Theo đó, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố ước đến đầu tháng 11/2016 đạt trên 1.410.000 tỷ đồng, tăng 14,18% so với cuối năm 2015 và tăng 20,7 4% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng trung, dài ạn chiếm 57,7%, tăng 13,75% so với cuối năm 2015. Chất lượng tín dụng ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 9/2016 giảm còn 3,79% trong tổng dư nợ. Dư nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đạt gần 143.000 tỷ đồng. Trong đó, tín dụng cho vay hỗ trợ doanh nghiệp Nhỏ và Vừa chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt gần 92.000 tỷ đồng, chiếm 64,2% tổng dư nợ cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên.
Ngoài ra, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với 21 chi nhánh của Vietinbank, hỗ trợ tín dụng lên đến gần 32.900 tỷ đồng cho hơn 100 doanh nghiệp. Đây chính là “đòn bẩy” tài chính mà doanh nghiệp đang cần. Doanh nghiệp mong muốn có thêm “đòn bẩy” hành chính, để nguồn vốn được hỗ trợ “chảy” thẳng vào sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh đã xác định nếu chỉ hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc về vốn thì chưa đủ. Thành phố phải tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp làm ăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Cụ thể, Cục thuế TP Hồ Chí Minh đã công khai các thủ tục hành chính về thuế, mở rộng và nâng cao chất lượng kê khai nộp thuế điện tử, đảm bảo 98% doanh nghiệp khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử.
Cục thuế thành phố còn phối hợp với các bộ ngành liên quan, kiến nghị một số giải pháp hỗ trợ về thuế cho các doanh nghiệp như: Giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với doanh nghiệp Nhỏ và Vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp xuống còn 17% trong các năm tới, giảm 50% thuế thu nhập cá nhân phải nộp từ tiền lương, tiền công của các cá nhân là nhân lực công nghệ cao…
Chủ tịch UBND TP Hồ CHí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, việc quản lý Nhà nước cần gắn chặt điều hành với vận hành. Thành phố sẽ giao quyền cho các sở ngành, địa phương nhưng cũng gắn với các điều kiện để nâng cao trách nhiệm và tính hiệu quả kinh tế - xã hội. Có như vậy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới đi sâu vào thực chất. Thành phố khuyến khích các dự án khởi nghiệp sáng tạo (start-up), nhằm tập hợp các nguồn lực để tìm kiếm mô hình kinh doanh độc đáo, sáng tạo, có khả năng mở rộng, đột phá về khách hàng để đạt mức tăng trưởng cao.
Ông Phong cho biết thêm, thành phố đã ban hành quy chế hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, kinh phí hỗ trợ tối đa cho 1 dự án khởi nghiệp là 2 tỷ đồng với điều kiện là những dự án thuộc các ngành công nghiệp trọng yếu như: Cơ khí, điện tử - công nghệ thông tin; Công nghiệp hỗ trợ và các nhóm ngành dịch vụ (tài chính - ngân hàng- bảo hiểm, thương mại, du lịch, vận tải, cảng và kho bãi, bưu chính - viễn thông - truyền thông, kinh doanh tài sản bất động sản, tư vấn, khoa học công nghệ, y tế - giáo dục - đào tạo); Hóa chất - nhựa - cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm…