TP Hồ Chí Minh cho phép mở lại dịch vụ ăn uống: Người dân mừng, lo lẫn lộn

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (9/9) - ngày đầu tiên hàng quán tại TP Hồ Chí Minh được phép kinh doanh trở lại dưới hình thức “take away” (bán mang đi). Có người rất vui mừng, song nhiều chủ quán cho biết vẫn còn mơ hồ về các điều kiện để được mở bán trở lại.

Theo ghi nhận, trong ngày 9/9, tại hầu hết các tuyến đường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đa số các cửa hàng kinh doanh vẫn chưa hoạt động trở lại.
Chị Nguyễn Thị Mai Hương (kinh doanh thức ăn vặt, trên đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận) cho biết, đã nghe thông tin được mở bán trở lại, tuy nhiên chưa biết cách thực hiện thế nào: “Tôi đang đợi các hàng quán xung quanh bán trước, sau đó mình sẽ học để làm theo” - chị Hương nói.
 Vui mừng vì được chính quyền TP Hồ Chí Minh cho mở quán bán trở lại, song nhiều chủ quán tỏ ra lo lắng về giấy đi đường, giá nguyên vật liệu, xét nghiệm 2 ngày/lần, lương nhân viên. Ảnh: PLO
Tương tự, anh Nguyễn Quang Huy (kinh doanh quán bún bò, trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3) cũng bày tỏ rất phấn khởi khi được bán trở lại, nhưng chưa dám mở cửa hàng vì không biết bán mang đi thời điểm này có khác với bán mang đi các giai đoạn trước khi TP thực hiện giãn cách xã hội hay không?
“Nếu chỉ được giao hàng nội quận, sẽ rất khó khăn cho việc mua bán. Vì đơn hàng trong quận rất ít, chả được bao nhiêu, trong khi đó phải chia phần trăm cho shipper. Chưa kể, việc tuân thủ giấy đi đường khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng cao. Tôi nhẩm tính, để bán được một tô bún bò có lời, giá đến tay người tiêu dùng phải rơi vào khoảng trên dưới 100.000 đồng, mức giá này thử hỏi mấy người dám ăn trong bối cảnh kiệt quệ tiền bạc vì dịch Covid-19 kéo dài” - anh Huy phân tích.
Cũng trong tâm trạng lo lắng, chị Lê Thị Lệ (chủ quán cà phê, trên đường Văn Thân, quận 6) cho biết, dù may mắn không phải lo chuyện mặt bằng nhưng suốt mấy tháng nay đóng cửa không kinh doanh, khiến tài chính gia đình gặp nhiều khó khăn.
“Điều tôi băn khoăn nhất lúc này là, không lo nổi cho nhân viên của quán “3 tại chỗ”, các chi phí ăn uống, điện nước, chỗ ngủ, chỗ sinh hoạt, chi phí xét nghiệm 2 ngày/lần thật là gánh nặng khá lớn” - chị Lệ nói.
Tỏ ra bất ngờ với thông tin TP cho mở bán trở lại, bà Nguyễn Thị Lụa (gần 15 bán quán cơm tấm, trên đường Kha Vạn Cân, TP Thủ Đức) lại cho biết, xưa nay bà chỉ bán hàng trực tiếp, chưa bán qua App hay shipper bao giờ.
“Hai vợ chồng tôi đều đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, nên tôi rất muốn mở cửa hàng bán lại để kiếm đồng ra đồng vào. Nhưng vì lớn tuổi không biết xài công nghệ, tôi chưa biết phải liên hệ, giao hàng thông qua shipper như thế nào” - bà Lụa bày tỏ.
Trước đó, ngày 8/9, UBND TP có chỉ đạo khẩn, cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi.
Cụ thể, các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; người giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) phải đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Các cơ sở này phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện, TP Thủ Đức để được cấp giấy đi đường; phải đảm bảo điều kiện người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19 và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người.
Các quy định trên có hiệu lực từ ngày 7/9 cho đến khi có thông báo mới.