TP Hồ Chí Minh nên cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 hoạt động trở lại?

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia ngành y tế cùng các chủ doanh nghiệp và người lao động. Việc cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 hoạt động trở lại là rất tốt, vừa giúp nền kinh tế phục hồi, vừa giúp an lòng người dân sau chuỗi ngày dài giãn cách xã hội.

Trong cuộc chiến dài hơi chống dịch Covid-19, TP Hồ Chí Minh đã xác định mục tiêu quan trọng là hướng tới bao phủ vaccine tạo miễn dịch cộng đồng, nhờ đó công tác tiêm chủng tại TP đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, đây có phải thời điểm thích hợp để TP vừa bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới hay không, vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi…
 Các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để TP Hồ Chí Minh ''nới lỏng'' với người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp hoạt động, phục hồi kinh tế. Nguồn: Báo Chính phủ
Theo ghi nhận, đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ dân số trên 18 tuổi tại TP Hồ Chí Minh được tiêm mũi một vaccine đã đạt hơn 82%. Bên cạnh đó, số người trên 18 tuổi được tiêm đủ 2 mũi là 269.423 trường hợp, đạt gần 4% dân số trên địa bàn TP.
Chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đại diện một doanh nghiệp (xin giấu tên) với gần 300 công nhân kiến nghị, TP Hồ Chí Minh cho đơn vị này được sản xuất trở lại: “2/3 công nhân của công ty đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19, số còn lại cũng đã tiêm 1 mũi. Chúng tôi tha thiết mong lãnh đạo TP cho số công nhân tiêm đủ 2 mũi được làm việc trở lại. Công ty cam kết tuân thủ phòng, chống dịch bệnh theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế” - vị này bày tỏ.
Đồng quan điểm, chị Hoàng Ngọc Anh ngụ đường Văn Thân (phường 8, quận 6, TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, nên cân nhắc cho người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 được đi lại, mở hàng quán, đi làm, chạy xe…
“Nếu giãn cách 15, 30 ngày thì người dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể cầm cự được. Nhưng giãn cách kéo dài 2 tháng, 3 tháng, hoặc có thể nhiều tháng nữa, thì không đủ tài chính để chờ đợi ngày hết dịch bệnh” - chị Ngọc Anh nói.
Mới đây, một số hãng hàng không của Việt Nam cũng đã kiến nghị "cần cho những người đã được tiêm phòng mũi 2 đi lại thì các hãng bay mới hoạt động được. Nếu không gỡ được nút thắt này, dù có được cho phép bay cũng không có khách". 
Liên quan những kiến nghị nói trên, chiều 3/9, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh cho biết, ông ủng hộ quan điểm cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 hoạt động trở lại. Tuy nhiên, công tác thực hiện phải đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế tại TP.
“Sau thời gian dài “hao tâm tổn sức” chống dịch, có lẽ đã đến lúc TP Hồ Chí Minh từng bước phục hồi kinh tế. Trong đó nhóm người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine được xác định là lực lượng tiên phong, đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên cần phải lưu ý, chỉ những người sau khi tiêm mũi 2 tối thiểu là 4 tuần trở lên thì cơ thể mới có khả năng sản sinh kháng thể dồi dào để chống lại dịch Covid-19” - bác sĩ Hùng nói.
Đặc biệt, bác sĩ Hùng nhấn mạnh, vì TP Hồ Chí Minh hiện nay chưa đạt đến miễn dịch cộng đồng, do đó khi nhóm người đã tiêm đủ 2 mũi hoạt động trở lại, phải đề cao bài toán an toàn.
“Theo các chuyên gia dịch tễ, miễn dịch cộng đồng được tạo ra khi 70 - 80% dân số tiêm đủ 2 mũi vaccine. Điều này có nghĩa là, không phải 100% công nhân của công ty A tiêm đủ 2 mũi thì hoạt động của công ty này an toàn, miễn nhiễm với dịch bệnh. Vấn đề miễn dịch cộng đồng phải xác định trên phạm vi toàn dân, và đây là bài toán an toàn không thể bỏ quên trong quy trình chống dịch”, bác sĩ Hùng nói và dẫn chứng câu chuyện y, bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh mắc Covid-19 dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
“Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP mắc Covid-19 là vì phạm vi bệnh viện này đã miễn dịch, nhưng cộng đồng chưa miễn dịch, và nguy cơ lây nhiễm đã xảy ra. Nói như vậy để thấy, những người tiêm đủ 2 mũi không đồng nghĩa họ đã an toàn. Chưa kể, so với các chủng trước, với chủng Delta đang hoành hành ở TP, hiệu quả của vaccine bị giảm. Do đó, một khi cho nhóm người này hoạt động kinh doanh, mua bán, sản xuất trở lại thì phải đảm bảo linh động từng khu vực, từng ngành nghề và có phương án hoạt động kết hợp phòng dịch chi tiết, cụ thể” - bác sĩ Hùng nói thêm.
Theo bác sĩ Hùng, nếu TP có cho phép, nên cân nhắc chỉ cho những ngành nghề thiết yếu, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quan trọng có tác động đến nền kinh tế chung của toàn TP, chứ đừng quy định chung chung rằng người tiêm đủ 2 mũi cũng được quyền tự do đi lại, tự do hoạt động.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, cho phép người tiêm 2 mũi hoạt động lại là rất tốt, vừa giúp nền kinh tế phục hồi, vừa giúp an lòng người dân sau chuỗi ngày dài giãn cách xã hội.
“Sắp tới đây vaccine sẽ về rất nhiều, không nhất thiết phải chờ đủ vaccine mới cho doanh nghiệp, người dân hoạt động, tôi ủng hộ chiến lược mở cửa từng bước. Vì thực tế rất khó, và gần như không thể để cắt dịch trong bối cảnh F0 nhiều như hiện nay, chỉ có thể giải quyết theo giải pháp tình thế” - bác sĩ Khanh nói.
Đặc biệt, bác sĩ Khanh nhấn mạnh, trên thế giới nhiều nước tiêm được mũi 1 cho khoảng 70% dân số thì đã hoạt động bình thường. Đây là con số mà TP Hồ Chí Minh cũng đã đạt được, vì vậy, không có lý do gì đề chần chừ cho doanh nghiệp, người dân hoạt động trở lại.
“Theo tôi nên cho hòa nhập lao động, trong thời gian đó, những người đã tiêm 2 mũi làm chung 1 khu vực, những người tiêm mũi 1 làm chung 1 khu vực. Chờ đủ ngày tiêm tiếp mũi 2 cho những trường hợp đã tiêm mũi 1, như vậy mới hòa nhập kinh tế được” - bác sĩ Khanh đề xuất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần