TP Hồ Chí Minh: Thành lập “Phiên chợ nghĩa tình”, hỗ trợ người dân trong các khu phong tỏa

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Người dân trong các khu phong tỏa, khó tiếp cận hàng hóa có thể liên hệ với với tổng đài hỗ trợ khẩn cấp 096.387.0058 của “Phiên chợ nghĩa tình” để được hỗ trợ kịp thời...”

Đó là thông tin từ Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP ngày 10/8.
Theo đó, để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân ở các khu vực cách ly, phong tỏa, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh (Sở Công Thương TP) đã phối hợp với các địa phương tổ chức phát phiếu mua hàng tại các chợ, siêu thị… Đồng thời, các địa phương cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm phân phối hàng hóa tận nơi, giúp người dân hạn chế ra khỏi nhà.
Ngoài ra, với người dân trong các khu phong tỏa, khó tiếp cận hàng hóa có thể liên hệ với với tổng đài hỗ trợ khẩn cấp 096.387.0058 của “Phiên chợ nghĩa tình” để được hỗ trợ kịp thời.
''Siêu thị mini di động'' trên xe bus xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh phục vụ người dân mua sắm thực phẩm thiết yếu với giá bình ổn.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, đến nay, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp các đơn vị, tổ chức phiên chợ với 70 mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu. Mô hình này đã hỗ trợ được 6.035 hộ dân tương đương với 24.140 nhân khẩu tại các khu phong tỏa. Người dân đã tiếp cận được 9.103 đơn hàng với tổng giá trị 2,7 tỷ đồng.
Hiện nay, tồn kho của "Phiên chợ nghĩa tình" còn 836 triệu đồng, tương đương với 2.938 đơn hàng. "Chúng tôi vẫn đang tiếp nhận tài trợ của các đơn vị để tiếp tục tổ chức mô hình này” - ông Phương cho biết thêm.
Ngoài các giải pháp đã nêu ở trên, Sở Công Thương cũng phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ TP, tuyển chọn thêm các nguồn hàng, mặt hàng và tổ chức các gói hàng hóa đóng sẵn, chở đến các khu phong tỏa để cung ứng nhanh, thuận tiện, số lượng nhiều cho người dân.
Trước đó, ngày 9/8, báo cáo nhanh của các quận, huyện, TP Thủ Đức về tình hình tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hóa (chủ yếu là lương thực, thực phẩm thiết yếu) cho thấy, tính đến 12 giờ ngày 9/8, trên địa bàn TP có thêm 3 chợ truyền thống khôi phục hoạt động để cung cấp các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống.
Cụ thể, chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12) tổ chức cho 30 tiểu thương ngành hàng tươi sống kinh doanh, chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận) tổ chức cho 16 tiểu thương, chợ Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) tổ chức cho 4 tiểu thương hoạt động.
Việc mở cửa trở lại 3 ngôi chợ này đã nâng số chợ đang hoạt động trên địa bàn TP lên con số 37/234 chợ truyền thống. Tính từ ngày 19/7 đến nay, đã có 18 chợ truyền thống được tái mở cửa. Tuy nhiên, vẫn còn 197 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối vẫn chưa đủ điều kiện hoạt động trở lại.
Được biết, trong 3 chợ đầu mối của TP Hồ Chí Minh, hiện chỉ có chợ đầu mối Thủ Đức đang vận hành điểm trung chuyển hàng hóa nông sản từ các tỉnh về TP tiêu thụ, nhưng hoạt động chưa hiệu quả, lượng rau củ quả chuyển về đây mỗi ngày còn rất khiêm tốn so với quy mô dự kiến ban đầu.
Vì vậy, mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND TP về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn, cùng với đó là tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh việc triển khai thực hiện "Phiếu mua hàng" một cách hiệu quả.