Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh sẽ chi hơn 38 tỷ đồng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đoàn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/3, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định “Kế hoạch Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố năm 2018”.

Tổng kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố năm 2018 từ ngân sách nhà nước dự kiến là hơn 38 tỷ đồng.
Theo đó, Ngân sách thành phố đảm bảo kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; nguồn ngân sách Trung ương trong kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ một phần hoạt động tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề. Huy động thêm nguồn lực của các tổ chức, các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng để bổ sung cho việc thực hiện Đề án.
Theo mục tiêu kế hoạch đặt ra, trong năm 2018, TP đào tạo nghề cho 10.500 lao động nông thôn gồm 2.556 người học nghề nông nghiệp và 7.944 người học nghề phi nông nghiệp.
Tham quan mô hình trồng rau sạch tại HTX Thương mại dịch vụ Phú Lộc, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh
Trong đó bao gồm đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 9.800 lao động nông thôn, người khuyết tật, người nghèo... gắn với nhu cầu việc làm và tuyển dụng của doanh nghiệp (2.556 người học nghề nông nghiệp; 7.244 người học nghề phi nông nghiệp). Đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng cho 700 lao động nông thôn do các trường cao đẳng, trường trung cấp, cơ sở giáo dục đại học tuyển sinh, tổ chức đào tạo theo quy định. Tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 80% trở lên.
Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức kinh doanh và khởi sự doanh nghiệp, nghiệp vụ quản lý, tư vấn đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho 100 giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý đào tạo nghề quận - huyện và cán bộ hội, đoàn thể. Hỗ trợ đầu tư, mua sắm thiết bị đào tạo nghề cho 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tại các huyện nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, TP đặt ra nhiệm vụ tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các quận - huyện, xã - phường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Lồng ghép các nguồn lực (ngân sách trung ương, địa phương), các chương trình, dự án, đề án khác và khuyến khích các dự án của các tổ chức phi chính phủ, các nguồn xã hội hóa thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách, mục tiêu, quy trình của Đề án. Ưu tiên tổ chức dạy nghề đối với lao động nông thôn thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, hộ cận nghèo, lao động nữ.
Thực hiện rà soát, cập nhật, bổ sung nhu cầu học nghề của lao động nông thôn theo yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Đảm bảo đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và có thu nhập ổn định. Không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của việc làm sau học nghề.
Tổng kinh phí thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn thành phố năm 2018 từ ngân sách nhà nước dự kiến là hơn 38 tỷ đồng. Gồm: kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn: 13.410.000.000 đồng; kinh phí đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, người dạy nghề và cán bộ quản lý: 70.000.000 đồng; kinh phí truyền thông, giám sát 60.000.000 đồng; kinh phí tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề: 24.500.600.000 đồng.