4 tình huống chống dịch Covid-19
Chiều 25/10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh (Ban chỉ đạo) đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng, chống dịch và một số vấn đề được dư luận quan tâm.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, hiện nay dịch Covid-19 trên địa bàn đang ở cấp độ 2. Số ca mắc mới/100.000 dân/tuần là 73,5, tương ứng cấp độ 2, tuy nhiên TP Hồ Chí Minh ứng phó với dịch theo cấp độ 3, cấp độ màu da cam.
“Một số chỉ số như số ca mắc mới, số ca nhập viện, số ca bệnh nặng, số ca tử vong đã giảm, tuy nhiên không vì vậy mà được phép chủ quan, nghe dịch giảm mà không tuân thủ 5K theo khuyến cáo của ngành y tế. Nếu chủ quan, dịch hoàn toàn có thể bùng phát trở lại, số ca nhiễm mới tăng lên, số ca bệnh nặng tăng lên…” – ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu khuyến cáo.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, đến cuối tháng 10/2021, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn toàn tự lực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi lực lượng tăng cường rút đi hết. Ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã xây dựng 4 kịch bản phòng chống dịch Covid-19 cho thời gian tới.
Tình huống 1, là tình hình dịch bệnh được kiểm soát, F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cách ly điều trị tại nhà, TP Hồ Chí Minh sử dụng bệnh viện dã chiến số 16 để thu dung, điều trị cho bệnh nhân theo mô hình bệnh viện 3 tầng.
Tình huống 2, tương đương với dịch cấp 2, F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được cách ly, điều trị tại nhà, sử dụng 2 bệnh viện dã chiến số 13 và 16 để điều trị cho bệnh nhân.
Tình huống 3, số ca mắc mới như hiện nay, F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được cách ly điều trị tại nhà, mỗi trạm y tế lưu động quản lý, chăm sóc 100 – 150 ca F0, TP sử dụng dụng 3 bệnh viện dã chiến để thu dung điều trị cho F0.
Tình huống 4, tình huống xấu nhất, tương đương với tình hình dịch của tháng 9/2021, dịch bùng phát số ca F0 tăng, F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ sẽ được cách ly tại nhà. Căn cứ theo tình hình thực tế, thành lập thêm tổ chăm sóc F0 tại nhà, huy động toàn bộ bệnh viện, trung tâm hồi sức, quận huyện mở thêm bệnh viện dã chiến 300-500 giường… đảm bảo có từ 16.000 -19.000 giường dành để điều trị cho F0.
Liên quan đến vấn đề công bố tình hình dịch, ông Phạm Đức Hải cho biết, theo quy định hiện hành, vào thứ 6 hàng tuần, UBND quận huyện, phường xã phải gửi báo cáo kèm kế hoạch can thiệp đối với địa bàn có tình hình xấu cho TP Hồ Chí Minh để TP tổng hợp và công bố tình hình dịch vào thứ 2 hàng tuần trên Cổng thông tin của Bộ Y tế, Cổng thông tin Covid-19 và cung cấp thông tin qua họp báo.
Chưa quyết vấn đề cho mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ
Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Huỳnh Minh Tú cho biết, lượng hàng hoá từ các tỉnh đưa về TP trong ngày 25/10 đạt 6.000 tấn, riêng tại 3 điểm trung chuyển đặt tại 3 chợ đầu mối, lượng hàng về đạt 1.700 tấn. Cũng tính đến ngày 25/10, đã có 120/234 chợ truyền thống đã được mở cửa hoạt động trở lại, đến cuối tháng 10/2021 sẽ có thêm 9 chợ nữa được phép hoạt động trở lại. Đến nay, chỉ còn 2 quận là chưa cho phép mở lại chợ truyền thống.
Liên quan đến mảng quản lý của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, báo chí quan tâm đến vấn đề bao giờ dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ được phép hoạt động trở lại?. "Về đề xuất cho dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ được phép hoạt động trở lại UBND TP đang xem xét, cân nhắc về cách làm ra sao, các tiêu chí đánh giá…. đang còn nhiều vấn đề cần trao đổi, chưa thể trả lời được" - ông Tú cho biết.
Không chỉ đạo sửa con số này, thay con số kia
Liên quan đến vấn đề TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn, điều này có mâu thuẫn gì với tình hình mới hiện nay?
Theo ông Phạm Đức Hải, nguyên tắc của Chỉ thị 18 thống nhất toàn TP Hồ Chí Minh, tuy nhiên quận huyện thực hiện linh hoạt sáng tạo. UBND quận, huyện căn cứ vào mức độ dịch trên địa bàn để điều chỉnh các hoạt động kinh tế sao cho phù hợp hướng dẫn của Bộ Y tế. Cấp quyết định là UBND quận, huyện và TP Thủ Đức.
Một vấn đề cũng được báo chí quan tâm đó là việc chênh lệch số liệu F0. Theo số liệu công bố của Sở Y tế, ngày cao điểm trên địa bàn có hơn 17.000 người mắc F0, trong khi đó số liệu do Bộ Y tế công bố chỉ hơn 5.000.
Ông Phạm Đức Hải cho rằng, các số liệu liên quan đến dịch Covid-19 được công bố dựa trên 3 nguyên tắc công khai, chính xác và kịp thời. “Trong khi diễn biến dịch hết sức căng thẳng suốt tháng 8, ngày nào cũng họp báo, không phân biệt ngày nghỉ lễ hay cuối tuần… đó là công khai, chính xác, đó là kịp thời. Mỗi lần họp đều có cung cấp số liệu về số ca nhập viện bao nhiêu, bao nhiêu ca nặng phải thở máy, bao nhiêu ca phải can thiệp ECMO, bao nhiêu ca tử vong trong ngày…. rất rõ ràng và cụ thể. Do vậy, không có cái gì trong quan điểm chỉ đạo phải sửa con số này, thay con số kia. Tuy nhiên trong trường hợp này, kết quả lúc thì tính theo xét nghiệm PCR lúc thì test nhanh.
Hiện nay Sở Y tế đang chỉ đạo các cơ quan chức năng, các quận huyện, trạm y tế lưu động báo cáo, tổng hợp để Sở xin ý kiến Bộ Y tế để thống nhất con số, quan điểm là công khai” - ông Phạm Đức Hải giải thích về việc chênh số liệu.