND quận phải kiên quyết thu hồi những trường hợp chi sai đối tượng và xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu trục lợi chính sách”, ông Nguyễn Văn Lâm yêu cầu.
Liên quan đến 15.759 người chưa nhận được hỗ trợ đợt 3, lãnh đạo Sở LĐTB&XH yêu cầu địa phương phải gấp rút hoàn tất vì đã trễ hẹn so với chỉ đạo chung của TP. Ông Lâm cũng nhấn mạnh, quận Tân Bình cần lưu ý, đối tượng trong đợt hỗ trợ này là người có hoàn cảnh thật sự khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tức những người gặp khó khăn trong đợt phong tỏa vì dịch bệnh.
Trước đó, Sở LĐTB&XH đã thông tin về việc kéo dài gói hỗ trợ đợt 3 đến ngày 31/10 đối với hầu hết các quận, huyện. Riêng các quận, huyện có số người nhận hỗ trợ đông là Bình Tân, Bình Chánh, quận 12 được kéo dài chi trả đến ngày 7/11.
Tuy nhiên, tính đến ngày 8/11, toàn TP có khoảng 6,104 triệu người đã nhận hỗ trợ đợt 3, tức còn khoảng 1,42 triệu người/7,527 triệu người chưa nhận được. Các quận, huyện có tỉ lệ chi hỗ trợ thấp như Bình Chánh (41,1%), Bình Tân (50,8%), quận 6 và quận 7 (80%), quận 12 (82%)…