TP Hồ Chí Minh: Phát sốt với na rừng “khổng lồ”, giá vài trăm nghìn một quả

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đắt hơn rất nhiều lần so với na thông thường, nhưng na rừng có kích thước “khổng lồ” vẫn được người TP Hồ Chí Minh lùng mua vì có nhiều công dụng đối với sức khỏe.

Na rừng còn tên gọi khác: Nắm cơm, Na dây; Xưn xe, Ngũ vị tử nam… (tên khoa học là: Kadsura Coccinea). Loại quả đặc biệt này được xem là quà của rừng cho cánh mày râu với rất nhiều tác dụng trong việc bồi bổ cơ thể và chữa bệnh.
 Na rừng đỏ có trọng lượng lớn, chín tại cây có giá vào khoảng 500.000 đồng/quả
“Na rừng chủ yếu mọc trong những cánh rừng sâu ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lạng Sơn, Yên Bái, Lào Cai, Điện Biên… Giá bán na rừng luôn luôn ở mức cao vì rễ cây, thân cây và quả của cây na rừng đều có tác dụng chữa bệnh”, ông Nguyễn Văn Dậu, một đầu nậu chuyên cung cấp na rừng “khổng lồ” (ngụ đường Bà Hom, quận 6, TP Hồ Chí Minh) cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Dậu, na rừng thường cho quả từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Khác với các loại na thông thường, na rừng có ruột màu đỏ và được trân trọng như một món dược liệu quý.
“Nếu xét về góc độ ăn ngon thì na rừng không “có cửa” so với các loại trái cây khác. Song vì, nó tốt cho sức khỏe, nên nhiều người vẫn lùng mua bất chấp việc giá bán vô cùng đắt đỏ”, ông Nguyễn Văn Dậu nói.
Là người chuyên cung cấp đặc sản vùng miền trên chợ online, chị Nông Thị Linh Nga (ngụ đường Nguyễn Đình chiễu, quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết, na rừng trái có kích thước càng to thì giá bán càng cao, trung bình với những quả na rừng nặng từ 3 - 5kg sẽ được bán với mức giá khoảng 400.000 - 800.000 đồng/quả.
“Đã gọi là na rừng “khổng lồ” thì quả to sẽ được ưa chuộng và có giá bán cao hơn quả nhỏ. Nếu như quả nhỏ bán theo kg, thì quả to sẽ bán theo trái”, chị Nga nói.
Cũng theo chị Nông Thị Linh Nga, trước đây na rừng chủ yếu được biết đến ở các tỉnh phía Bắc, thì nay đã khá phổ biến ở TP Hồ Chí Minh. Nhiều chị em nội trợ sẵng sàng tìm mua na rừng để bồi bổ cho gia đình.
 Không chỉ bổ dưỡng, na rừng còn có tác dụng chữa bệnh
“Không mấy người mua na rừng về ăn, đa phần là họ mua về ngâm rượu. Vì na rừng ngâm rượu có thể trị phong thấp, làm thuốc an thần trị chứng mất ngủ và là bài thuốc bổ dương… nói chung là rất tốt”, chị Nga nói thêm.
Giá đắt, nhưng khách hàng đặt mua liên tục, anh Võ Đình Thương, đang bán na rừng tại quận 5, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, na rừng rất khó đặt hàng, để mua được thường khách phải đặt cọc trước vài ngày cho đến một tuần.
“Sở dĩ na rừng có giá cao là vì nguồn cung không nhiều, chủ yếu do người dân vào tận rừng tìm hái, năm trái nhiều, năm trái ít, việc đi lại cũng khó khăn. Chưa kể, yêu cầu của người mua cũng rất khá khắt khe như quả đủ độ chín (thường có màu đỏ), cân nặng trên 3kg, vỏ nứt to, mùi thơm đặc trưng…”, anh Thương nói.
Theo anh Thương, hiện nay diện tích na rừng ngày càng bị thu hẹp khi người dân khai thác cả rễ, thân về bán làm dược liệu. Đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân khiến giá bán na rừng bị đẩy lên cao.
“Hiện nay, trên thị trường có 2 loại na rừng, là na rừng trắng và na rừng đỏ. Nếu như na trắng khi chín có màu vàng nhạt hoặc khe múi hơi đỏ, thì na đỏ sẽ đỏ toàn thân. Và lúc nào cũng vậy, na rừng đỏ sẽ có giá cao hơn na trắng. Vị na đỏ ngọt nhẹ, cắn thêm một phần vỏ múi mềm sẽ có vị thơm đặc trưng. Đặc biệt na rừng đỏ có thể để chín ăn tươi ngay, ngâm rượu hoặc ủ rượu vang đều rất tốt”, anh Võ Đình Thương hướng dẫn.