TP Hồ Chí Minh: Hiện tượng mù quang hóa là tự nhiên và có tính chu kỳ

Yên Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến tình hình ô nhiễm không khí do hiện tượng mù quang hóa xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong thời gian từ ngày 18 - 25/9/2019, chiều 9/10, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã có cuộc họp báo thông tin cụ thể về vấn đề này.

Ông Cao Tùng Sơn - Giám đốc TTQTTN&MT TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Huy Chương
Nguyên nhân của hiện tượng mù quang hóa
Theo lý giải của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (TTQTTN&MT) TP Hồ Chí Minh: Hiện tượng mù quang hóa là dạng ô nhiễm không khí xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do ánh sáng mặt trời tác dụng lên các loại khí thải tạo nên những hợp chất có hại cho sức khỏe con người, làm giảm tầm nhìn.
Tại TP Hồ Chí Minh, “mù quang hóa” thường được hình thành trong các ngày diễn ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ mạnh mẽ làm giảm khả năng hòa trộn, phát tán ô nhiễm dẫn đến việc tích tụ ô nhiễm, đặc biệt trong khu vực nội thành.
Hiện tượng này diễn ra theo chu kỳ vào khoảng tháng 9, 10 hoặc tháng 1 hàng năm, kéo dài trong khoảng 6 - 7 ngày; trong 5 năm gần đây (2015 - 2019), hiện tượng mù quang hóa đã xảy ra vào các thời điểm như sau: Từ ngày 1/10/2015 - 7/10/2015; từ ngày 12/10/2016 - 15/10/2016; từ ngày 16 - 18/01/2018 và hiện tại từ ngày 18/9/2019 đến 25/9/2019.
Ông Cao Tùng Sơn - Giám đốc TTQTTN&MT TP Hồ Chí Minh cho rằng: Nguyên nhân của tượng mù quang hóa diễn ra là do hoạt động của dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh khuếch tán sâu xuống phía Nam khiến thời tiết tại TP Hồ Chí Minh luôn ở trạng thái nhiều mây, không có nắng, nền nhiệt thấp, có mưa gián đoạn trên diện rộng, độ ẩm không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết khiến hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù.
Ngoài ra, do trời không nắng, không có đủ bức xạ làm nóng mặt đất, tạo ra lớp nghịch nhiệt làm cho các khí ô nhiễm (phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân...) nằm lớp sát mặt đất không phát tán lên cao được gây tích tụ ô nhiễm.
Kết quả quan trắc tại 30 vị trí quan trắc môi trường không khí từ ngày 3/9/2019 đến 20/9/2019 cho thấy: Có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng, PM10, PM2.5), cao nhất là ngày 20/9/2019, với mức tăng các chất ô nhiễm lần lượt là: Bụi lơ lửng tăng 2,19 lần, NO2 tăng 1,41 lần, CO tăng 1,4 lần, PM10 tăng 1,9 lần, PM2.5 tăng 2,2 lần và nồng độ các chất ô nhiễm giữa thời điểm buổi sáng và buổi chiều không có sự chênh lệch cao. Đặc biệt các thông số bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn tăng cao trong ngày 20/9 với các mức lần lượt là 50%, 25%, 50%;
Hiện tượng mù quang hóa xảy ra tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet
Hiện trạng chất lượng môi trường không khí
Hiện tại, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đang triển khai quan trắc chất lượng môi trường không khí hàng tháng tại 30 vị trí quan trắc với tần suất 10 ngày trong tháng vào 2 thời điểm (7h30 - 8h30 và 15h00 - 16h00). Kết quả quan trắc ô nhiễm không khí 9 tháng đầu năm 2019 cho thấy: Ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra, với 50,8% số liệu bụi lơ lửng và 93,9% số liệu mức ồn quan trắc được tại 19 vị trí giao thông vượt quy chuẩn cho phép (QCVN 05:2013/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh và QCVN 26:2010/BTNMT: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn).
Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại các vị trí Cát Lái, ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh, Gò Vấp, An Sương, Bình Phước luôn có giá trị cao và thường xuyên vượt quy chuẩn. Trong đó, vị trí Cát Lái (tại vòng xoay Mỹ Thủy) có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng và 100% số liệu ồn quan trắc được trong 9 tháng đầu năm 2019 vượt quy chuẩn cho phép.
Tuy nhiên, nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại 30 vị trí quan trắc trong 9 tháng đầu năm 2019 có xu hướng tăng so với 9 tháng đầu năm 2018.

Các khuyến cáo khi xuất hiện hiện tượng mù quang hóa. Sở Tài nguyên và Môi trường khuyến cáo người dân (đặc biệt là trẻ em, người lớn tuổi và phụ nữ có thai) trong các thời điểm xảy ra hiện tượng mù quang hóa: Hạn chế: Ra ngoài, tham gia giao thông và các hoạt động thể thao ngoài trời.

Nếu có nhu cầu ra ngoài cần đeo khẩu trang, kính che toàn bộ mắt và che chắn khi tiếp xúc trực tiếp với sương mù ô nhiễm; khi tham gia giao thông đặc biệt là trên các đường xa lộ, cao tốc người sử dụng phương tiện nên hạn chế tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, bật đèn sương mù… để đảm bảo an toàn giao thông; nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý; tăng cường vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, đồ chơi, hệ thống chiếu sáng và làm thông thoáng môi trường sống; hạn chế phơi thực phẩm và sử dụng nước mưa…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần