Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Huyện Cần Giờ sắp đón nhiều "cú hích" kinh tế

HUY KHÁNH
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được quy hoạch lần đầu năm 1997, dân số 70.000 người, là huyện thuần nông, với một loạt chủ trương, đề xuất chuyển đổi đơn vị hành chính từ huyện thành quận, xây dựng sân bay và một “siêu” dự án BĐS được duyệt và đang được triển khai quy hoạch, Huyện Cần Giờ sắp trở thành đại công trường đô thị trong thời gian tới.

Những “cú hích” cực mạnh
Trung tuần tháng 3/2021, Sở Nội vụ đã có tờ trình gửi UBND TP Hồ Chí Minh về công tác chuẩn bị xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc TP thuộc TP Hồ Chí Minh. Theo đề xuất của Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ sẽ được chuyển đổi lên quận trong giai đoạn 2025-2030. Về trình độ phát triển kinh tế xã hội, huyện Cần Giờ đã đạt 3/6 tiêu chí để chuyển lên quận; về cơ sở hạ tầng, đạt 15/21 tiêu chí. Hiện tại dân số của huyện Cần Giờ hơn 73.000 người, diện tích tự nhiên là 704km2.
 Khách quốc tế tham quan khu du lịch Rừng Sác. Du lịch sẽ là kinh tế chính của Huyện Cần Giờ sau khi điều chỉnh quy hoạch
Để chuẩn bị lộ trình cho việc chuyển đổi đơn vị hành chính từ huyện lên quận, huyện Cần Giờ và Sở Quy hoạch Kiến trúc đang phối hợp thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung đến 2030. Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, trước đây đối với huyện Cần Giờ nhiệm vụ hàng đầu là phát triển kinh tế nông nghiệp, sau khi điều chỉnh quy hoạch, nhiệm vụ hàng đầu sẽ là phát triển kinh tế du lịch. Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch lần này có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặt du lịch, dịch vụ lên hàng đầu sau đó mới tới nông nghiệp. Huyện Cần Giờ có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, là huyện ven biển duy nhất của TP Hồ Chí Minh, có chiều dài bờ biển đến 23km, có hơn 20.000ha diện tích mặt nước sông - kênh - rạch, 330.000ha diện tích rừng ngập mặn...
“Cú hích” thứ 2 gần như đồng thời với đề xuất của Sở Nội vụ, Sở Giao thông Vận tải đề xuất xây dựng sân bay nhỏ ở huyện Cần Giờ. Đề xuất này được đưa ra trong hội nghị góp ý về quy hoạch mạng lưới đường bộ, đường sắt, sân bay vùng TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề xuất này được đưa ra trên cơ sở, trong tương lai ngắn khu lấn biển Cần Giờ sẽ là một trong bốn khu đô thị mới của TP Hồ Chí Minh và có thể khu đô thị này sẽ phát triển mạnh mẽ về dịch vụ, kinh tế, xã hội.
Trước 2 “cú hích” lên quận và đầu tư hệ thống hạ tầng hiện đại, huyện Cần Giờ đã nhận được “cú hích” lớn, dự án khu lấn biển, một siêu đô thị diện tích gần 3.000ha, tổng giá trị đầu tư tương đương 10 tỷ USD đã được thông qua.
Cần Giờ sắp có “siêu” đô thị
Hiện tại, trên địa bàn huyện Cần Giờ chỉ có duy nhất một dự án BĐS đã được triển khai là dự án Khu dân cư du lịch nhà vườn Phước Lộc, do Công ty TNHH Xây dựng - Kinh doanh nhà Phước Lộc làm chủ đầu tư, quy mô 56ha với khoảng 500 căn biệt thự và nhà phố.
Trong tương lai gần, khoảng 5 năm tới bộ mặt của huyện Cần Giờ sẽ thay đổi khi “siêu” dự án lấn biển Cần Giờ, có tổng vốn đầu tư tương đương 10 tỷ USD được hình thành.
Dự án lấn biển và Khu đô thị Cần Giờ được TP chấp thuận năm 2004, giao Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư. Dự án chính thức được khởi động vào năm 2007 trên diện tích 600ha, tuy nhiên sau đó dự án bị đình trệ do chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính. 8 năm sau, năm 2015 TP chính thức cho phép một số pháp nhân khác tham gia dự án.
Năm 2019, UBND TP đã đề xuất và xin phép Chính phủ mở rộng dự án lấn biển Cần Giờ lên 2.870ha. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức cho phép mở rộng dự án. Vị trí khu vực quy hoạch nói trên thuộc xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, phía Đông, Tây và Nam giáp biển Đông, phía Bắc một phần giáp đường Duyên Hải, một phần giáp đường dọc Biển Đông 1.
Tháng 6/2020, Chính phủ đồng ý điều chỉnh diện tích Khu đô thị lấn biển Cần Giờ từ 600 ha lên 2.870 ha, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện dự án này. Cuối tháng 2/2021, UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành 4 quyết định duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Khu Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, huyện Cần Giờ bao gồm 4 phân khu.
Phân khu A với quy mô 771,05 ha; được quy hoạch thành khu vui chơi, giải trí (công viên chuyên đề, sân golf…), du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu ở (nhà ở liên kế, biệt thự, chung cư), thương mại dịch vụ, văn phòng, khách sạn, khu sử dụng hỗn hợp và an ninh quốc phòng... Quy mô dân số tối đa 65.113 người.
Phân khu B với quy mô 586,88 ha, được quy hoạch là khu ở, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu công trình dịch vụ - công cộng đô thị... quy mô dân số tối đa là 71.268 người.
Phân khu C với quy mô 303,47 ha, được quy hoạch là khu đô thị du lịch lấn biển, du lịch nghỉ dưỡng... quy mô dân số tối đa là 26.246 người.
Phân khu D, E với tổng diện tích quy hoạch là 1.208,6 ha (phân khu D là 449,82 ha; phân khu E là 758,78 ha) được quy hoạch là khu đô thị du lịch lấn biển, du lịch nghỉ dưỡng... quy mô dân số tối đa là 65.879 người.
Khu đô thị lấn biển Cần Giờ sẽ là một “siêu” dự án, diện tích 2.870ha, quy mô dân số khoảng 228.000 người với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD do Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 32.500 tỷ đồng (chiếm 15% tổng mức đầu tư) còn lại là vốn vay thương mại. Thời hạn thực hiện dự án 50 năm. Trong một tương lai gần, huyện Cần Giờ sẽ trở thành một đại công trường đô thị khi “siêu” dự án đô thị lấn biển được triển khai.