TP Hồ Chí Minh có nhiều cây cầu thi công dở dang do nhà thầu rút chạy không biết ngày quay lại. Chỉ riêng huyện Nhà Bè hiện đã có 2 cầu. Trong đó, cầu Phước Lộc trên đường Đào Sư Tích có vốn đầu tư 300 tỷ đồng bỏ dở thi công đã 7 năm. Theo các hộ dân đầu cầu phía xã Phước Lộc chưa nhận đền bù là do khâu đền bù không công bằng và minh bạch.
Cây cầu thứ 3 có nguy cơ sẽ "treo" tiếp là cầu Phước Long, bắc qua rạch Phú Xuân nối quận 7 và huyện Nhà Bè, trên đường Phạm Hữu Lầu có chiều dài 380m, vốn đầu tư 398 tỷ đồng bắng vốn ngân sách nhà nước.
Chủ đầu tư trước đây là Khu quản lý giao thông và đô thị số 4. Nhưng do sáp nhập đầu mối quản lý nên từ tháng 5/2019 chủ đầu tư mới thuộc Ban quản lý các dự án giao thông TP Hồ Chí Minh.
Hoàn thành dự án này sẽ giải quyết được 1 trong 4 điểm đen ùn tắc giao thông hiện nay trên địa bàn quận 7 và huyện Nhà Bè là cầu Kênh Tẻ, ngã tư đường Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, ngã ba đường Huỳnh Tấn Phát - Bùi Văn Ba và cầu Phước Long. Riêng cầu Phước Long, chiều rộng mặt cầu hiện hữu từ 3,2 - 4,2m chỉ đủ cho một làn xe lưu thông nên tình trạng kẹt xe xẩy ra liên tục.
Từ đầu tháng 4/2019, một trong hai đơn vị liên danh trúng gói thầu xây cầu Phước Long là Công ty CP Xây dựng và Đầu tư 492 đã di chuyển 1 xà lan, 2 cần cẩu, 2 máy xúc, nhiều vật tư khác và hàng chục nhân công để thi công mặt bằng hiện trường.
Tuy nhiên, mặt bằng thi công đã hoàn thành từ lâu, thậm chí nhiều lưới sắt cốt trụ cầu đã hàn xong đặt sẵn trên xà lan nhưng cây cầu chưa được phát lệnh khởi công do chưa có giấy phép thi công. Chỉ phép nhẩm cũng tính ra nhà thầu đã thiệt hại tiền tỷ do phải chờ đợi khởi công quá lâu.
Một điều hết sức lạ, trong khi xà lan, cần cẩu nằm "chềnh ềnh" trên vị trí thi công đã gần nửa năm, nhưng các gia đình bị giải tỏa hai đầu cầu chưa biết thông tin xây cầu.
Gần giờ ăn cơm trưa 4/9, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Ba Cẳng - một chủ nhà bán cơm bình dân sẽ bị giải tỏa phía đầu cầu quận 7 cho biết, đến giờ chính quyền vẫn chưa có thông tin gì hết nên cứ bán bình thường.
Đóng vai người dân có nhà ảnh hưởng bởi dự án, chiều 4/9 PV đặt câu hỏi tới Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè: Khi nào huyện thông báo đền bù dự án cầu Phước Long? Phó Trưởng ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè Dương Công Thứ cho biết, dự án cầu Phước Long chưa có kế hoạch đền bù, chưa khảo sát đo vẽ.
Giải phóng mặt bằng là câu chuyện hết sức phức tạp. Chính quyền thường lợi dụng sự phức tạp đó để trút hết lỗi cho người dân không hợp tác, phản đối này nọ nên giải phóng mặt bằng chậm. Vậy xin hỏi trường hợp cầu Phước Long giải phóng mặt bằng chậm thì trước hết lỗi tại ai? Chính quyền quận 7, huyện Nhà Bè, Sở giao thông TP Hồ Chí Minh, hay là người dân?
Vấn đề cần nói những năm gần đây qua cung cấp thông tin từ nhà chức trách, báo chí dành rất nhiều tin bài về kế hoạch, quyết tâm của TP Hồ Chí Minh trong đẩy mạnh các dự án xây cầu giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên địa bàn. Dĩ nhiên, cách đưa tin của một số tờ báo cũng còn nhằm tuyên truyền cho các dự án bất động sản.
Trong hàng trăm dự án xây cầu được TP Hồ Chí Minh thông tin triển khai từ năm 2010 đến nay, riêng địa bàn quận 7 và huyện Nhà Bè có 14 dự án gồm cầu Nguyễn Khoái, Rạch Đĩa, Rạch Tôm, Rạch Dơi, Long Kiển, Phước Lộc, Cây Khô, Mương Chuối, Phước Long, Phú Xuân 2, Thủ Thiêm 4, Kênh Tẻ 2, Cần Giờ và cầu vượt ngã ba Huỳnh Tấn Phát - Bùi Văn Ba.
Đến nay, TP Hồ Chí Minh chỉ mới triển khai 4/14 cầu, trong đó có cầu Phước Long và 2 cầu đã bị "treo" nói trên. Còn cầu Long Kiển trên đường Lê Văn Lương có vốn đầu tư 557 tỷ đồng, khởi công từ 8/2018 và dự kiến thông cầu vào đầu năm 2020. Thực tế tại hiện trường sau một năm thi công cho thấy việc hoàn thành tiến độ còn xa vời.
Nguy cơ cây cầu Long Kiển bị "treo" là hiện hữu, bởi không những gói thầu xây cầu thực hiện chậm mà gói thầu giải phóng mặt bằng nguy cơ kéo dài. Hiện mấy chục căn nhà của các hộ dân thuộc diện giải tỏa xây đường dẫn hai đầu cầu vẫn "án binh bất động", mà dự kiến đầu năm 2020 sẽ thông cầu???