Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn

Yên Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các công trình xây dựng: Công trình xây dựng không có Giấy phép xây dựng theo quy định; công trình xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, đầm, hồ công cộng...

Họp báo về việc triển khai Kế hoạch liên tịch tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Ảnh: Huy Chương

Tại buổi họp báo về việc triển khai kế hoạch liên tịch về tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận huyện vào chiều 25/10/2019. Ông Lê Hòa Bình - Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết: Kế hoạch liên tịch về tăng cường quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP, đảm bảo các Quyết định xử lý vi phạm hành chính phải được thực thi, đảm bảo tính nghiêm minh của công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng;
chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong phối hợp giữa Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn, tiến tới chấm dứt tình trạng xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch, xây dựng trên đất không được phép xây dựng mà không bị xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật; tăng cường lực lượng phối hợp giữa Thanh tra Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, kịp thời kiểm tra, ngăn chặn, tham mưu xử lý ngay từ đầu các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng.
Để triển khai hiệu quả, đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị liên quan cũng như chính quyền các quận huyện khi thực hiện Kế hoạch này phải bám sát tình hình thực tiễn công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, đề ra các giải pháp thiết thực, đồng bộ, khoa học, nhằm chấn chỉnh công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP trong thời gian tới.
Nội dung Kế hoạch phải xác định cơ chế phối hợp rõ ràng, chính xác; tổ chức thực hiện nghiêm túc, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra; tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, dư luận xã hội đồng tình, lực lượng thống nhất cao về tư tưởng và hành động. Mọi hoạt động trong công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng phải chặt chẽ, thống nhất và phù hợp quy định pháp luật.
Trong Kế hoạch liên tăng cường công tác phối hợp quản lý trật tự xây đã phân cấp rõ từng cấp tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử phạt cụ thể như sau:
Đối với UBND phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các công trình xây dựng: Công trình xây dựng không có Giấy phép xây dựng theo quy định; công trình xây dựng lấn chiếm hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, đầm, hồ công cộng; công trình xây dựng trên đất không được phép xây dựng. Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình.
Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho rằng trong thời gian qua tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến và phức tạp tại các quận huyện nhất là huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức, quận 9. Ảnh: Huy Chương

Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc. Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt. Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.
Đối với Tổ công tác theo Kế hoạch này kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các công trình xây dựng: Nhà ở riêng lẻ, công trình xây dựng do UBND cấp huyện cấp Giấy phép xây dựng. Dự án đầu tư xây dựng do UBND cấp huyện quyết định đầu tư. Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2, có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Công trình, bộ phận công trình xây dựng phát sinh sau khi công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng theo Giấy phép xây dựng do UBND cấp huyện cấp hoặc đã được cập nhật Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản. Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở hoặc khu đô thị.
Tổ công tác lập Biên bản vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng vi phạm thuộc trách nhiệm kiểm tra, phát hiện, xử lý của Tổ công tác; đồng thời, tham mưu Chủ tịch UBND quận, huyện ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền hoặc tham mưu Chủ tịch UBND quận, huyện trình Chủ tịch UBND TP ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vượt thẩm quyền.
Đối với Thanh tra Sở Xây dựng chịu trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các công trình xây dựng: Công trình xây dựng do Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt; công trình xây dựng do các Bộ và cơ quan ngang Bộ phê duyệt, do các Sở chuyên ngành cấp hoặc phê duyệt; công trình được miễn giấy phép xây dựng (trừ công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, công trình bí mật Nhà nước, công trình quốc phòng, an ninh, công trình theo lệnh khẩn cấp, công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên).
Đối với Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP: Chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện và xử lý các công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đối với công trình do Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP cấp Giấy phép xây dựng, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng.