TP Hồ Chí Minh cần hơn 900.000 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ở TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2030, sơ bộ nhu cầu vốn trong 10 năm tới là hơn 900.000 tỷ đồng.

Chiều 30/6, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã trình UBND TP dự thảo Đề án "Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021 - 2030". Theo đó, dự thảo đề ra các giải pháp mang tính đột phá nhằm phát triển giao thông, kéo giảm ùn tắc và tai nạn.
 TP Hồ Chí Minh cần hơn 900.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông trong 10 năm tới
Trong đó, Sở Giao thông Vận tải xác định, nhu cầu vốn để đầu tư cho hạ tầng giao thông TP trong 10 năm tới là 904.293 tỷ đồng, gồm hơn 438.000 tỷ từ vốn ngân sách, còn lại các nguồn vốn khác (trung ương, xã hội hóa, ODA...).
Theo đề án, trong 5 năm tới TP cần thực hiện các dự án đường bộ gồm 3 tuyến cao tốc: TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (xây dựng mới); TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (mở rộng); tập trung các tuyến quốc lộ: 1, 13, 22, 50; tập trung các dự án xây dựng tuyến vành đai 2 và vành đai 3.
Ngoài ra, TP cũng đầu tư 7 đường trục chính đô thị gồm đoạn ngã tư Bảy Hiền - Âu Cơ (Âu Cơ giao với Thoại Ngọc Hầu); đoạn từ nút giao Thoại Ngọc Hầu - Vành đai trong đến nút giao Vành đai trong - đường số 29; đoạn từ kinh Dương Vương (khu vực đường Đỗ Năng Tế) đến Nguyễn Văn Linh; đường song song quốc lộ 50; đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; cầu đường Nguyễn Khoái và cầu đường Bình Tiên...
Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất đầu tư 6 nút giao thông trong giai đoạn 2020 - 2025 gồm: An Phú, Mỹ Thủy, Gò Dưa, Linh Xuân, ngã tư Bốn xã và nút giao ngã sáu Công trường Dân Chủ. Đến năm 2025 - 2030 tập trung đầu tư thêm nút giao quốc lộ 1A - đường Vườn Lài.
Đầu tư 5 tuyến đường trên cao trong giai đoạn 2020 - 2030, gồm tuyến số 1 dài khoảng 9,5km, tuyến số 2 dài khoảng 11,8km, tuyến số 3 dài khoảng 8,1km, tuyến số 4 dài khoảng 7,3km và tuyến số 5 dài khoảng 34km.
Đồng thời, 4 cây cầu có quy mô lớn vượt sông cũng được xây dựng, gồm cầu Thủ Thiêm 3 (nối quận 2 và 4), Thủ Thiêm 4 (nối quận 2 và 7), cầu Cát Lái (nối TP Hồ Chí Minh với Đồng Nai) và cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ).
Giai đoạn này, TP cần tập trung đầu tư hoàn thành 3 tuyến metro: Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7km (đang thi công); số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dài 11,3km và số 5 (Ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn) dài 8,9km.
Đến năm 2025 - 2030 thêm 4 tuyến metro được đầu tư: Số 3 (Bến Thành - Bến xe miền Tây) dài 9,7km; Số 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm) và đoạn (Tham Lương - bến xe An Sương) dài 9,1km; Số 4b (Công viên Gia Định - Lăng Cha Cả) dài 3,5km; Số 5 (Ngã tư Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc) dài 14,5km.
Hiện, tổng chiều dài các tuyến đường và cầu của TP là 4.392km, mật độ 2,1km mỗi km2 (theo tiêu chuẩn phải từ 10 - 13,3km mỗi km2) và chỉ có 1.800km có lòng đường rộng hơn 7m.
Theo Sở Giao thông vận tải, TP với vai trò là một đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí đặc biệt quan trọng của cả nước. Đồng thời là đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực và Đông Nam Á.
Tính đến tháng 3 năm nay, TP đang quản lý hơn 8,1 triệu phương tiện (hơn 763.000 ô tô, còn lại là xe máy). Hệ thống hạ tầng giao thông TP được cho là vừa thiếu vừa yếu so với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước. TP cần phải tạo được những chuyển biến cơ bản trên các lĩnh vực của nền kinh tế. Trong đó giao thông vận tải vốn được xem là "mạch máu" của nền kinh tế cần được ưu tiên phát triển trước một bước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần