TP Hồ Chí Minh: Hàng Việt đã chiếm 72% trong hệ thống siêu thị

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/4, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tại TP Hồ Chí Minh, cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được triển khai 10 năm liền, hàng Việt đã chiếm 72% trong hệ thống siêu thị, 58% hệ thống trung tâm thương mại, 67% chuỗi cửa hàng tiện lợi và mở rộng phân phối đến nhiều vùng xa trung tâm của TP. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế làm ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng và uy tín hàng Việt. 
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tìm hiểu sản phẩm thương hiệu Việt.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chỉ đạo: “Để cuộc vận động được lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng thì công tác tuyên truyền phải thường xuyên, liên tục, là giải pháp hàng đầu tạo sự đồng thuận xã hội cao, qua đó xây dựng thói quen, nét văn hóa dùng hàng Việt. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường đang cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc sản xuất hàng hóa đa dạng mẫu mã, chất lượng tốt để cạnh tranh hiệu quả với hàng ngoại nhập đang thâm nhập mạnh mẽ vào nước ta, khẳng định chất lượng, giá trị của hàng Việt; các sở ban ngành TP cần phải tăng cường hệ thống phân phối, nối dài cánh tay hàng Việt đến các vùng sâu - vùng xa, để tạo sức sống mạnh mẽ cho hàng Việt trên thị trường. Đây là cuộc "tập trận" quan trọng để đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế”.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh Trần Tấn Ngời khẳng định, chủ trương phát động, thực hiện cuộc vận động đã tạo được sự đồng tình và tích cực hưởng ứng của đông đảo nhân dân và doanh nghiệp. Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, thường xuyên trong toàn Đảng bộ từ TP đến cơ sở.
Đặc biệt, TP còn gắn cuộc vận động với chương trình Bình ổn thị trường của TP, qua đó hỗ trợ và tạo chuyển biến tích cực trong hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt. “Cuộc vận động cũng nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc khai thác thị trường nội địa và chú trọng đầu tư cải tiến hoạt động sản xuất - kinh doanh, xây dựng uy tín thương hiệu”, ông Trần Tấn Ngời nhận xét.
Từ chương trình, các hoạt động quảng bá, kết nối doanh nghiệp và xúc tiến tiêu thụ hàng Việt Nam đã lan tỏa tích cực từ TP đến các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các địa phương có quan hệ hợp tác thương mại với TP. Cuộc vận động đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của đông đảo nhân dân và toàn xã hội.
Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức và hành vi ưu tiên tiêu dùng hàng Việt Nam đòi hỏi quá trình vận động lâu dài, đặc biệt là các doanh nghiệp phải cải thiện chất lượng, mẫu mã, chủng loại hàng hóa đa dạng và dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Tuy nhiên, doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh và cả nước nói chung đa số có quy mô vừa và nhỏ nên hạn chế về năng lực cạnh tranh và gặp nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện hệ thống các rào cản kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế, như hàng rào kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại, các biện pháp vệ sinh dịch tễ đối với các sản phẩm nhập khẩu... Việc này nhằm đảm bảo hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được kiểm tra chặt chẽ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình cụ thể.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần